Trong đó, người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính; nhà khoa học là nhân tố then chốt; Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy. Nghị quyết đồng thời cũng nêu rõ, thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược là những nội dung trọng tâm, cốt lõi.
Trước đó, trong bài viết về chuyển đổi số, đồng chí Tổng Bí thư chỉ ra 4 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, theo đó chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển.
Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học-công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất. Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế-xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số” …
Trên thực tế, ứng dụng chuyển đổi số đã tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển, trong đó, tại các khu vực nông thôn ghi nhận sự thay đổi rõ rệt trong quá trình quản lý sản xuất, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Với sự hỗ trợ của công nghệ số, người nông dân có nhiều hơn cơ hội cho đầu ra của sản phẩm, tiếp cận nhanh, hiệu quả với các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.
Hỗ trợ ứng dụng khoa học, công nghệ cho khu vực nông thôn, miền núi
Tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, UBND huyện tích cực chỉ đạo triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế số, trọng tâm là việc thanh toán không dùng tiền mặt, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh thông qua các ứng dụng giao dịch thương mại điện tử…
Theo Chủ tịch UBND huyện Ngô Quốc Hưng, các phòng chuyên môn của huyện tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc nông sản. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để hỗ trợ sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm qua các kênh truyền thông để người tiêu dùng có thể đặt mua sản phẩm của địa phương qua mạng.
Mới đây, hơn 140 chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn được tham gia tập huấn về ứng dụng AI trong kinh doanh, marketing, tiêu thụ, chăm sóc khách hàng, sáng tạo nội dung và sản xuất kênh truyền thông…
Nhờ chuyển đổi số, sản phẩm sâm nam Núi Dành của huyện Tân Yên đã vươn nhanh ra thị trường thế giới, được lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và tỉnh Bắc Giang đánh giá cao. |
Chi cục thuế khu vực Tân Yên-Yên Thế thành lập Tổ thường trực triển khai hóa đơn điện tử; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tổ chức tập huấn để phân tích lợi ích khi sử dụng hóa đơn điện tử. Đến nay, 100% doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh đã áp dụng hiệu quả.
UBND huyện chỉ đạo xã Phúc Hòa tiếp tục vận hành hiệu quả chợ thương mại điện tử, xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình xã thương mại điện tử theo Quyết định phê duyệt của tỉnh; tiếp tục vận hành Sàn thương mại điện tử nông sản huyện Tân Yên, song song với tập huấn kỹ năng kinh doanh trực tuyến và kết nối sàn giao dịch thương mại điện tử cho các hộ dân trên địa bàn.
Chính quyền địa phương phối hợp các doanh nghiệp viễn thông xây dựng Chợ 4.0 và cấp mã QR cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ tại các xã, thị trấn; tạo tài khoản Viettel money cho hơn 1.000 người dân xã Phúc Hòa; hỗ trợ 900 hộ dân đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
Nhằm tiếp tục thúc đẩy sáng tạo, chuyển đổi số, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai kiện toàn Tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương. Với 22 tổ cấp xã, 317 tổ cấp thôn và hàng nghìn thành viên tích cực, năng động, các nhóm Zalo công nghệ số cộng đồng cấp huyện; cấp xã; cấp thôn nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ cho người dân trong huyện.
Đồng chí Ngô Quốc Hưng cho biết, UBND huyện thường xuyên phân công cán bộ tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, diễn tập về chuyển đổi số do Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức; đề phòng các sự cố có thể xảy ra; đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai chiến dịch rà, quét mã độc trên không gian mạng.
UBND huyện xác định, cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị phải đi trước, thành thạo trước về nhận thức và kỹ năng số mới có thể hướng tới vận hành chính quyền số, kinh tế số và xã hội số hiệu quả.
Trong năm 2024, các cơ quan, đơn vị chức năng của huyện tổ chức 45 lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, đưa sản phẩm lên sàn thương mại... cho gần 11.000 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn.
Trong năm 2025 và giai đoạn tiếp theo, UBND huyện tiếp tục tập trung ưu tiên nguồn lực để hoàn thành các chỉ tiêu quan trọng về chuyển đổi số huyện Tân Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Việc triển khai thực hiện hiệu quả các quan điểm, mục tiêu và các nhóm giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 57-NQ/TW, sẽ tiếp tục tạo thêm xung lực mới, cơ hội mới cho sự phát triển nhanh, bền vững đất nước cũng như các vùng nông thôn trong giai đoạn mới.