CẢNH BÁO GIẢ MẠO NHÂN VIÊN THU TIỀN ĐIỆN NHẰM LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Thời gian gần đây xuất hiện hàng loạt các đối tượng xấu giả mạo nhân viên điện lực để lừa đảo người dân. Những đối tượng này thường sử dụng phương thức gọi điện hoặc nhắn tin qua Zalo, SMS để yêu cầu người dân thanh toán tiền điện ngay lập tức, đồng thời đe dọa sẽ cắt điện nếu không thanh toán.
Với hình thức lừa đảo này, đối tượng lừa đảo thường giả danh là nhân viên điện lực gọi điện đến khách hàng, thông báo rằng có vấn đề về hóa đơn tiền điện như: quá hạn, số tiền nợ lớn, hoặc lỗi kỹ thuật trong hệ thống. Các đối tượng lừa đảo có thể giả mạo số điện thoại của nhân viên công ty điện lực, sử dụng công nghệ làm giả số điện thoại (caller ID spoofing) để số điện thoại của chúng hiện lên như là số điện thoại chính thức của công ty điện lực. Điều này làm tăng độ tin cậy của cuộc gọi và khiến nạn nhân dễ dàng tin tưởng.
Tiếp đó, chúng yêu cầu thanh toán ngay lập tức qua các kênh không chính thức như Zalo hoặc chuyển khoản qua ngân hàng. Để gây thêm áp lực, chúng có thể đe dọa sẽ cắt điện ngay nếu không thanh toán nhanh chóng, khiến người dân hoang mang và dễ dàng thực hiện theo yêu cầu.
Bên cạnh chiêu trò gọi điện trực tiếp, đối tượng lừa đảo còn gửi tin nhắn qua SMS hoặc Zalo với nội dung giả mạo từ phía công ty điện lực, yêu cầu người dân thanh toán tiền điện, đồng thời cung cấp các thông tin như số tài khoản ngân hàng hoặc đường link giả để người dân truy cập vào và thực hiện thanh toán.
Sau khi gửi tin nhắn hoặc gọi điện, kẻ lừa đảo có thể gửi đường dẫn đến website thanh toán giả mạo hoặc ứng dụng giả mạo của công ty điện lực) để khách hàng truy cập vào. Khi người dân nhập thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP, hoặc các thông tin cá nhân vào, kẻ lừa đảo sẽ chiếm đoạt được tiền và thông tin của họ.
Để làm tăng độ tin cậy, đối tượng lừa đảo còn điều tra tên, địa chỉ, hóa đơn điện,... của khách hàng được đánh cắp từ các nguồn khác. Tinh vi hơn, chúng còn gửi mã QR thanh toán được thiết kế tinh vi với logo của Tổng Công ty điện lực EVN, khiến nạn nhân không chút nghi ngờ, thực hiện quét mã với số tiền được đối tượng nhập sẵn.
Để có thể phòng tránh được thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân cần tuyệt đối cảnh giác trước các cuộc gọi, tin nhắn đến từ đối tượng không rõ danh tính. Không cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại, Zalo, hoặc SMS.
Nếu nhận được yêu cầu thanh toán, hãy kiểm tra lại thông tin qua các kênh chính thức của công ty điện lực như website, tổng đài hỗ trợ khách hàng. Tuyệt đối không tải về những ứng dụng không rõ nguồn gốc từ những website do đối tượng lạ gửi đến.
Bảo đảm thanh toán qua các phương thức mà công ty điện lực công nhận như qua các ứng dụng ngân hàng, ví điện tử, hoặc thanh toán trực tiếp tại các điểm thu tiền chính thức. Nếu cảm thấy nghi ngờ về một cuộc gọi hay tin nhắn, hãy liên hệ ngay với công ty điện lực để xác nhận thông tin.
Trong trường hợp trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo, người dân cần báo cáo ngay với cơ quan Công an để có thể hỗ trợ và giải quyết kịp thời.
Cảnh giác tình trạng giả mạo nhân viên điện lực
LỪA ĐẢO "VIỆC NHẸ, LƯƠNG CAO" RẦM RỘ TRỞ LẠI DỊP CẬN TẾT NGUYÊN ĐÁN
Lừa đảo “việc nhẹ, lương cao” không còn là một chiêu trò mới, nhưng thủ thuật tinh vi của các đối tượng vẫn luôn thành công thao túng tâm lý người dân khiến họ sập bẫy.
Mới đây, Cảnh sát hình sự tỉnh Quảng Ninh vừa tiếp nhận đơn trình báo của người đàn ông ở thành phố Cẩm Phả về việc bị lừa 1,7 tỷ đồng. Theo đó, đầu tháng 1/2025, ông nhận được lời mời làm cộng tác viên online tại nhà với nhiệm vụ tăng tương tác cho một sàn thương mại điện tử. Tiền hoa hồng sẽ được trả hàng ngày.
Thấy công việc đơn giản, lại có thu nhập nên ông đã liên tục chuyển tiền vào số tài khoản được cung cấp để thực hiện "nhiệm vụ mua hàng". Tuy nhiên, khi đã chuyển đến 1,7 tỷ đồng, ông không rút được tiền gốc và tiền hoa hồng.
Với thủ đoạn trên, các đối tượng lừa đảo thường lập ra các Fanpage trên nền tảng Facebook với nội dung cung cấp dịch vụ hỗ trợ xây dựng gian hàng hoặc tuyển cộng tác viên làm việc online trên các sàn thương mại điện tử.
Khi có người hỏi, nhóm lừa đảo sẽ sử dụng các tài khoản Facebook ảo kết bạn, làm quen, rủ rê họ mở các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử, hướng dẫn làm các nhiệm vụ mua hàng để chiếm đoạt tài sản.
Nhà chức trách khẳng định, các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada hiện không có chương trình tuyển cộng tác viên cũng như làm nhiệm vụ để tăng tương tác cho sàn. Những lời mời gọi với nội dung tương tự đều là lừa đảo.
Trước tình hình trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác trước các lời hứa hẹn về thu nhập cao, việc làm dễ dàng không cần bằng cấp. Thực hiện xác minh thông tin từ các nguồn chính thức, không tin tưởng vào những thông báo hoặc kênh thông tin không rõ ràng.
Không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng hoặc mật khẩu cho bất kỳ ai. Thiết lập xác thực hai yếu tố cho tài khoản trực tuyến và cập nhật mật khẩu thường xuyên.
Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.
Giải cứu thiếu nữ bị lừa sang Myanmar làm "việc nhẹ, lương cao"
CẢNH GIÁC TRƯỚC CÁC THÔNG TIN SAI LỆCH VỀ VIỆC THU THUẾ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện hàng loạt các thông tin sai sự thật về việc “thu thuế thương mại điện tử” gây hoang mang cho người dân.
Ngày 9/1, trên mạng xã hội xuất hiện mẫu thông báo có nội dung: "từ ngày 1/1/2025, cơ quan thuế có quyền truy cập vào mọi tài khoản cá nhân để truy thu giao dịch thương mại điện tử.
Cụ thể, tất cả các giao dịch có ghi nội dung MUA – BÁN sẽ bị thu thuế 10% trên số tiền chuyển khoản".
Theo đó, những người kinh doanh thương mại điện tử qua hình thức livestream và các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube... thông báo cho người mua hàng khi thanh toán chuyển khoản chỉ ghi: TÊN... chuyển khoản để xác nhận.
Đồng thời, các cá nhân kinh doanh thương mại điện tử còn lưu ý nếu người mua hàng thanh toán chuyển khoản ghi nội dung vi phạm quy định nói trên, bên bán hàng xin phép thu 10% tổng giá trị chuyển tiền để nộp vào cơ quan thuế.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó cục trưởng Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định các thông tin về giao dịch thương mại điện tử sẽ bị thu thuế 10% lan truyền trên mạng xã hội là GIẢ MẠO.
Hiện cơ quan Thuế đã có đủ dữ liệu của 725 nghìn tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Trong năm 2024, toàn ngành thuế cũng kiểm tra, rà soát hơn 30 nghìn cá nhân kinh doanh thương mại điện tử có dấu hiệu vi phạm, truy thu và xử phạt 1.223 tỷ đồng.
Tổng cục Thuế nhấn mạnh, với hành vì gian lận thuế, trốn thuế bằng việc thông tin tuyên truyền không đúng gây hoang mang cho người dân, và yêu cầu người mua không ghi rõ nội dung chuyển tiền, cơ quan thuế sẽ phối hợp với các bộ ngành để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng khẳng định, thông tin "Từ ngày 1/1/2025, cơ quan thuế có quyền truy cập vào mọi tài khoản cá nhân để truy thu thuế về thương mại điện tử" là không chính xác theo quy định pháp luật thuế. Đồng thời cho biết, tất cả cá nhân nếu có phát sinh hoạt động kinh doanh thì đều có trách nhiệm tự kê khai, tự nộp thuế vào ngân sách Nhà nước và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật thuế, trong đó bao gồm hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân cần tỉnh táo trước những thông tin trên mạng xã hội. Luôn theo dõi thông tin chính thức tại các Website, báo chí chính thống của các cơ quan, tổ chức Nhà nước.
Cần cẩn trọng khi tiếp nhận bất kỳ thông tin nào trên mạng xã hội, thực hiện xác thực chính xác trước khi lan truyền để tránh gây hoang mang cho người dân dẫn đến những rủi ro về pháp luật.
Tổng cục Thuế cảnh báo người nộp thuế lưu ý và cảnh giác với các hình thức lừa đảo
THỦ ĐOẠN LỪA ĐẢO GIẢ MẠO PAYPAL TIẾP TỤC TÁI DIỄN
Mới đây, ông Carl Windsor (Giám đốc An toàn thông tin tại Fortinet) đã đưa ra cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo mới hết sức tinh vi, sử dụng tên miền và địa chỉ Email hợp lệ của nền tảng thanh toán trực tuyến PayPal để tiếp cận nạn nhân nhằm chiếm đoạt những thông tin và dữ liệu nhạy cảm.
Ban đầu, các đối tượng lợi dụng tính năng tạo Distribution List (danh sách phân phối - tính năng cho phép gửi email đến cho nhiều tài khoản một lúc) của nền tảng Microsoft 365, tạo lập 2 tài khoản Email trong đó bao gồm: một tài khoản email hosting (tài khoản chính) và một tài khoản phụ để đưa vào danh sách phân phối cùng với tài khoản của nạn nhân.
Sau đó, các đối tượng gửi yêu cầu thanh toán một khoản tiền lớn thông qua nền tảng PayPal đến địa chỉ email hosting. Nhờ vào tính năng Distribution List, yêu cầu thanh toán sẽ được gửi đến cho toàn bộ tài khoản rmail có trong danh sách mà đối tượng chọn lựa, đây cũng là phương thức để tiếp cận nạn nhân.
Khi nhận thấy có yêu cầu chuyển tiền hoàn toàn hợp lệ, nạn nhân sẽ không ngần ngại truy cập đường dẫn được đính kèm trong tin nhắn để từ chối thanh toán.
Sau khi nhấn vào đường link, nạn nhân sẽ được chuyển hướng tới màn hình đăng nhập tài khoản PayPal với địa chỉ URL chính thống. Tại đây, sau khi điền tên đăng nhập và mật khẩu, tài khoản PayPal của nạn nhân sẽ tự động được kết nối với tài khoản email còn lại trong danh sách phân phối mà các đối tượng tạo lập, điều này đồng nghĩa với việc các đối tượng xấu đã thành công trong việc chiếm quyền điều khiển tài khoản của nạn nhân.
Trước diễn biến khó lường của thủ đoạn lừa đảo, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác khi nhận được những tin nhắn yêu cầu chuyển tiền.
Cẩn trọng với cả những tin nhắn, trang web có địa chỉ và tên miền hợp lệ, tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân, dữ liệu nhạy cảm hoặc thực hiện giao dịch chuyển tiền thông qua những đường dẫn được đính kèm trong tin nhắn.
Người dân được khuyến cáo nên cẩn thận kiểm tra danh sách người nhận mỗi khi nhận được tin nhắn email để bảo đảm tin nhắn không đồng thời được gửi tới cho nhiều đối tượng lạ khác.
Khi bắt gặp tin nhắn có dấu hiệu đáng ngờ, người dân cần trình báo với lực lượng chức năng để điều tra và ngăn chặn hành vi lừa đảo.
CẢNH GIÁC VỚI THỦ ĐOẠN LỪA ĐẢO THÔNG QUA GIAO DIỆN THANH TOÁN HỢP NHẤT (UPI)
Lực lượng cảnh sát bang Tamil Nadu (Ấn Độ) cho biết thời gian gần đây, nhiều người dân khu vực này nói rằng họ đã trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo trực tuyến sau khi được nhiều đối tượng tiếp cận với lý do “chuyển nhầm tiền”.
Các đối tượng xấu chuyển những khoản tiền nhỏ vào tài khoản ngân hàng của nạn nhân thông qua nền tảng UPI. Sau đó, các đối tượng gửi yêu cầu thanh toán một khoản tiền lớn hơn cho nạn nhân, yêu cầu này cần mã PIN để chấp thuận giao dịch.
Để đánh lừa nạn nhân cung cấp mã PIN, các đối tượng chủ động liên hệ thông qua tin nhắn hoặc cuộc gọi, nói rằng mình đã sơ suất chuyển nhầm tiền vào tài khoản của nạn nhân, yêu cầu trả lại tiền và hứa sẽ hậu tạ bằng một khoản tiền khác thay cho lời cảm ơn.
Sau khi được liên hệ, nạn nhân sẽ có xu hướng truy cập vào ứng dụng UPI để kiểm tra số tiền mà các đối tượng chuyển nhầm. Khi mở ứng dụng, nạn nhân sẽ bất cẩn nhập mã PIN mà không hay biết họ đang chấp thuận cho yêu cầu giao dịch thanh toán tiền mà các đối tượng xấu đã gửi trước đó.
Trước diễn biến của thủ đoạn lừa đảo, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác khi nhận được những khoản tiền bất thường. Cẩn trọng xác minh kỹ thông tin và danh tính của người gửi bằng cách liên hệ trực tiếp với tổng đài hỗ trợ thuộc đơn vị ngân hàng đang sử dụng.
Tuyệt đối không thực hiện chuyển tiền, không làm theo hướng dẫn của các đối tượng lạ. Vụ việc chỉ nên được xử lý dưới sự giám sát của các bên uy tín như các đơn vị tài chính, lực lượng chức năng,...
Trong trường hợp bị lừa đảo, người dân cần sao lưu các thông tin về đối tượng lừa đảo, nhanh chóng trình báo với cơ quan công an để kịp thời điều tra và ngăn chặn hành vi chiếm đoạt tài sản.