Khơi thông các điểm nghẽn cho nền kinh tế

NDO - Chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến những vướng mắc, hạn chế trong phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua, các đại biểu Quốc hội cũng đề xuất nhiều giải pháp, kiến nghị để giải quyết đúng đắn bài toán kinh tế và an sinh xã hội của đất nước.
0:00 / 0:00
0:00

Cần quyết tâm cao để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội

Sáng 31/5, phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nêu rõ, kết quả thực hiện kế hoạch trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 là tương đối khả quan.

Khơi thông các điểm nghẽn cho nền kinh tế ảnh 1

Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu. (Ảnh: DUY LINH)

Song bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như hoạt động một số ngành chững lại, tồn đọng vốn nhiều, tỷ lệ giải ngân thấp, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên tăng cao, thu ngân sách giảm, số doanh nghiệp rời thị trường tăng, số doanh nghiệp thành lập mới thấp…

Nhấn mạnh tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, đại biểu cho rằng trong những tháng còn lại của năm 2023, nếu không quyết liệt chỉ đạo, sẽ khó hoàn thành các chỉ tiêu về kinh tế-xã hội đã được Quốc hội giao, nhất là chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế.

Chung nhận định, đại biểu Đặng Xuân Phương (Nghệ An) nhấn mạnh, trong bối cảnh Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội đang diễn ra với sự trông đợi của cử tri và nhân dân cả nước về những việc cần làm và phải làm khẩn trương hơn, quyết liệt hơn của hệ thống chính trị, điều cấp bách và thuyết phục nhất lúc này chính là đường lối giải quyết đúng đắn bài toán kinh tế của đất nước.

Khơi thông các điểm nghẽn cho nền kinh tế ảnh 2

Đại biểu Đặng Xuân Phương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tỉnh Nghệ An. (Ảnh: DUY LINH)

Chỉ rõ những kết quả tình hình kinh tế-xã hội, cùng với những tác động trong và ngoài nước, đại biểu Đặng Xuân Phương cho hay, qua thảo luận ở tổ, các đại biểu Quốc hội đều băn khoăn, trăn trở về việc hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,5%.

Theo đại biểu, trong công tác chỉ đạo, điều hành vĩ mô của Chính phủ, cần kiên trì quan điểm đã được Đảng ta đề ra trong Văn kiện Đại hội XIII, đó là tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao hiệu quả đầu tư, nhất là đầu tư công; cơ cấu lại phát triển lành mạnh các loại thị trường, trong đó quan trọng nhất là cơ cấu lại thị trường bất động sản, đất đai và các tài nguyên khác theo hướng sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.

Khơi thông các điểm nghẽn cho nền kinh tế ảnh 3

Đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum. (Ảnh: DUY LINH)

Để thực hiện tốt hơn nữa các kết quả công tác trong thời gian tới, đại biểu Phạm Đình Thanh (Kon Tum) đề nghị Chính phủ chỉ đạo, thực hiện ngay việc rà soát, làm rõ nguyên nhân, từ đó triển khai quyết liệt các giải pháp phù hợp nhằm khắc phục tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng kiến nghị ưu tiên rà soát, tháo gỡ ngay những bất cập của cơ chế chính sách, những quy định hướng dẫn liên quan đến việc triển khai thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm giúp các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các chương trình này đạt yêu cầu về chất lượng, tiến độ đề ra.

Điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm

Đồng tình với Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kinh tế-xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) cho rằng, để đạt được các mục tiêu trong năm 2023, cần có giải pháp hữu hiệu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, đồng thời phải có giải pháp bảo đảm cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế.

Khơi thông các điểm nghẽn cho nền kinh tế ảnh 4

Đại biểu Lê Hữu Trí - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: DUY LINH)

Đại biểu cho rằng, đây là yêu cầu đặt ra rất khó khăn, trong khi chúng ta vừa phải kiểm soát lạm phát, vừa phải bảo đảm lãi suất phù hợp với nền kinh tế thị trường và diễn biến của thị trường.

Trước tình trạng các doanh nghiệp gặp khó khăn, phá sản, giải thể ngày càng nhiều, đại biểu Lê Hữu Trí đề nghị cần điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, chia sẻ vai trò hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế với chính sách tiền tệ, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả và phải phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, bảo lãnh hợp lý để vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa kiểm soát được lạm phát.

Đồng thời, cần chủ động xem xét tiếp tục hạ lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng, kiểm soát chặt chẽ việc đáp ứng dụng, sử dụng vốn và mức tăng trưởng tín dụng.

Đồng quan điểm, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành tập trung rà soát toàn diện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đang được triển khai, xem chính sách nào hiệu quả, chính sách nào chưa thực sự hiệu quả để tạm dừng hoặc có biện pháp thay đổi kịp thời để bổ sung nguồn lực cho nền kinh tế.

Khơi thông các điểm nghẽn cho nền kinh tế ảnh 5

Đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh: DUY LINH)

Đại biểu tỉnh Tuyên Quang cho rằng, biện pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất và doanh nghiệp dễ hấp thụ nhất trong lúc này chính là dùng công cụ tài khóa để hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp như giảm lãi suất ngân hàng, giảm tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm, giãn, miễn lãi chậm nộp bảo hiểm xã hội...

Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách riêng, cụ thể về đầu tư công; quyết tâm, sát sao hơn nữa để gỡ các vướng mắc nhất là các vướng mắc về thể chế, văn bản hướng dẫn cho các địa phương.

Cùng với đó, đẩy mạnh phân cấp, giao quyền về cho địa phương chủ động thực hiện và tự chịu trách nhiệm như việc phân cấp chuyển mục đích sử dụng đất lúa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng.

Các bộ, ngành và địa phương cần tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp, tăng cường kỷ luật kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công và cần bám sát, đánh giá đúng tình hình, chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án; chuẩn bị tốt mặt bằng sạch cho thi công.