Khốn khổ nạn thách cưới

Nhiều tộc người ở Tây Nguyên theo dòng mẫu hệ. Hôn nhân phổ biến ở các buôn làng Tây Nguyên là tục bắt chồng. Ngày nay, cuộc sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện, điều kiện về văn hóa tinh thần cũng được nâng lên, nhưng ở một số nơi, hủ tục thách cưới vẫn còn tồn tại đã gây khó khăn cho nhiều gia đình.
0:00 / 0:00
0:00

Việc thách cưới cao hay thấp tùy thuộc vào dòng họ của nhà trai lớn hay nhỏ, tùy thuộc vào “giá” của chàng con rể tương lai. Ngày nay, nhà trai thường “ra giá” hàng chục, hàng trăm triệu đồng tiền thách cưới, lễ vật. Nếu như nhà trai không chịu cho con của họ về nhà gái, họ sẽ còn đòi nhà gái thêm một lần tiền như vậy nữa mới có cơ hội được “bắt” về.

Bởi vậy, nếu sơn nữ nhà nghèo không bắt được chồng về thì phải theo ở nhà trai, khi nào làm gom đủ số vốn trả nợ lúc thách cưới khi đó mới được phép đón chồng về nhà mình. Cũng có nhiều trường hợp vì thách cưới quá cao, nên hai bên trai gái ăn ở với nhau có mấy mặt con rồi mới gom góp đủ tiền làm lễ cưới. Trong đám cưới ấy, vừa giao đủ tiền, vàng vừa mổ bò, giết heo để mời bà con dòng họ hai bên tiệc tùng.

Ở tộc người Chu Ru, tất cả những trường hợp nợ do bắt chồng trước đây, nếu để qua ba đời mà không trả được, khi “con nợ” chết, gia đình vẫn phải làm thịt trâu, bò để cúng. Còn với tộc người Cơ Ho, luật tục cho phép trong hoàn cảnh quá ngặt nghèo gia đình phía vợ được nợ các lễ vật trong đám cưới; họ có thể trả dần và dĩ nhiên đôi vợ chồng trẻ phải nai lưng ra làm kiếm tiền để trả.

Trong trường hợp cặp vợ chồng này không trả hết thì đến đời con, đời cháu phải trả.

Bởi vậy, trong cộng đồng các dân tộc theo dòng mẫu hệ, một nhà mà có nhiều con gái là rất khó khăn, nào là phải chia ruộng đất, trâu bò; nếu bắt chồng thì phải lo một khoản tiền thách cưới và tiệc tùng đám cưới không hề nhỏ. Ðám cưới người dân tộc thiểu số bây giờ cũng linh đình hơn, làm tiệc lớn, có khi kéo dài mấy ngày, có nhạc sống, có trống, chiêng thâu đêm suốt sáng.

Chính vì vậy mà những gia đình có đến năm, bảy cô con gái thì coi như là “tai họa trên trời rơi xuống”. Vì thế mà có nhiều gia đình chỉ đủ tiền bắt chồng cho một trong số năm, bảy cô con gái của mình, số còn lại đành chấp nhận “ở giá”.

Từ tục “bắt chồng” đến tệ “thách cưới” là một câu chuyện dài. Vốn là một tập tục truyền thống của những tộc người theo dòng mẫu hệ mà ở nhiều nơi đã biến thái thành những hành vi thực dụng.

Cùng với những hủ tục lạc hậu khác, hệ lụy của nó đã gặm nhấm trực tiếp vào cuộc sống đồng bào, từ kinh tế đến đời sống tinh thần xã hội.

Đã đến lúc, cần có sự can thiệp của bộ máy chính quyền và các đoàn thể, trước hết là đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, với mục tiêu mang lại hạnh phúc bền vững cho những lứa đôi, giảm bớt sự bần cùng cho các gia đình vốn đã nghèo mà còn phải bán chác, cầm cố, vay mượn và bằng mọi cách để hòng “mua hạnh phúc” cho con cái mình.