Khi phụ nữ dân tộc Mông ở vùng cao học nghề may công nghiệp

Bản Tèn có 145 hộ đồng bào dân tộc H'Mông sinh sống, hầu hết thuộc diện hộ nghèo, là xóm ở trên cao, xa nhất xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Phụ nữ dân tộc H'Mông ở Bản Tèn vốn chỉ quanh quẩn trong xóm, cấy lúa và làm nương rẫy, nay ra lớp học nghề may, cho thấy chuyển biến lớn về nhận thức, quyết tâm giảm nghèo bền vững.
Lớp học may công nghiệp được tổ chức cho hơn 30 chị em dân tộc H’Mông ở xóm Bản Tèn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ.
Lớp học may công nghiệp được tổ chức cho hơn 30 chị em dân tộc H’Mông ở xóm Bản Tèn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ.

Do nhiều nguyên nhân khác nhau, như thiếu vốn, thiếu đất canh tác, kiến thức sản xuất, ở vùng cao, xa trung tâm xã, xa thị trường nên ở Bản Tèn, hầu hết các gia đình đều thuộc diện cận nghèo và nghèo.

Nhiều phụ nữ ở Bản Tèn chưa biết đọc, viết, nói tiếng Việt, chưa biết đi xe máy, vốn chỉ quen với cày cuốc trên đồng ruộng, nương rẫy và việc gia đình. Thế nên khi cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên, huyện Đồng Hỷ có chủ trương mở lớp học dạy may công nghiệp để chị em Bản Tèn đi làm công nhân may, có việc làm ổn định, thu nhập khá, nhưng ai cũng ngại học.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Văn Lăng Hoàng Xuân Trường cho biết, khi cấp, ngành chức năng chủ trương đưa giáo viên, máy may để mở lớp dạy học may công nghiệp ngay tại Nhà Văn hóa xóm Bản Tèn để thuận lợi cho việc học mà chị em vẫn chưa “ưng”, ngại thay đổi.

Cấp ủy, chính quyền, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ xã kiên trì vận động, thấm dần, nhất là nữ thanh niên “nghe ra” và cùng tuyên truyền, vận động, khi học xong, có nghề thì đi làm công nhân tại hai nhà máy may trên địa bàn huyện. Từ đó, lớp học may công nghiệp được thành lập với hơn 30 học viên là phụ nữ, học ngay tại Nhà Văn hóa xóm Bản Tèn từ cuối tháng 6/2024.

Vốn quen với cày cuốc, đồng áng và nương rẫy, ban đầu đến lớp học may, chị em Bản Tèn bẽn lẽn, ngượng ngùng ngay cả khi ngồi vào bàn ghế, trước mặt là máy may công nghiệp, tay chân lóng ngóng. Được các giáo viên chia sẻ, đồng cảm, tận tình “cầm tay chỉ việc”, dần dần mặc cảm không còn, chị em chịu khó học tập, từng bước thuần thục các động tác chân tay nhịp nhàng.

Sau 3 tháng học tập, các chị em nắm vững những vấn đề cơ bản về may công nghiệp, kỹ năng sử dụng máy may, máy vắt sổ, máy thùa khuyết; kỹ thuật may các đường may cơ bản; kỹ thuật may áo sơ mi; kỹ thuật may quần âu… và được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề, đủ điều kiện tham gia sản xuất trong các dây chuyền may công nghiệp.

Học xong, các chị em được cấp ủy, chính quyền địa phương kết nối, giới thiệu việc làm tại 2 nhà máy may công nghiệp trên địa bàn huyện Đồng Hỷ. Qua đây cho thấy, phụ nữ dân tộc H'Mông ở Bản Tèn, sống ở địa thế cao, xa trung tâm đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm để có cơ hội nghề nghiệp, việc làm, thu nhập ổn định nhằm giảm nghèo bền vững.

Từ lớp học may cho phụ nữ ở Bản Tèn được tổ chức thành công, cấp ủy, chính quyền xã Văn Lăng hy vọng, các lớp học tiếp theo được tổ chức ở các xóm người H'Mông và có đông đồng bào H'Mông khác trên địa bàn như: Tam Va, Khe Mong, Liên Phương. Về phần mình, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể ở Văn Lăng sẽ vận động để chị em ra lớp, tạo cơ hội và giải quyết vấn đề nghề nghiệp, việc làm, thu nhập, giảm nghèo bền vững ở địa phương.