Hệ thống điện mặt trời mái nhà tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa: GIZ)
Hệ thống điện mặt trời mái nhà tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa: GIZ)

Việt Nam-Đức tăng cường hợp tác kỹ thuật phát triển điện mặt trời mái nhà

NDO - Với tiềm năng to lớn về năng lượng tái tạo, Việt Nam đã triển khai một số dự án hợp tác thành công với Đức về phát triển điện mặt trời mái nhà. Đây được xem là nền tảng để thúc đẩy hơn nữa hợp tác kỹ thuật phát triển điện mặt trời mái nhà giữa 2 bên, qua đó giúp Việt Nam tiếp tục phát triển điện mặt trời trong cơ cấu năng lượng của mình.

Bước tiến vượt bậc của điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam

Với chi phí sản xuất ngày càng giảm, điện mặt trời đang trở thành nguồn điện có giá cả hợp lý trong các loại nguồn điện. Việt Nam có tiềm năng hội tụ đủ các điều kiện thuận lợi để mở rộng việc phát triển điện mặt trời, khi thiết bị được sản xuất trong nước, chi phí nhân công thấp và nguồn bức xạ mặt trời cao.

Cùng với khoảng 17GW công suất điện mặt trời đã vận hành từ năm 2020, Việt Nam hiện là quốc gia dẫn đầu khu vực ASEAN về phát triển điện mặt trời.

Hơn 100.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà đã được lắp đặt, tương đương với gần 50% tổng công suất điện mặt trời, đã đánh dấu cột mốc quan trọng của hệ thống điện Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu - đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Những văn bản pháp lý mới được ban hành gần đây, như Nghị định 80/2024/NĐ-CP về Cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp và Nghị định 135/2024/NĐ-CP thúc đẩy điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, đã tạo khung pháp lý thúc đẩy sự phát triển của thị trường điện mặt trời mái nhà.

Trong bối cảnh đó, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương đã phối hợp triển khai dự án Điện mặt trời mái nhà trong ngành thương mại và công nghiệp (CIRTS). Dự án do Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Đức (BMZ) tài trợ và được thực hiện từ tháng 2/2021 đến tháng 1/2025 với ngân sách 5 triệu euro.

Mới đây, Bộ Công thương và GIZ đã phối hợp tổ chức sự kiện tổng kết Dự án CIRTS nhằm đánh giá kết quả hợp tác kỹ thuật giữa Việt Nam và Đức, đồng thời mở ra những giải pháp mới thúc đẩy phát triển bền vững năng lượng tái tạo trong tương lai.

Việt Nam-Đức tăng cường hợp tác kỹ thuật phát triển điện mặt trời mái nhà ảnh 1

Các chuyên gia, diễn giả trao đổi về cơ hội và thách thức của điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Trong khuôn khổ dự án, nhiều kết quả đáng ghi nhận đã được triển khai, tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển của điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam, trở thành trụ cột quan trọng trong việc bảo đảm nguồn cung điện sạch, an toàn và tiết kiệm chi phí.

Theo đó, dự án đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, hỗ trợ EVN thúc đẩy thực hiện tiêu chuẩn chất lượng và quy định về an toàn cháy nổ, đồng thời xây dựng hướng dẫn về vận hành và bảo dưỡng nhằm duy trì hiệu suất hoạt động và kéo dài tuổi thọ của hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Thông qua dự án, cán bộ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được trang bị các công cụ dự báo chính xác sản lượng điện mặt trời, đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các đơn vị vận hành hệ thống truyền tải và phân phối điện.

Trong khuôn khổ dự án, tài liệu hướng dẫn vận hành và bảo dưỡng điện mặt trời mái nhà đã được xây dựng và sẽ được xem xét đưa vào chương trình đào tạo tại các trường cao đẳng nghề, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành năng lượng tái tạo.

Ngoài ra, Dự án CIRTS hỗ trợ khôi phục lại thị trường điện mặt trời mái nhà thông qua tư vấn giải pháp kỹ thuật và pháp lý về chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà. Hoạt động này được thúc đẩy thông qua việc phối hợp với các đối tác phát triển khác và tiếp tục được xem xét thúc đẩy trong khuôn khổ hoạt động hỗ trợ xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực nhằm thực hiện các nội dung trong Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Tăng cường quan hệ hợp tác năng lượng bền vững

Việt Nam-Đức tăng cường hợp tác kỹ thuật phát triển điện mặt trời mái nhà ảnh 2

Các tấm pin năng lượng mặt trời thuộc hệ thống điện mặt trời mái nhà tại một cơ sở đào tạo ở Ninh Thuận. (Ảnh minh họa: GIZ)

Các kết quả của dự án CIRTS là bằng chứng cho thấy việc hợp tác kỹ thuật giữa Việt Nam và Đức đã đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam, hướng tới một tương lai năng lượng bền vững.

Từ thành công của dự án CIRTS, trong thời gian tới, với sự hỗ trợ của Đức và các đối tác phát triển, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp về kỹ thuật, quản lý và chính sách để mở rộng thị trường điện mặt trời mái nhà theo Quy hoạch Điện VIII, nhằm xây dựng nền tảng năng lượng sạch, đóng góp tích cực vào mục tiêu giảm phát thải và củng cố vị thế Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Khẳng định Đức là một trong những đối tác chiến lược và đáng tin cậy nhất của Việt Nam, Thứ trưởng Công thương Nguyễn Hoàng Long bày tỏ tin tưởng rằng trong những năm tới, quan hệ hợp tác giữa hai bên sẽ tiếp tục được phát triển mạnh mẽ. Ông cam kết rằng phía Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức để duy trì và tăng cường mối quan hệ hợp tác này.

Việt Nam-Đức tăng cường hợp tác kỹ thuật phát triển điện mặt trời mái nhà ảnh 3

Thứ trưởng Công thương Nguyễn Hoàng Long. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Trong khi đó, Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam, bà Helga Barth khẳng định, tiềm năng phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam là rất lớn. Hợp tác giữa hai quốc gia đã và đang đặt nền tảng vững chắc cho chiến lược giảm phát thải carbon và xây dựng hệ thống năng lượng sạch tại Việt Nam.

Ông Philipp Munzinger - Giám đốc Chương trình Hỗ trợ năng lượng GIZ (ESP) cho biết, hiện trên toàn cầu, điện mặt trời mái nhà chiếm khoảng 1/3 tổng công suất điện mặt trời lắp đặt. Trong khi đó, Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển điện mặt trời mái nhà, vì thực tế đến nay, điện mặt trời mái nhà mới chỉ đạt dưới 1% tổng số lượng mái nhà.

Tuy nhiên, ông Philipp Munzinger cũng khuyến nghị rằng, việc phát triển thị trường điện mặt trời mái nhà cần đi đôi với tăng cường giám sát và nâng cao độ linh hoạt của hệ thống điện để bảo đảm ổn định và an ninh hệ thống điện. Đồng thời, cần cân bằng giữa điện mặt trời mái nhà và các trang trại điện mặt trời quy mô lớn để bảo đảm hiệu quả kinh tế vĩ mô.

Việt Nam-Đức tăng cường hợp tác kỹ thuật phát triển điện mặt trời mái nhà ảnh 4

Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam, bà Helga Barth. (Ảnh: GIZ)

Cũng chia sẻ quan điểm trên, bà Helga Barth cho rằng, tỷ lệ năng lượng tái tạo ngày càng tăng phải đi đôi với việc phát triển lưới điện thông minh và các giải pháp lưu trữ năng lượng.

Theo Đại sứ Đức, với vai trò là đối tác lâu năm, đã hợp tác với Việt Nam hơn 15 năm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Đức sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để giải quyết những thách thức trong quá trình chuyển đổi năng lượng, thí dụ như tích hợp lưới điện, cơ chế tài chính bền vững, và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn cho thiết bị điện mặt trời.

back to top