Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tăng năng lực cạnh tranh

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa công bố chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) của thành phố năm 2022; triển khai các giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ phường Bến Nghé, Quận 1 hướng dẫn người dân thực hiện đăng ký hồ sơ trực tuyến. (Ảnh: THẾ ANH)
Cán bộ phường Bến Nghé, Quận 1 hướng dẫn người dân thực hiện đăng ký hồ sơ trực tuyến. (Ảnh: THẾ ANH)

Còn không ít hạn chế, chông gai

Theo kết quả khảo sát và đánh giá của nhóm tư vấn về DDCI, vẫn còn không ít cơ quan, đơn vị có điểm số dưới ngưỡng trung bình ở các chỉ số thành phần.

Chẳng hạn, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ đạt 4,84 điểm (thang điểm 10) về tính minh bạch và tiếp cận thông tin; sở này cũng đứng chót bảng xếp hạng trong khối sở, ban, ngành với chỉ 51,75/100 điểm.

Ở tiêu chí chi phí không chính thức, có hai sở bị chấm điểm rất thấp là Sở Tài nguyên và Môi trường (4,32 điểm) và Sở Y tế (3,41 điểm). Ở góc độ cạnh tranh bình đẳng, có ba sở bị đánh giá dưới 5 điểm là Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Xây dựng và Sở Giao thông vận tải. Đáng buồn, có tới sáu sở bị chấm dưới điểm trung bình ở tính năng động, sáng tạo và hiệu lực; trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạt 3,95 điểm.

Còn ở khối địa phương, cũng có số lượng không nhỏ quận, huyện bị chấm dưới 5 điểm ở một số tiêu chí. Đơn cử, ở chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, có tới sáu địa bàn có điểm số dưới 5; trong đó, thành phố Thủ Đức chỉ đạt 3,29 điểm.

Thủ Đức cũng đứng cuối bảng xếp hạng chung với chỉ 49,69/100 điểm và có điểm số thấp nhất ở các chỉ số: Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, sáng tạo và hiệu lực của chính quyền.

Huyện Bình Chánh cũng là địa phương bị đánh giá thấp ở nhiều chỉ số, xếp cuối và dưới 5 điểm về tính minh bạch và tiếp cận thông tin, khả năng tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất, chi phí không chính thức (chỉ số này chỉ đạt 2,32 điểm, là điểm số thấp nhất của DDCI năm 2022).

Ở khía cạnh hỗ trợ doanh nghiệp, có năm địa phương có điểm số dưới mức trung bình; trong đó, đáng ngạc nhiên là Quận 1, được xem là “trung tâm kinh tế” của thành phố, lại có điểm thấp nhất với chỉ 3,74 điểm…

Còn PCI năm 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố cho thấy nhiều điều đáng lo về môi trường đầu tư và kinh doanh của thành phố. Về tổng thể, PCI của thành phố đã tụt 13 bậc (từ vị trí thứ 14 năm 2021 xuống vị trí thứ 27).

Trong đó, tính minh bạch có được cải thiện khá nhiều so với hai năm 2020 và 2021, nhưng vẫn thấp so với những năm trước đó. Chỉ số (khả năng) tiếp cận đất đai của nhà đầu tư bị giảm sút so với hai năm 2020 và 2021. Chi phí không chính thức tăng lên so với hai năm 2020 và 2021.

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của thành phố được đánh giá tốt nhất (7,04 điểm, điểm số cao nhất trong 63 tỉnh và thành phố) nhưng vẫn giảm điểm so với năm 2021, với mức giảm mạnh nhất trong các chỉ số, giảm 1,5 điểm.

Đáng lo ngại hơn cả là tính năng động của thành phố cũng giảm so với năm 2021, chỉ được 6,07 điểm, nằm trong nhóm ba địa phương thấp nhất cả nước. Sự tụt hạng môi trường đầu tư và kinh doanh ở thành phố đã được nhiều tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, nhà đầu tư cảnh báo nhiều lần trong thời gian qua.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố (HUBA), công tác cải cách hành chính nhìn chung chưa thấy hiệu quả rõ rệt và chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Một số thủ tục và lĩnh vực còn nhiều ách tắc là thủ tục đầu tư dự án, cấp chủ quyền nhà-đất, giấy phép xây dựng, kiểm tra chuyên ngành xuất-nhập khẩu, thanh tra-kiểm tra doanh nghiệp, kiểm tra giao thông-xây dựng, đăng kiểm xe cơ giới, kích cầu đầu tư, phòng cháy-chữa cháy…

Quyết tâm tạo được chuyển biến thực chất

Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Huỳnh Thanh Nhân cho biết: Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành kế hoạch cải thiện PAR Index và nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp với các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn năm 2023.

Kế hoạch đã đề ra 12 nhiệm vụ và giải pháp để các sở, ban, ngành, chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện và thành phố Thủ Đức thực hiện. Thành phố yêu cầu khẩn trương rà soát, chủ động sắp xếp-tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và giảm đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; đặc biệt là kiểm tra đột xuất tình hình chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Cùng với đó, các đơn vị cần đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính; số hóa dữ liệu; công khai, minh bạch trong xử lý thủ tục hành chính; khẩn trương rà soát, có kế hoạch, lộ trình cụ thể để xử lý hồ sơ tồn đọng, trễ hạn và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, chỉ đạo.

Đồng thời, các đơn vị cần thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với người dân và doanh nghiệp để trực tiếp lắng nghe và nghiêm túc tiếp thu để kịp thời sửa đổi, khắc phục những tồn tại, hạn chế; có cơ chế khuyến khích người dân và doanh nghiệp chủ động đóng góp, hiến kế giải pháp cải cách hành chính. Song song đó, các đơn vị cần phát động phong trào thi đua, tìm kiếm các mô hình, giải pháp đột phá, sáng tạo, hiệu quả trong công tác cải cách hành chính.

Về kế hoạch cải thiện PAPI năm 2023 có ba nhóm giải pháp. Trong đó, định kỳ hằng quý thành phố sẽ rà soát, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ do thành phố giao, giải quyết dứt điểm các kiến nghị, khắc phục tồn tại và hạn chế…

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ phối hợp và tạo điều kiện để Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội cùng cấp thực hiện công tác phản biện xã hội, giám sát việc thực hiện cải thiện PAPI.

Để khắc phục hạn chế, cải thiện PCI năm 2023, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đào Minh Chánh cho rằng: Chính quyền các cấp cần thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp bằng nhiều hình thức phù hợp để thông tin, chia sẻ về những chủ trương của thành phố trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm phục hồi sản xuất-kinh doanh; lắng nghe và chủ động hơn nữa trong việc tìm ra các giải pháp và thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thủ trưởng các cơ quan cần nghiêm túc chỉ đạo nghiên cứu kết quả PCI, chủ động rà soát công việc, hệ thống, quy trình nội bộ nhằm chấn chỉnh các tồn tại, hạn chế.

Cùng với đó, các đơn vị cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển đổi số nhằm đồng bộ hóa, kết nối và chia sẻ hệ thống cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan trên toàn thành phố; thực hiện dịch vụ công trực tuyến; số hóa, ký số và lưu trữ điện tử đối với hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; hướng dẫn thủ tục hành chính rõ ràng, dễ hiểu để người dân, doanh nghiệp không phải chỉnh sửa hồ sơ nhiều lần; rà soát quy trình, bố trí nhân sự nhằm giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ đợi đến lượt thực hiện thủ tục hành chính…

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương và từng cán bộ, công chức, viên chức của thành phố phải quán triệt sâu sắc, hết sức tập trung và quyết liệt trong hành động để cải thiện, nâng cao các chỉ số của DDCI, PAPI, PAR Index và PCI; quyết tâm đến cuối năm nay phải đạt được những kết quả và tạo ra được chuyển biến thật sự tích cực để cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố.

Trong đó, các sở, ban, ngành, địa phương phải khẩn trương xây dựng và sớm triển khai thực hiện kế hoạch cải thiện các chỉ số của DDCI, PAPI, PAR Index và PCI bằng những cách làm khoa học hơn, tinh thần vào cuộc mạnh mẽ hơn. Đồng chí Phan Văn Mãi cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm Công điện số 280/CĐ-TTg (ban hành ngày 19/4/2023) của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương.