Bão số 3 và mưa lũ sau bão gây thiệt hại lớn đối với tỉnh Thái Nguyên, làm 8 người chết; 538 nhà và 93 điểm trường bị hư hỏng; gần 11 nghìn ha lúa, hoa màu, cây trồng lâu năm, cây trồng hằng năm; hơn 172 nghìn chậu cảnh, 650ha rừng bị thiệt hại; 384 nghìn con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 565ha nuôi trồng thủy sản bị ngập.
Hạ tầng kinh tế-xã hội cũng bị thiệt hại chưa từng có, đó là 6 đập dâng, 27 trạm bơm, 5,2 km kênh mương, 26 công trình nước sạch bị hư hỏng; 783 điểm giao thông bị sạt, 26 cầu dân sinh bị hỏng, cuốn trôi; 416 cột ăng ten, cột treo cáp viễn thông, cột điện bị gãy đổ; 8 nhà trạm viễn thông, trạm biến áp hư hỏng, 2.341m dây điện bị đứt.
Đặc biệt, với những thiệt hại về nhà ở, sản xuất, chăn nuôi đã ảnh hưởng trực tiếp về đời sống và nguy cơ tái nghèo đối với người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa; ảnh hưởng đến kết quả đạt được của các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thái Nguyên nỗ lực chăm sóc sức khỏe người dân sau bão số 3
Ngay trong bão lũ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thái Nguyên đã kêu gọi sự ủng hộ, góp sức của toàn xã hội và nhận được sự ủng hộ số tiền lớn của các cơ quan, đơn vị, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh cùng chung tay khắc phục hậu quả. Vừa qua, tỉnh Thái Nguyên đã phân bổ đợt 1 tổng số tiền hơn 38 tỷ đồng để các huyện, thành phố hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại về nhà ở, sản xuất nông nghiệp; mua thuốc và vật tư y tế để vệ sinh môi trường.
Sau khi tổng hợp tình hình thiệt hại, căn cứ khả năng cân đối nguồn lực, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên đang đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ gần 60 tỷ đồng để các địa phương, sở, ngành tiếp tục khắc phục hậu quả bão lũ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng yêu cầu, các cơ quan chức năng khẩn trương tham mưu để tỉnh quyết định phân bổ đợt 2 cho công tác khắc phục hậu quả bão lũ; khi được phân bổ thì các sở, ngành, các địa phương và người dân nhanh chóng khắc phục hậu quả bão lũ sớm ngày nào tốt ngày đấy để sớm đưa kinh tế-xã hội vận hành bình thường và ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân.
Trên thực tế, mặc dù chưa được phân bổ kinh phí khắc phục, nhưng ngành giao thông vận tải Thái Nguyên đã chủ động phương án, nhân lực, phương tiện, vật tư để khắc phục sạt lở rất lớn, diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh từ ngày 12/9, không để ách nhằm phục vụ các hoạt động chỉ đạo, điều hành, cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ, đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Duy nhất có đoạn sụt lở khoảng 50m, sâu từ 1m trở lên làm đứt đường Hồ Chí Minh qua huyện Định Hóa, đến chiều 20/9 đã thông đường.
Thành phố Thái Nguyên với 27 xã, phường bị ngập, sau lũ là bùn đất ngập ngụa bao phủ, rác thải và xác động vật vương vãi khắp nơi, nhưng tỉnh và thành phố đã huy động tổng lực các lực lượng bộ đội, công an, dân quân, các đoàn thể và toàn thể người dân vệ sinh môi trường. Chỉ sau ba ngày, các tuyến phố chính được thu dọn, vệ sinh sạch sẽ.
Các trường học bị ngập, sạt lở được các địa phương, các thầy, cô giáo và phụ huynh khẩn trương lợp lại mái bị tốc, thu dọn bùn đất, vệ sinh ngay sau lũ, đến ngày 16/9 trường học cuối cùng đón học sinh trở lại. Với phương châm lũ rút đến đâu, phun khử khuẩn, tiêu độc đến đó; phát vật tư, hướng dẫn người dân liều lượng, cách pha chế để vệ sinh nguồn nước nên đến nay toàn tỉnh không có dịch bệnh xảy ra sau lũ.
Thái Nguyên khẩn trương cấp điện, nước sạch trở lại ngay sau lũ trên địa bàn toàn tỉnh để người dân khắc phục hậu quả bão lũ, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất. Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng chỉ đạo, khắc phục bão lũ với tinh thần khẩn trương, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm nên thiệt hại do bão lũ gây ra được khắc phục sớm. Đến nay, kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh đã cơ bản vận hành trở lại bình thường; đời sống người dân dần trở lại ổn định, sản xuất nông nghiệp đang được khôi phục.