Cần chính sách thúc đẩy nguồn nhân lực mới

Ngày 30/11/2024, Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc Việt Nam tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sau 8 năm tạm dừng, mở ra cơ hội quan trọng cho ngành hạt nhân, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Việt Nam cần xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu, quản lý và vận hành có năng lực, đồng thời nâng cao trình độ khoa học-công nghệ và phát triển sản xuất công nghiệp, bảo đảm chất lượng và an toàn trong quá trình xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ thăm Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna (Nga).
Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ thăm Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna (Nga).

Tiến sĩ Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết, lĩnh vực điện hạt nhân gồm 3 trụ cột: Thứ nhất, các tổ chức vận hành các nhà máy điện hạt nhân; thứ hai, cơ quan pháp quy hạt nhân giám sát về an toàn và đưa ra các yêu cầu đối với tổ chức vận hành để luôn bảo đảm an toàn; thứ ba, các tổ chức nghiên cứu thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu tìm hiểu về công nghệ và an toàn hạt nhân, cũng như phát triển công nghệ phù hợp với đặc thù của từng quốc gia.

Theo mô hình của các nước đã phát triển thành công điện hạt nhân, vai trò của Viện quốc gia về năng lượng nguyên tử là rất lớn. Các viện có vai trò nghiên cứu, tư vấn lựa chọn, đánh giá an toàn, ưu nhược điểm của công nghệ; xây dựng các chương trình nghiên cứu và phát triển liên quan công nghệ lò phản ứng…

Chính vì vậy, trước mắt, việc nghiên cứu công nghệ điện hạt nhân và an toàn hạt nhân là nhiệm vụ quan trọng của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam để tư vấn, hỗ trợ chủ đầu tư lựa chọn công nghệ phù hợp trong quá trình tái khởi động các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu về công nghệ và an toàn điện hạt nhân sẽ luôn đồng hành cùng các tổ chức vận hành nhà máy điện hạt nhân cũng như cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia.

Trong giai đoạn tiếp theo, việc triển khai xây dựng các nhà máy điện hạt nhân đòi hỏi Việt Nam phải có đội ngũ chuyên gia giỏi ở nhiều lĩnh vực, để xây dựng một chương trình quốc gia về phát triển nghiên cứu, hỗ trợ bảo đảm an toàn trong điều kiện đặc thù của Việt Nam, cũng như nâng cao năng lực, từng bước tham gia nội địa hóa, sản xuất các thiết bị điện hạt nhân.

Việc phát triển điện hạt nhân cũng đòi hỏi Việt Nam cần tập trung xây dựng năng lực nghiên cứu khoa học với đội ngũ cán bộ nghiên cứu giỏi trong nhiều lĩnh vực liên quan như vật lý hạt nhân, điều khiển tự động, cơ học dòng chảy, cơ khí chế tạo, công nghệ hóa học, sức bền vật liệu thép, hợp kim, nhiên liệu hạt nhân…

Chương trình điện hạt nhân là dài hạn, đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều thế hệ các nhà lãnh đạo và người làm nghiên cứu khoa học, quản lý trong một quá trình lâu dài và liên tục, bền bỉ để có được sự thành công và đóng góp tốt cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Theo Tiến sĩ Trần Chí Thành, dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong những năm qua, nguồn nhân lực hiện nay của ngành hạt nhân Việt Nam vẫn còn hạn chế và thiếu đội ngũ cán bộ nghiên cứu đầu đàn. Vì vậy, cần có một chương trình nghiên cứu cấp quốc gia và xây dựng một kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực bài bản, để triển khai đào tạo cán bộ, đào tạo lại, đào tạo nâng cao, bao gồm đào tạo trong nước và ngoài nước với nhiều cấp độ khác nhau từ đại học đến chuyên gia đầu ngành tầm quốc tế.

Nghiên cứu phải đi đôi với đào tạo, và việc đào tạo cần mở rộng sang các lĩnh vực nền tảng khác để phục vụ cho nhu cầu phát triển của nghiên cứu ứng dụng năng lượng nguyên tử trong bối cảnh biến đổi khí hậu cũng như chương trình phát triển điện hạt nhân.

Tiến sĩ Võ Văn Thuận, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân cho rằng, đứng trước những cơ hội to lớn, nước ta đang đối mặt với thách thức thiếu hụt chuyên gia có trình độ. Vì vậy, đào tạo nhân lực là nhiệm vụ cấp thiết, cần có chính sách đặc biệt động viên nhân lực chất lượng cao gia nhập đội ngũ quản lý, nghiên cứu triển khai khoa học, công nghệ và vận hành nhà máy điện hạt nhân.

Một chương trình đào tạo gấp rút cũng phải mất 5-7 năm mới có kết quả cụ thể. Việc đào tạo bồi dưỡng nhân lực phải được thực hiện liên tục và bài bản theo tiến độ phát triển lâu dài của chương trình điện hạt nhân để có đội ngũ các nhà khoa học và kỹ sư ngang tầm với các nước tiên tiến, có năng lực từng bước nội địa hóa công nghệ điện hạt nhân.

Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn về nghiên cứu ứng dụng năng lượng nguyên tử, hướng đến nhiệm vụ hỗ trợ cho chương trình điện hạt nhân của đất nước, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã xác định một số nhiệm vụ cụ thể, đó là: Xây dựng chương trình nghiên cứu dài hạn, tập trung xây dựng tiềm lực khoa học, triển khai nhiệm vụ nghiên cứu với chất lượng tốt; ưu tiên các hướng nghiên cứu hỗ trợ cho chương trình điện hạt nhân của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Viện cần xây dựng một số nhóm nghiên cứu xuất sắc, trong đó có các nhóm tập trung vào công nghệ điện hạt nhân, vật lý hạt nhân, thủy nhiệt và phân tích, đánh giá an toàn hạt nhân đối với một số công nghệ điện hạt nhân được lựa chọn. Viện sẽ phối hợp, hợp tác với một số đơn vị nghiên cứu, trường đại học trong nghiên cứu triển khai; xây dựng và từng bước hoàn thiện chương trình đào tạo về công nghệ hạt nhân.

Ngoài ra, tích cực đào tạo nguồn nhân lực qua các kênh đào tạo trong nước và quốc tế, đào tạo qua công việc, thế hệ trước tham gia đào tạo, truyền kiến thức và kinh nghiệm cho thế hệ sau, kết hợp nghiên cứu với đào tạo, gửi các nhóm nghiên cứu sang nước ngoài làm việc, ưu tiên đào tạo cán bộ trẻ; triển khai các khóa đào tạo ngắn hạn và trung hạn trong nước về lĩnh vực hạt nhân.

Giáo sư Lê Hồng Khiêm, điều phối viên của chương trình hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna (JINR, Nga), cho biết, thời gian tới, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cũng như các nhà khoa học trong lĩnh vực hạt nhân nên có chương trình nghiên cứu, được thông qua bởi Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna, để các nhà khoa học Việt Nam có thể khai thác hiệu quả các thiết bị hiện đại của Viện này, qua đó, đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ vật lý hạt nhân ở trình độ cao, tạo ra những nhóm nghiên cứu riêng của Việt Nam nhằm hỗ trợ tốt nhất cho chương trình phát triển điện hạt nhân sắp tới.