Phòng chống cháy nổ tại các chung cư, nhà trọ

Hiện nay do nhu cầu công việc và học tập tại các tỉnh, thành phố lớn, rất nhiều công nhân, người lao động và sinh viên phải thuê trọ. Tuy nhiên, hầu hết những ngôi nhà này thường nhỏ hẹp, cũ kỹ và không bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Do vậy, khi xảy ra cháy nổ, không chỉ gây thiệt hại lớn về người và tài sản, mà còn tạo tâm lý bất an cho rất nhiều người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh sát PCCC và CNCH quận Thanh Xuân (Hà Nội) hướng dẫn người dân sử dụng các thiết bị phòng cháy, chữa cháy. (Ảnh NAM PHONG)
Cảnh sát PCCC và CNCH quận Thanh Xuân (Hà Nội) hướng dẫn người dân sử dụng các thiết bị phòng cháy, chữa cháy. (Ảnh NAM PHONG)

Vừa qua, vào ngày 30/5, tại một ngôi nhà trong hẻm trên đường Nguyễn Cửu Vân (Phường 17, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) xảy ra cháy làm 1 người tử vong, 5 người bị thương. Ngay khi nhận được tin báo của người dân, Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), Công an quận Bình Thạnh đã điều động cán bộ, chiến sĩ cùng phương tiện chữa cháy đến hiện trường dập lửa, cứu người. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, đám cháy được lực lượng chức năng dập tắt sau ít phút. Tuy nhiên, vụ cháy đã làm một người tử vong, 5 người bị thương và nhiều tài sản trong nhà bị thiêu rụi.

Trước đó, vào ngày 25/5, tại nhà Số 1, Hẻm 31, Ngách 98, Ngõ 43 phố Trung Kính (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) xảy ra vụ cháy lớn. Nhận được tin báo cháy, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Hà Nội và Công an quận Cầu Giấy, lực lượng Cảnh sát 113, Công an phường Trung Hòa khẩn trương đến hiện trường tổ chức chữa cháy. Sau những nỗ lực không mệt mỏi của các cán bộ, chiến sĩ công an và các lực lượng khác, đám cháy đã được khống chế. Tuy nhiên, vụ cháy đã làm 14 người chết và 6 người bị thương. Trước tính chất nghiêm trọng của vụ cháy, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự để làm rõ hành vi vi phạm quy định về PCCC. Cơ quan chức năng sẽ điều tra, làm rõ 2 nội dung: Trách nhiệm của chủ nhà trọ và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

Liên quan đến vụ cháy nhà dân ở phố Trung Kính nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 52/CĐ-TTg gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình người bị nạn và có ý kiến chỉ đạo: Bộ trưởng Công an, bộ trưởng, thủ trưởng các bộ, ngành, cơ quan liên quan và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả, thực chất các văn bản của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng cháy, chữa cháy, nhất là Luật Phòng cháy và Chữa cháy, Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới…; rà soát lại các quy định của pháp luật và điều kiện phòng cháy, chữa cháy liên quan đến việc kinh doanh, cho thuê trọ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/7/2024; kiểm tra, phân loại, có ngay giải pháp về phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở cho thuê trọ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ cho người dân, nhất là ở các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao trên địa bàn trong dịp nắng nóng.

Qua tìm hiểu, tại một số khu nhà trọ ở các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân (Hà Nội); quận Gò Vấp, Quận 8 (TP Hồ Chí Minh)… hầu hết đều xây dựng theo hai dãy song song và có lối đi nhỏ rộng khoảng 1,5 m ở giữa. Một số ngôi nhà cao tầng, tại mỗi phòng thường được chủ nhà xây dựng khép kín gồm nhà bếp, vệ sinh và phòng ngủ; chung quanh nhà là hệ thống chuồng cọp, lối thoát hiểm nhiều khi được khóa chống trộm; đối với dãy nhà trọ chỉ có duy nhất lối thoát ra cổng. Những ngôi nhà này thường bộc lộ bất cập về PCCC như: Xa nguồn nước chữa cháy; các dây dẫn điện về các phòng trọ thường không bảo đảm công suất truyền tải điện, một ổ cắm điện nhưng lại được sử dụng để cắm quá nhiều thiết bị điện cùng lúc; phòng trọ thường không rộng nhưng chứa nhiều hàng hóa, đồ dùng dễ cháy như chăn, đệm, sách, quần áo,… Trường hợp xảy ra cháy nổ, công tác PCCC và CNCH sẽ gặp nhiều khó khăn.

Thực tế từ các vụ cháy nhà cho thấy, những nguyên nhân chủ yếu gây ra cháy nổ là do sự cố hệ thống, thiết bị điện; do sơ suất bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; hạn chế về kiến thức PCCC; vi phạm quy định an toàn PCCC; do tự cháy; tác động hiện tượng thiên nhiên và sự chủ quan, vô ý thức của một bộ phận người dân... Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật liên quan, nhất là Luật Phòng cháy và Chữa cháy hiện nay đã bộc lộ một số bất cập cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn. Cụ thể, một số quy định chưa rõ ràng đang chồng lấn với các luật hiện hành, cần được sửa đổi, bổ sung như: Quy định tạm đình chỉ, đình chỉ cần điều chỉnh nhằm thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính, quy định về PCCC trong quá trình đầu tư xây dựng công trình nhằm thống nhất với Luật Xây dựng, quy định về an toàn PCCC trong sử dụng điện để thống nhất với Luật Điện lực. Cùng với đó, một số quy định còn chung chung, chưa bảo đảm tính khả thi hoặc không còn phù hợp với thực tế cũng cần sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ, như: Quy định cụ thể đối với việc điều động, huy động lực lượng, bồi thường tài sản tham gia chữa cháy; trang bị phương tiện đối với các loại hình cơ sở, phương tiện giao thông; bãi bỏ một số quy định về điều kiện bảo đảm an toàn PCCC đối với các công trình đặc thù đã được điều chỉnh tại các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC…

Theo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy nổ, trong thời gian tới lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tiếp tục triển khai, thực hiện tốt các nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Đảng, Chính phủ và Bộ Công an trong công tác PCCC và CNCH; tích cực tham mưu lãnh đạo Bộ Công an, Chính phủ, Quốc hội xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC và CNCH, như: Dự án Luật PCCC và CNCH; nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và CNCH; tiếp tục xây dựng 2 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng”; đồng thời, thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc công an các đơn vị địa phương triển khai tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành chữa cháy và CNCH; tăng cường xử lý cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC và CNCH có hiệu lực; đăng tải thông tin toàn bộ các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng; tổ chức điều tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về PCCC; tăng cường công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và CNCH; tổ chức chữa cháy, CNCH kịp thời khi xảy ra các vụ cháy, nổ; tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo công an các địa phương tổ chức vòng thứ nhất Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và CNCH “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” toàn quốc năm 2024 ■