Phát triển kinh tế-xã hội vùng biên giới Tây Nam Bộ: Tạo động lực từ hạ tầng

Kinh tế-xã hội vùng biên giới Tây Nam Bộ đã có nhiều đổi thay, khởi sắc, nhưng đời sống của phần đông dân cư ở đây vẫn còn khó khăn so với mặt bằng chung của các tỉnh. Nút thắt khó gỡ nhất là hạ tầng kinh tế-xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc thị xã Tịnh Biên nằm dọc theo tuyến Quốc hội 91 kết nối với khẩu quốc tế Tịnh Biên. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)
Một góc thị xã Tịnh Biên nằm dọc theo tuyến Quốc hội 91 kết nối với khẩu quốc tế Tịnh Biên. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Thực tế đòi hỏi cần tạo thêm động lực mới để phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống người dân lâu dài ở nơi phên dậu của đất nước...

Còn nhiều khó khăn, bất cập

Chị Thị Mụi ở xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang vào làm ở Công ty TNHH Hàng thủ công mỹ nghệ Phú Mỹ được ba tháng. Vừa lành nghề nhưng chị Mụi cho biết khả năng không trụ được bao lâu bởi thu nhập khó theo nổi nhu cầu và mức sống hiện tại.

Giám đốc Công ty TNHH Hàng thủ công mỹ nghệ Phú Mỹ Lý Hoàng Bảo cho biết, công ty hiện duy trì được bốn nhân công thường xuyên, khi có lượng đơn đặt hàng lớn thì huy động khoảng 50-60 người. Người lao động chỉ hưởng theo sản phẩm, dao động từ 10.000 đồng đến 30.000 đồng/sản phẩm, thu nhập bình quân khoảng 4-5 triệu đồng/người/tháng.

"Hằng tháng, công ty có thể sản xuất 10.000 đến 20.000 sản phẩm. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ hiện cũng rất hạn chế, do đó, thu nhập của nhân công cũng không cao", anh Bảo cho biết thêm.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Giang Thành Tạ Văn Dũng cho biết, nằm xa trung tâm kinh tế của tỉnh, khu vực, Giang Thành khó mời gọi nhà đầu tư. Huyện đang kêu gọi đầu tư hạ tầng giao thông, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ nhựa hóa, hoặc bê-tông đạt 96%. Từ đó, kêu gọi đầu tư chợ thương mại vùng biên giới, phát triển chợ nông sản tại khu vực cửa khẩu Giang Thành, hình thành bến xếp dỡ hàng hóa, nhà kho; mời gọi doanh nghiệp tham gia các dự án khai thác đất sét, than bùn...; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào phát triển làng nghề truyền thống đan cỏ bàng Phú Mỹ và khai thác một số điểm du lịch khác ở tuyến biên giới...

Các cụm, tuyến dân cư biên giới ở Ðồng Tháp đã tạo được nơi ăn, chốn ở cho đông đảo người dân tại chỗ và từ nơi khác đến vùng đất này sinh sống. Tuy nhiên, một bộ phận người dân cũng chưa thật sự chủ động vươn lên để thoát nghèo.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tân Hồng (Ðồng Tháp) Huỳnh Văn Nhã cho biết, Tân Hồng là huyện vùng biên giới, có nhiều chính sách hỗ trợ ưu đãi khi thực hiện các dự án. Tuy nhiên, lực lượng xúc tiến đầu tư còn thiếu, tính chuyên nghiệp của một số cán bộ chưa cao, chưa thật sự chủ động. Hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, giao thông đường thủy còn hạn chế. Các dự án phần lớn nằm trên đất nông nghiệp, khi thực hiện đòi hỏi nguồn vốn san lấp, bồi thường giải phóng mặt bằng khá cao, thời gian kéo dài.

Ðể khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh khu vực biên giới, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An đã quy hoạch thị xã Kiến Tường là "Vùng an ninh lương thực, du lịch và kinh tế cửa khẩu, đóng vai trò chủ đạo trong sự phát triển chung của toàn khu vực Ðồng Tháp Mười và tuyến biên giới giáp nước bạn Campuchia".

Nút thắt cần sớm tháo gỡ hiện nay là phải sớm nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 62 và Quốc lộ N2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Kiến Tường Nguyễn Văn Vũ cho biết thêm, Quốc lộ 62 nối với Quốc lộ 1A đi đến Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp dài khoảng 66km nhỏ, hẹp, mặt đường xuống cấp ảnh hưởng việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, dẫn đến khó thu hút doanh nghiệp về đầu tư vào các khu đô thị trung tâm và khu kinh tế cửa khẩu.

Các địa phương vùng Ðồng Tháp Mười đã kiến nghị Trung ương sớm đầu tư nâng cấp các Quốc lộ N2 và 62 và tháo gỡ một số điểm nghẽn khác về chính sách để việc kêu gọi đầu tư thuận lợi hơn...

Nền móng cho vùng biên giới hòa bình, hợp tác, hữu nghị

Ðể thật sự là đô thị động lực phía tây của tỉnh An Giang, thị xã Tịnh Biên tập trung đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng đô thị và con người. Thị xã chủ động rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất với phương châm tạo mọi thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư, nhất là ở khu vực biên giới.

Ðến nay, tại Tịnh Biên, Khu công nghiệp Xuân Tô do Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh An Giang quản lý đã có hai dự án đầu tư với diện tích 11,6ha, tổng vốn đầu tư hơn 518 tỷ đồng. Còn Khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên có 10 dự án đầu tư, quy mô 9,2ha với tổng vốn đầu tư gần 216 tỷ đồng. Một số nhà đầu tư lớn như Tập đoàn TH, Tập đoàn BIM... đang khảo sát, làm thủ tục đăng ký đầu tư vào đây.

Xác định Khu kinh tế cửa khẩu Ðồng Tháp đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng khu vực biên giới, nên tỉnh Ðồng Tháp tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại đây. Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Ðồng Tháp có hai cửa khẩu quốc tế và năm cửa khẩu phụ.

Vừa qua, Ðồng Tháp được Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương quy hoạch lại khu kinh tế cửa khẩu là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực; là khu vực đô thị biên giới có ảnh hưởng và lan tỏa thúc đẩy vùng phía bắc tỉnh Ðồng Tháp. Cả ba huyện, thành phố ở khu vực này đang được tỉnh tập trung hỗ trợ để đến năm 2025 đạt chuẩn nông thôn mới.

Cùng với kinh tế, các tỉnh khu vực biên giới Tây Nam Bộ luôn chú trọng an sinh xã hội, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, du lịch, gắn kết với củng cố quốc phòng-an ninh, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

Nhiều địa phương thường xuyên trao đổi định kỳ giữa các lực lượng, chính quyền các cấp hai bên biên giới nhằm kịp thời thông tin, trao đổi tình hình liên quan, từ đó, chủ động phối hợp giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh (nếu có), không để kéo dài, không tạo cơ hội để các phần tử xấu lợi dụng xuyên tạc gây chia rẽ đoàn kết, mâu thuẫn trong mối quan hệ hữu nghị giữa hai bên.

Theo Bí thư Huyện ủy Giang Thành (Kiên Giang) Ong Văn Ngay, mối quan hệ giữa nhân dân hai bên biên giới láng giềng rất gần gũi, gắn bó lâu đời. Việc qua lại, buôn bán, trao đổi hàng hóa và thăm thân nhân của hai bên diễn ra nhộn nhịp và được tạo điều kiện thuận lợi từ cả hai phía.

Những dịp lễ, Tết cổ truyền của hai nước, hai bên đều tổ chức thăm hỏi, chúc mừng. Hoạt động ngoại giao nhân dân giữa cư dân hai biên giới ngày càng gắn bó, tự nhiên. Ðó chính là nền móng vững chắc để xây dựng vùng biên giới hòa bình, hợp tác, hữu nghị lâu bền…

(Tiếp theo và hết) (★)