Việc nhẹ lương cao, chiêu trò cũ, nạn nhân mới

Việc nhẹ lương cao, chiêu trò lừa đảo quen thuộc mặc dù đã được cơ quan chức năng và các phương tiện truyền thông cảnh báo rất nhiều, tuy nhiên, số nạn nhân sập bẫy hình thức lừa đảo này vẫn có dấu hiệu tăng cao.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng công an trao các nhu yếu phẩm tặng gia đình ông Vương Văn Long sau khi hồi hương. (Ảnh HỒNG LONG)
Lực lượng công an trao các nhu yếu phẩm tặng gia đình ông Vương Văn Long sau khi hồi hương. (Ảnh HỒNG LONG)

Thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người diễn biến phức tạp, ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng tăng. Với tính chất, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, mang tính vô nhân đạo, có sự câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng ở trong nước với nước ngoài, các vụ mua bán người được thực hiện bởi các đối tượng chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về tội mua bán người.

Ðáng chú ý, gần đây xuất hiện nhiều đường dây phạm tội mua bán người với cái bẫy “việc nhẹ, lương cao”, tổ chức cho nạn nhân vượt biên để ép buộc làm việc bất hợp pháp ở nước bạn, muốn về nước phải trả một khoản tiền chuộc lớn. Lợi dụng sự bùng nổ của mạng xã hội, tội phạm mua bán người gia tăng hoạt động thông qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo... khiến việc phát hiện, phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn của các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.

Trước đây, có tới hơn 80% số nạn nhân của tội phạm mua bán người là các đối tượng yếu thế như phụ nữ, trẻ em, thế nhưng gần đây, số nạn nhân là nam giới có xu hướng gia tăng, cá biệt có những địa phương có hơn 80% số nạn nhân là nam giới. Mục đích của các vụ phạm tội được xác định là để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hay vì mục đích vô nhân đạo khác.

Theo thống kê của Bộ Công an, trong quý I/2024, tình hình tội phạm mua bán người tại Việt Nam có những diễn biến phức tạp, tăng so với cùng kỳ năm 2023. Hoạt động đưa người Việt Nam nhập cảnh, lao động bất hợp pháp ở nước ngoài, cưỡng bức lao động, lừa đảo trực tuyến diễn biến phức tạp ở một số nước Ðông Nam Á và châu Âu.

Khoảng tháng 6/2023, thông qua mạng xã hội Facebook, ông Vương Văn Long, 47 tuổi, ở xã Ðắk Drông, huyện Cư Jút (Ðắk Nông) đã quen một đối tượng người Việt Nam đang ở Bangkok, Thái Lan. Nghe theo lời đường mật của “bạn”, ông Long bán hết nhà cửa tài sản, ruộng, vườn được gần 1,2 tỷ đồng. Ðến tháng 11/2023, gia đình ông Long gồm 11 người cả già lẫn trẻ em, trong đó có người con dâu đang mang bầu thuê xe ra tỉnh Hà Tĩnh rồi làm các thủ tục xuất cảnh sang Thái Lan với hy vọng về một cuộc sống sung sướng, việc nhẹ lương cao, nếu ở lâu dài sẽ được định cư.

Sang tới Bangkok, gia đình ông Long phải ở trong một phòng trọ chật chội, hôi hám với giá thuê khoảng 6 triệu đồng tiền Việt Nam/tháng, không được đi ra ngoài, 3 ngày mới được đi chợ 1 lần. Không công ăn việc làm, luôn sống trong cảnh lo sợ bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ, gia đình ông còn luôn bị các đối tượng hù dọa rằng những người dân tộc thiểu số không được hồi hương, nếu cố tình trốn về sẽ bị chính quyền Việt Nam bắt bớ, bỏ tù. Không chịu được cảnh khổ cực, đầu năm 2024, gia đình ông Long đã quyết định quay về nước làm lại cuộc đời. Trở về quê hương, gia đình ông nhận được sự quan tâm, động viên, hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền, nhất là lực lượng công an và người thân trong việc hỗ trợ lương thực, thực phẩm và cho mượn nhà để ở, giúp gia đình ông từng bước ổn định cuộc sống.

Giữa tháng 10/2023, Ðinh San, 21 tuổi, cùng Ðinh Dun, 18 tuổi và Ðinh Văn Ðá, 17 tuổi, trú cùng làng TPôn, xã Yang Nam, huyện Kông Chro (Gia Lai) bán một số tài sản lên Thành phố Hồ Chí Minh tìm việc làm. Chỉ một thời gian ngắn, 3 người này đã bị các đối tượng “giăng bẫy” thông qua mạng xã hội, lừa qua Campuchia. Ðinh San kể, các đối tượng đã đánh đập, bỏ đói không cần lý do, thậm chí còn dùng dây điện và sắt đập để đe dọa và cưỡng chế. Ðể cứu người về, gia đình các nạn nhân đã phải bán bò, bán đất, bán xe, trong vòng 3 ngày phải lo đủ tiền chuộc, nếu không sẽ bị bán sang chủ khác...

Cơ quan chức năng đánh giá, tội phạm mua bán người có độ ẩn cao, có mặt ở hầu hết các địa phương, trong đó tập trung ở một số tỉnh có đường biên giới với các nước láng giềng, nhất là ở vùng núi phía bắc. Giai đoạn trước đây, các vụ việc mua bán người chủ yếu là mua bán người ra nước ngoài thì thời gian gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều vụ mua bán người ở trong nước. Thậm chí, không chỉ là nơi xuất phát tội phạm nguồn mà tội phạm này còn biến nước ta là địa bàn trung chuyển mua bán người từ một số nước trong khu vực đi nước thứ ba; xuất hiện ngày càng nhiều vụ việc mua bán thai nhi, mua bán nam giới để cưỡng bức lao động, thậm chí các vụ mua bán người còn trá hình dưới hình thức hợp đồng lao động, thực chất là bị bán vào các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, cơ sở lao động (xưởng sản xuất, hầm mỏ, tàu cá...) với đồng lương ít ỏi và bị bóc lột sức lao động.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng về số vụ, số nạn nhân. Các đối tượng mua bán người tiếp tục tăng cường sử dụng công nghệ để xây dựng mối quan hệ với nạn nhân; tuyển mộ nạn nhân bằng cách lợi dụng kẽ hở của pháp luật và hoạt động với vai trò “môi giới” nhận con nuôi, kết hôn với người nước ngoài, hiến tạng, đưa người đi lao động hoặc du lịch nước ngoài. Hiện tại, các vụ án mua bán người được phát hiện chủ yếu qua đơn thư tố giác của người bị hại hoặc gia đình nạn nhân. Trong khi đó, số lượng các vụ án được phát hiện xử lý thông qua chủ động nắm tình hình còn rất ít.

Có thể thấy hệ thống pháp luật hiện nay chưa theo kịp với diễn biến tình hình thực tế, dẫn đến phát sinh nhiều bất cập, hạn chế, chưa bảo đảm cơ chế bảo vệ người dân từ sớm, từ xa trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay. Số lượng các vụ phạm tội mua bán người được phát hiện, điều tra, xử lý chưa tương xứng với tình hình thực tế, các hình phạt chưa đủ sức răn đe, tội phạm hoạt động ngày càng tinh vi và tái phạm nhiều.

Vì vậy, việc Quốc hội sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người theo hướng bảo đảm lồng ghép giới; lấy nạn nhân làm trung tâm từ phòng ngừa, phát hiện, xác minh, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân hiệu quả; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về phòng chống mua bán người; hợp tác quốc tế trong phòng chống mua bán người là yêu cầu cấp thiết, khách quan, nhằm khắc phục hạn chế, khó khăn hiện nay, đáp ứng tốt hơn yêu cầu đẩy mạnh phòng chống mua bán người trong thời gian tới.

Thống kê của Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban chỉ đạo 138/CP) cho thấy, trong quý I/2024, lực lượng chức năng đã phát hiện, khởi tố mới 20 vụ/40 đối tượng, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số vụ án thụ lý điều tra trong quý I/2024 là 84 vụ/223 đối tượng phạm tội mua bán người, xác định có 178 nạn nhân trong các vụ án, trong đó có 114 nạn nhân nam và 64 nạn nhân nữ.