Khẳng định vai trò của địa phương với chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp tại các địa phương đã rất nỗ lực vào cuộc để thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Qua đó, ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của các địa phương trong thực hiện an sinh xã hội hỗ trợ người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Bảo hiểm xã hội quận Long Biên, Hà Nội tư vấn về chính sách với người dân. (Ảnh: Nam Nguyễn)
Cán bộ Bảo hiểm xã hội quận Long Biên, Hà Nội tư vấn về chính sách với người dân. (Ảnh: Nam Nguyễn)

37,1% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 4/2023, cả nước có hơn 17,1 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt tỷ lệ bao phủ 37,1% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Cùng với đó, có khoảng 14 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đạt tỷ lệ bao phủ 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi. Còn số người tham gia bảo hiểm y tế là hơn 90,2 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 91,2% dân số, tăng gần 4,4 triệu người so với cùng kỳ năm 2022.

Đồng thời, việc giải quyết, chi trả chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. 4 tháng đầu năm 2023, có hơn 3,3 triệu người đã được giải quyết hưởng mới bảo hiểm xã hội; gần 54,5 triệu người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với số tiền được chi trả gần 37 tỷ đồng.

Đến hết tháng 4/2023:
-Hơn 17,1 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt tỷ lệ bao phủ 37,1% lực lượng lao động trong độ tuổi.
- Khoảng 14 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đạt tỷ lệ bao phủ 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi.
- Số người tham gia bảo hiểm y tế là hơn 90,2 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 91,2% dân số, tăng gần 4,4 triệu người so với cùng kỳ năm 2022.

Công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tiếp tục được chú trọng thực hiện, đáp ứng sự hài lòng, yên tâm, tin tưởng của người tham gia và thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Đến nay, 100% thủ tục hành chính của ngành được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và tích hợp trên Cổng dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam, từng bước tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Hơn 12.400 cơ sở khám, chữa bệnh triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip. Con số này nâng tỷ lệ 97% tổng số cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc. Qua đó, hơn 25,7 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân đã thực hiện thành công.

Ứng dụng "VssID-Bảo hiểm xã hội số” được tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các tính năng, tiện ích, với hơn 28,8 triệu tài khoản được phê duyệt và kích hoạt sử dụng.

Tháng 5 vừa qua cũng thời gian cao điểm của Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân lần thứ tư. Thông điệp chính Tháng vận động năm 2023 là “Đồng hành cùng bảo hiểm xã hội vì cuộc sống chất lượng hơn”. Hưởng ứng tháng cao điểm này, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã có nhiều hoạt động sôi nổi để thu hút người tham gia, phát triển đối tượng.

Với những kinh nghiệm triển khai Tháng vận động của các năm trước, hy vọng, hoạt động cao điểm năm nay sẽ thu được những kết quả tích cực, thể hiện quyết tâm cao của toàn ngành bảo hiểm xã hội và hệ thống chính trị trong phát triển bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cùng vào cuộc

Khẳng định vai trò của địa phương với chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ảnh 1

Cán bộ Bảo hiểm xã hội Hà Nội giới thiệu về pháp luật lao động và chính sách bảo hiểm xã hội cho sinh viên Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, tháng 5/2023. (Ảnh: Nam Nguyễn)

Để đạt được những kết quả tích cực đó, bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và nỗ lực của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam, cần ghi nhận sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.

Xác định sự vào cuộc này là một trong những yếu tố then chốt, quyết định đến hiệu quả tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã trực tiếp gửi văn bản tới Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp triển khai các nội dung về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

63/63 tỉnh, thành phố đã kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Trong đó, Ban chỉ đạo đã xây dựng quy chế làm việc, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong việc chỉ đạo, đôn đốc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo lĩnh vực phụ trách.

Cơ quan này cũng thường xuyên quán triệt, chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn.

Nhờ đó, công tác tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp, đồng thuận của các sở, ban, ngành liên quan tại địa phương. Một số kết quả nổi bật đã được ghi nhận.

Hiện nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Trong đó, Ban chỉ đạo đã xây dựng quy chế làm việc, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong việc chỉ đạo, đôn đốc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo lĩnh vực phụ trách.

57/63 tỉnh đã đưa chỉ tiêu về tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết số 69/NQ-CP của Chính phủ, 62/63 tỉnh đưa chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế theo Quyết định số 546/QĐ-TTg vào chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương tại Nghị quyết của tỉnh.

14/63 tỉnh trích ngân sách hỗ trợ thêm cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đó là các địa phương: Hà Nội, An Giang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Cần Thơ, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hải Phòng, Hậu Giang, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ninh, Sơn La, Vĩnh Phúc.

Về bảo hiểm y tế, 57/63 tỉnh trích ngân sách hỗ trợ thêm cho người tham gia bảo hiểm y tế hộ cận nghèo. 26/63 tỉnh sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ thêm hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình. 28/63 tỉnh dành ngân sách nhà nước hỗ trợ thêm học sinh-sinh viên. 19/63 tỉnh có ngân sách nhà nước hỗ trợ 20%,70% hoặc 100% cho nhóm đối tượng đặc thù như: người dân tộc thiểu số, người cao tuổi, người nhiễm HIV, cựu quân nhân, người tu hành, thu gom rác… Trong đó, một số địa phương có tỷ lệ hỗ trợ thêm cao đến 100% đối với một số đối tượng đặc thù như: Bắc Ninh, Cần Thơ, Hà Nam, Hưng Yên, Ninh Bình.

Có thể khẳng định, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã ngày càng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực.

14/63 tỉnh trích ngân sách hỗ trợ thêm cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. 57/63 tỉnh trích ngân sách hỗ trợ thêm cho người tham gia bảo hiểm y tế hộ cận nghèo.

Theo Nghị quyết của Chính phủ, mục tiêu đặt ra trong năm 2023 là nâng tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 39-40%. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt khoảng 31,5-32%. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,2%.

Để đạt được các mục tiêu phát triển mới nói trên là một thách thức đối với toàn ngành và cả hệ thống chính trị.

Do đó, rất cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các địa phương, góp phần củng cố, tạo sự thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo và sự đồng thuận cao của xã hội trong tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.