Thực hiện Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi về phát triển giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năm 2024 các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên tổ chức hai lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc, tám lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho đội ngũ cán bộ, công chức công tác ở các vùng dân tộc thiểu số.
Giảng viên của các lớp học là những người nắm vững chủ trương, đường lối, pháp luật, có nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, nói được tiếng dân tộc trực tiếp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ. Sau mỗi lớp học, trình độ mọi mặt, đặc biệt là kiến thức về dân tộc thiểu số, giao tiếp với đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên, hiệu quả tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, công tác dân vận, tổ chức thực hiện các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên.
Giám đốc Sở Nội vụ Thái Nguyên Nguyễn Thành Minh cho biết, thời gian vừa qua chúng tôi tổ chức hàng loạt các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo chuyên đề, như kiến thức về dân tộc, tiếng dân tộc, tiếp dân và giải quyết khiếu nại-tố cáo, cải cách hành chính, hộ tịch-tư pháp, văn thư-lưu trữ, thi đua khen thưởng... cho các cán bộ làm công tác trực tiếp, hoặc liên quan trực tiếp để có trình độ chuyên môn sâu, phục vụ giải quyết công việc hằng ngày.
Thái Nguyên hỗ trợ hộ nghèo thiếu đất sản xuất
Thời gian vừa qua, Sở Nội vụ Thái Nguyên phối hợp Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh (Đại học Thái Nguyên) và các sở, ban, ngành, các huyện: Định Hóa, Phú Lương tổ chức ba lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác văn thư-lưu trữ cho gần 279 công chức, viên chức làm công tác này ở các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Mục tiêu đặt ra và trên thực tế sau mỗi lớp học, công tác văn thư-lưu trữ tại các sở, ngành, đơn vị và ở cấp xã thuộc huyện Định Hóa, Phú Lương trở nên bài bản, ngăn nắp, khoa học và đúng quy định, phục vụ lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức.
Đặc biệt, một số công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số, cao tuổi, hằng ngày tiếp xúc, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, mặc dù đã đạt chuẩn về trình độ, nhưng khả năng ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ thông tin trong giải quyết công việc trên môi trường số còn hạn chế. Các lớp tập huấn về cải cách hành chính, những cán bộ này được tập huấn, hướng dẫn theo kiểu “cầm tay chỉ việc” từ việc thao tác, xử lý văn bản đến thực hiện quy trình trên máy tính cho đến khi thuần thục. Qua đó, góp phần tích cực giải quyết công việc cho người dân đúng hạn, trước hạn theo quy định.
Bên cạnh đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ trực tiếp ở từng vị trí công tác, Sở Nội vụ Thái Nguyên coi trọng kiến thức thực tiễn bằng cách mời các nhà lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan chức năng trực tiếp giảng dạy nên trình độ của cán bộ, công chức, nhất là ở cơ sở, vùng dân tộc thiểu số được nâng lên.
Qua khảo sát của Sở Nội vụ về việc thực hiện cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại-tố cáo-tiếp dân, tư pháp-hộ tịch... tại các xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi, thấy hầu hết đội ngũ cán bộ, trong đó có cán bộ dân tộc thiểu số giải quyết công việc nhanh, hiệu quả, tinh thần trách nhiệm được nâng lên, đáp ứng mong đợi của người dân.
Đạt được kết quả này, bên cạnh hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng có trọng tâm, trọng điểm, theo chuyên đề cho từng cán bộ ở những vị trí công việc cụ thể còn có sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong việc đề cao kỷ luật, kỷ cương, rời vị trí làm việc trong thời gian nhất định phải báo cáo và tính ổn định của đội ngũ công chức làm nhiệm vụ chuyên môn.