Cứ nghĩ, sương mù là “đặc sản” của riêng, hiếm hoi nơi cao nguyên, miền núi. Ngay trong lòng Hà Nội, mới chớm đông, sương mù trùm tấm màn trắng đục, che mờ những nóc cao ốc, khách sạn, chung cư… Sương buông chùng hàng cây cổ thụ trầm mặc, tưởng như xóa nhòa tất thảy. Nhưng đằng sau màn sương mờ mịt ấy, nhìn kỹ vẫn thấy rõ những gương mặt, những phận người dãi dầu sương gió. Trời chưa sáng rõ mặt, người từ mọi nẻo rục rịch kéo đến công viên. Góc tập riêng, bài tập cũng riêng và những bản nhạc không thể lẫn được. Công viên rộng là thế, mà đầy chặt tiếng nhạc náo nhiệt, trộn lẫn cả những bài hát truyền thống, hải ngoại... đủ kiểu. Có lẽ tiếng nhạc từ những thùng loa lớn mở hết cỡ, khiến mặt hồ phẳng lặng như gợn sóng. Sương mù tan loãng ra, dồn về một góc khuất. Nơi thường tụ những người sợ ồn ào, sợ vận động. Nơi gió thổi vun lá vàng, rác rưởi thành đống nhỏ, luẩn quẩn dưới gầm ghế đá lạnh giá. Chỉ ít phút sau, hơi người tỏa ra mặt đá ấm dần, đỡ buốt hẳn. Họ ngồi tưởng chừng bất động, ngắm sương sa, nghe gió xào xạc lùa qua hàng rào sắt. Ở ngoài đó, là một thế giới khác hẳn. Dưới ánh đèn vàng úa, dường như sương nặng, dày hơn tạo thành những quầng sáng nhập nhoạng mờ tỏ. Gương mặt người, tiếng nói mờ nhòe, hàng hóa cũng nhuộm nhoạm chất thành đống to nhỏ, không còn một khoảng trống để len chân. Nhiều nhất là quần áo hàng thùng, tha hồ lục bới, lựa chọn, ướm thử và mặc cả. Toàn đồ thải loại, hàng ngoại dùng rồi, nhưng còn tốt chán. Chất lượng, kiểu dáng thì miễn chê. Xúm đông, xúm đỏ, chen chúc là những bà, những cô mượn cớ đi tập thể dục để thỏa mãn “cơn” mua sắm áo rét, khăn choàng, giày cao cổ. Tấp nập, ồn ào không khác chợ giời, chẳng thiếu thứ gì. Từng bao tải quần áo, giày dép đổ ra la liệt, rồi va-li, túi xách, đồng hồ. Rồi găng tay, bít-tất cho tới cả truyện cũ, đĩa nhạc cài đặt vào điện thoại di động. Góc chợ sớm sôi động, đông đúc ngay cả khi đèn đường đã tắt, người mua, kẻ bán sẵn có ánh sáng từ điện thoại di động. Nhập nhoạng sáng tối, chẳng rõ mặt người, nhưng vẫn rõ mặt hàng, mặt đồng tiền. Gió từ mặt hồ thốc ra ào ạt, bốn bề trống trải như giữa đồng không hoang lạnh. Ngày trước, từng có chợ âm phủ chỉ họp về đêm mà nhộn nhịp hơn cả chợ ngày. Nay, chợ tờ mờ sáng cũng tựa thế. Vội vàng, nháo nhào những bóng người vật vờ…
Trông thế thôi, khoảng trống giữa ngã năm trên nóc hầm đường chui ấy, là nơi kiếm sống của những người đàn bà, đàn ông đầu tắt mặt tối chạy chợ, sấp ngửa. Không đủ tiền thuê quầy hàng trong chợ, hay một chỗ ngồi cố định, họ rủ nhau tới đây họp chợ tạm. Đâu phải tạm một vài sáng, dăm ba ngày. Mà tạm bợ quanh năm, tạm bợ cả đời, nắng mưa, giá rét, sương gió. Mỗi phiên chợ tạm mỗi sáng mù sương chỉ kéo dài chừng hai giờ là nhiều. Khi sương tan loãng, chợ cũng tàn. Trả lại vỉa hè sạch sẽ, tươm tất như chưa từng được sử dụng để bán buôn tất bật. Ai nấy lại cuống cuồng chằng buộc bao tải, túi to, bọc lớn lên xe máy, xe đạp. Lại í ới hẹn nhau phiên chợ sáng mai. Chóng hợp, chóng tan, chợ như nơi thu gom những người buôn bán trôi nổi, những thân phận long đong. Nhưng chỉ một sáng mưa tầm tã, lạnh buốt, trống trơ không một bóng người, chợt cảm thấy thiếu vắng. Các bà, các cô ngơ ngác ngóng chờ. Mất một nơi mua sắm. Mất cả niềm vui hớn hở, tay xách, nách mang những túi căng đầy áo phao, áo lông, khăn len, mũ choàng và đôi giày hiệu lỗi mốt nhưng còn dùng tốt. Dù vậy, vòng ngoài chợ là cả một dãy bắp cải, su hào, rau lang, củ cải. Rồi khoai tây, khoai lang, cà chua bày đầy mẹt, thúng mủng. Lại còn tôm cá tươi bơi lội, trai, ốc, hến lấm lem bùn đất. Rặt những sản vật tươi sống người ta vừa đánh bắt được, đậm chất quê, mang thẳng ra đây bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Giá cả chỉ là một nhẽ, các bà nội trợ xúm xít mua vì lẽ, không phải nơm nớp lo sợ như ngoài chợ người ta trộn lẫn nông sản nhập ngoại, phun thuốc bảo quản, chả biết đâu mà lần. Người mua, kẻ bán ở góc chợ tạm này nhẵn mặt nhau đến mức, biết cả tên, nhận ra ngay từ giọng nói. Dưới ánh đèn nhập nhoạng, mua bán vẫn rạch ròi, đâu vào đấy, đâu có chuyện chụp giật. Họ tin nhau, chẳng đến mức “muối mặt” gian dối. Chuyện đôi co, cò kè, cân điêu, bớt xén kiểu chợ búa, hiếm khi xảy ra. Người Hà Nội gốc, người chân quê ngoại ô với những người tứ chiếng quần tụ, sum họp tạm bợ trong làn sương mù tan loãng dần. Và khi đèn đường đột ngột tắt ngấm, tối thui, mấy bà bán ngô, khoai nướng vội vã chụm cành củi khô, mảnh gỗ vụn với cả đống lá khô, nhóm lên một đống lửa cháy rực. Gặp gió đông ngoài hồ thổi vào, lửa bốc lên thành ngọn đỏ hồng, tỏa hơi nóng ra bốn bề. Lửa bập bùng, than củi đượm, xua tan sương muối giá buốt, ửng hồng những gương mặt phờ phạc bạc gió sương. Nhưng đôi vai gầy guộc gồng gánh từng mớ rau khoai, rau ngót, nải chuối, bầu bí, mướp đắng, mướp hương. Gánh cả làng quê lên thành phố, gánh theo cả nỗi cơ cực, nhọc nhằn một nắng, hai sương.
Quây quần bên đống lửa công viên sáng mù sương là những người đã an phận, yên ấm. Giờ chỉ còn mỗi một việc là hưởng thụ tuổi già. Còn đa phần là người buôn thúng, bán mẹt, chạy chợ, ăn đong từng bữa, từng ngày. Khuất lấp giữa màn sương, cách xa hơi ấm ngọn lửa, dưới tán cây lá vàng trút rơi đầy cống rãnh, vỉa hè, thấp thoáng dăm ba người đàn bà che nửa mặt, cặm cụi đẩy xe rác, mải miết lùa chổi tre quét vun lá rụng, rác rưởi. Tiếng chổi tre đã đi vào thơ ca, vào ký ức và cả trong giấc ngủ chập chờn người thành phố, vẫn còn nguyên đó. Có khác chăng là bộ quần áo bảo hộ được viền dải phản quang để những người lái xe trên đường biết mà tránh những khi nhập nhoạng, chạng vạng. Một đời người, ai đếm được bao nhiêu chiếc chổi tre đã cụt ngọn, bao nhiêu chiếc xẻng đã mòn vẹt, thay cán. Thành phố đã mọc lên trập trùng cao ốc, khách sạn, sang trọng, những cầu vượt dọc ngang đan xen. Nhưng, đứng trên những tầng cao ấy, ngó xuống, dù sương dày đặc, trĩu nặng phủ kín, thì vẫn nhìn thấy rõ từng dáng người, từng gương mặt hằn nếp nhọc nhằn, lo toan cơm áo, gạo tiền. Giữa sương mù, giữa nắng hè đổ lửa, mưa chiều tầm tã hay trong mưa dầm rét buốt tê cóng, ai chẳng nhận ngay ra họ co ro dưới mái hiên những tòa nhà cao tầng sang trọng, dưới gầm cầu vượt hoặc trú nép trong hầm chui, có khi bì bõm lội giữa đường phố ngập úng. Có ai muốn thấy bộ mặt thành phố nhếch nhác, nhem nhuốc. Song, những phận người ấy, lại là một góc không thể thiếu làm nên diện mạo đô thị. Thiếu cái góc mờ tối đó, làm sao thấy được trọn vẹn gương mặt. Nhìn vào đó, có thể mủi lòng, cảm thông. Chỉ thế thôi ư? Chẳng lẽ họ không nhắc nhở người thành phố nhớ rằng, cuộc sống vẫn còn đó những cuộc đời đổ mồ hôi, sôi nước mắt, xoay xở chật vật, lăn lộn, quăng quật lo kiếm miếng cơm, manh áo chưa xong. Lại lo chuyện ăn học cho con cái. Cả đời oằn vai, nai lưng, chúi mặt cho con được ngẩng cao đầu, thoát khỏi kiếp đời lam lũ, cực nhọc.