Chị T., sống tại Hà Nội, là nạn nhân của vụ lừa đảo tài chính mới xảy ra. Mong muốn tìm kiếm một cơ hội đầu tư sinh lời, chị không ngờ rằng mình lại trở thành nạn nhân của một chiêu trò tinh vi, khiến chị mất hơn 9 tỷ đồng.
Qua mạng xã hội Facebook, chị T. kết bạn với tài khoản mang tên "Nguyễn Thị Thùy Dung". Dung tiếp cận chị với thái độ thân thiện, trò chuyện về nhiều chủ đề. Sau một thời gian, Dung mời chị T. tham gia đầu tư tiền ảo qua website mcprimetrusted.com, với những lời quảng cáo hấp dẫn, như: lợi nhuận cao, nhanh chóng, an toàn, không có rủi ro. Dung còn chia sẻ những thành công từ các nhà đầu tư khác và hứa hẹn chị T. cũng sẽ nhận được số tiền lãi lớn chỉ trong thời gian ngắn như vậy.
Tin những lời mời gọi, chị T. đã làm theo hướng dẫn của Dung, mở tài khoản trên trang web và chuyển tiền đầu tư. Chị T. nạp 5 tỷ đồng với kỳ vọng nhận lại 350.000 USDT (tương đương 9 tỷ đồng). Trang web hiển thị số tiền lãi đúng như những gì Dung nói khiến chị càng thêm tin tưởng. Nhưng khi chị T. yêu cầu rút số tiền lãi trên, Dung đã viện lý do cần đóng các loại phí, như: bảo hiểm tiền gửi, phí chuyển tiền nhanh, số dư tài khoản…, và yêu cầu chị T. nộp thêm tiền, với tổng số hơn 4 tỷ đồng. Tin rằng đây là bước cuối cùng để nhận được khoản tiền lớn, chị T. tiếp tục chuyển tiền. Tuy nhiên, sau khi đóng các khoản phí, chị T. vẫn không thể rút tiền. Mọi liên lạc với "Nguyễn Thị Thùy Dung" cũng bị cắt đứt, chị T. nhận ra mình đã bị lừa. Chị T. đã đến Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an thành phố Hà Nội để trình báo sự việc. Qua xác minh, lực lượng chức năng xác định website mcprimetrusted.com chỉ là một trang giả mạo, được lập ra để chiếm đoạt tiền của các nạn nhân.
Cũng với thủ đoạn tương tự, đầu năm 2024, tại Bình Thuận, một nạn nhân đã bị lừa 12,5 tỷ đồng khi đầu tư qua trang web: tradedefi.link. Thông tin từ Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, nạn nhân bị một tài khoản Facebook có tên "Đinh Thái Châu" tiếp cận, dụ đầu tư tiền ảo thông qua sàn giao dịch Coinbase và ví điện tử Coinbase Wallet. Để tránh bị phát hiện, đối tượng đã chuyển hướng liên lạc với nạn nhân qua ứng dụng Telegram, dùng những lời hứa hẹn "lợi nhuận cao, an toàn, làm giàu nhanh" để thuyết phục. Đối tượng yêu cầu nạn nhân cài đặt thêm đường link tradedefi.link vào ví điện tử, để bổ sung một số chức năng đầu tư tiền ảo. Khi nạn nhân muốn rút tiền, đối tượng viện lý do phải nộp thuế theo luật Mỹ, song chiếm đoạt toàn bộ số tiền trên.
Ngày 7/12/2024, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận đơn trình báo của anh L.X.H., sinh năm 1984, ở TP Thanh Hóa, về việc bị các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo tham gia đầu tư vào sàn giao dịch chứng khoán và bị lừa đảo chiếm đoạt tổng số tiền hơn 3,8 tỷ đồng. Từ nguồn tin tố giác này, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng đã điều tra, làm rõ và bắt giữ 8 đối tượng trong đường dây lừa đảo.
Cơ quan chức năng xác định, Guo Jinguang ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, đã cấu kết với một đồng phạm người Trung Quốc tại Campuchia để lập ra các công ty không có thật với mục đích mở tài khoản ngân hàng để nhận và che giấu dòng tiền lừa đảo. Để thực hiện hành vi phạm tội, Guo Jinguang nhiều lần nhập cảnh vào Việt Nam và thông qua hai phiên dịch viên Trần Thị Cẩm Ngân, Làu Nhật Quý để thuê người Việt Nam mở nhiều tài khoản ngân hàng và bán lại các tài khoản này cho nhóm đối tượng hoạt động tại Campuchia.
Tại cơ quan điều tra, Guo Jinguang khai nhận đã thống nhất với đồng phạm tại Campuchia việc thuê người Việt Nam đứng ra thành lập các công ty, doanh nghiệp nhưng không hoạt động sản xuất, kinh doanh mà nhằm mục đích rửa tiền. Các đối tượng mở nhiều tài khoản ngân hàng (gồm tài khoản cá nhân và doanh nghiệp, công ty vì thông tin doanh nghiệp có thể tra cứu qua internet, tạo niềm tin cho bị hại khi chuyển tiền) để nhận tiền, chuyển tiền lừa đảo từ các bị hại Việt Nam, trong đó có Công ty TNHH Thương mại quốc tế MEI YUE. Guo Jinguang còn chịu trách nhiệm giám sát dòng tiền, đưa các chủ tài khoản sang Campuchia để thực hiện sinh trắc học, xác nhận giao dịch chuyển tiền.
Công an TP Hà Nội cũng vừa triệt phá thành công vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua sàn giao dịch quốc tế do Hồ Bích Ngọc cầm đầu. Đến nay, lực lượng chức năng đã xác định có 22 bị hại ở các tỉnh, thành phố: Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh bị nhóm này chiếm đoạt số tiền hơn 16 tỷ đồng. Những vụ lừa đảo từ đầu tư tiền ảo và chứng khoán qua mạng đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng: hàng nghìn tỷ đồng bị chiếm đoạt, nhiều gia đình lâm vào cảnh kiệt quệ, gây tâm lý hoang mang, mất niềm tin trong cộng đồng, gia tăng tình trạng tội phạm kinh tế, khó khăn trong việc quản lý an ninh trật tự, gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội. Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho bất kỳ ai đang bị lôi kéo bằng những cơ hội đầu tư "dễ dàng, lợi nhuận cao". Những lời hứa hẹn trên mây "làm giàu không khó" và các website không rõ nguồn gốc là những dấu hiệu rõ ràng của hành vi lừa đảo.
Tội phạm thường lợi dụng tâm lý muốn làm giàu nhanh của nạn nhân và sử dụng hình ảnh chuyên gia để tạo lòng tin. Những dấu hiệu nhận biết sàn giao dịch lừa đảo là: hứa hẹn lợi nhuận cao bất thường trong thời gian ngắn; sử dụng hình ảnh, video giả mạo chuyên gia để quảng bá; yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân hoặc các kênh không chính thống; thiếu thông tin minh bạch về giấy phép hoạt động. Người dân cần chủ động trang bị kiến thức về tài chính, phân biệt cơ hội đầu tư thật và giả, chỉ đầu tư vào các tổ chức uy tín sau khi đã kiểm chứng kỹ thông tin và tham vấn ý kiến chuyên gia.
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân cần cảnh giác, không tham gia đầu tư hay mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số, website hoặc ứng dụng đầu tư tiền ảo. Người dân tuyệt đối không tin tưởng các lời mời gọi đầu tư hứa hẹn lợi nhuận cao, không tham gia các nhóm kín hoặc cộng đồng trực tuyến khi chưa xác minh được danh tính, uy tín của tổ chức. Không vội vàng chuyển tiền cho bất kỳ đối tượng hoặc tổ chức lạ nào khi chưa xác minh được thông tin rõ ràng. Không truy cập các đường dẫn lạ hoặc cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, hay thông tin thẻ tín dụng cho các đối tượng không rõ danh tính dưới bất kỳ hình thức nào.
Theo cơ quan chức năng, hiện nay tại Việt Nam chưa có bất cứ đơn vị nào là đại lý chứng khoán quốc tế. Việt Nam cũng chưa công nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán nên mọi giao dịch tiền ảo trên internet đều bất hợp pháp và có nguy cơ bị lừa đảo rất cao.
Trong 9 tháng năm 2024, Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam đã tiếp nhận hơn 22.200 phản ánh về trường hợp lừa đảo trực tuyến do người dùng internet gửi về, trong đó hơn 80% số vụ việc liên quan đến chiếm đoạt tài sản thông qua các hình thức lừa đảo kỹ thuật số như giả mạo ngân hàng, ví điện tử và lừa đảo đầu tư.
(Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông)