Sẵn sàng cho Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2019, tháng 5 hằng năm được chọn là Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân. Tới nay, chương trình đã triển khai được ba lần trong bối cảnh đặc biệt của đại dịch Covid-19.
0:00 / 0:00
0:00
Ra quân Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân lần thứ ba, ngày 8/5/2022, tại Hà Nội (Ảnh: Tâm Trung).
Ra quân Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân lần thứ ba, ngày 8/5/2022, tại Hà Nội (Ảnh: Tâm Trung).

Tiếp tục lộ trình bảo hiểm xã hội toàn dân

Ngày 21/11/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1676/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền bảo hiểm xã hội. Đề án chọn tháng 5 hằng năm là Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân (sau đây gọi tắt là Tháng vận động).

Từ đó tới nay, Tháng vận động đã diễn ra ba lần trong bối cảnh đặc biệt của đại dịch Covid-19.

Từ năm 2020 tới nay, Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân đã diễn ra ba lần trong bối cảnh đặc biệt của đại dịch Covid-19.

Ba năm qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam liên tục ban hành nhiều kế hoạch tuyên truyền Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân. Đơn vị chủ động phối hợp Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam triển khai tổ chức các lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân.

Trong lần đầu tiên thực hiện Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân vào năm 2020, chủ đề của Tháng được lựa chọn là: “Chung tay thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân”. Diễn ra vào đúng thời điểm dịch bệnh Covid-19, lễ ra quân được tổ chức vào ngày 23/5/2020 trên toàn quốc với các hình thức quân trực tuyến kết hợp trực tiếp tại các tỉnh, thành phố và cấp huyện trên phạm vi toàn quốc.

Vào năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhất, chủ đề truyền thông hưởng ứng tháng vận động là “Bảo hiểm xã hội cho tất cả mọi người”.

Năm 2022, Tháng vận động diễn ra với chủ đề “Bảo hiểm xã hội - điểm tựa của bạn và gia đình”. Chương trình tập trung truyền thông sâu rộng về ý nghĩa, vai trò, tính nhân văn của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình, quyền và lợi ích khi tham gia. Đồng thời, nhấn mạnh mức hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình…

Các hoạt động triển khai Tháng vận động thời gian qua luôn bảo đảm phù hợp tình hình thực tiễn và các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ.

Những năm qua, việc tổ chức Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân đã thu hút sự chú ý của mọi tầng lớp nhân dân đối với chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế - hai trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia. Tháng vận động đồng thời tuyên truyền, khuyến khích vận động nhân dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân; động viên và nâng cao ý thức trách nhiệm người dân, người lao động và người sử dụng lao động trong việc chủ động tham gia các chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước.

Dự kiến, trong tháng năm này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp các cơ quan liên quan triển khai một loạt các hoạt động của Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân lần thứ tư. Điểm nhấn của chương trình là tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…

Cùng với đó, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu về an sinh xã hội của năm 2023 được nêu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.

Cụ thể, nâng số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt tỷ lệ 40,2% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt tỷ lệ 31,7% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ 93,2% dân số.

Tạo “điểm tựa” an sinh vững chắc

Sẵn sàng cho Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân ảnh 1

Lao động tại Công ty TNHH Deli Việt Nam, khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Duy Linh)

Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương cùng sự nỗ lực, chủ động, trách nhiệm của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam, những năm qua, các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã được thực hiện tốt trên phạm vi cả nước. Các kết quả đạt được có ý nghĩa quan trọng, góp phần khẳng định sâu sắc hơn giá trị nhân văn, ưu việt của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; giúp nhân dân và người lao động ngày càng yên tâm, tin tưởng, tích cực tham gia.

Theo đó, diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ngày càng được mở rộng. Tính đến hết năm 2022, số lao động tham gia bảo hiểm xã hội đạt hơn 17,5 triệu người. Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng từ 2,3 triệu người năm 1995 lên hơn 16 triệu người năm 2022, tăng hơn 7,5 lần. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng từ 6.000 nghìn người năm 2008 lên gần 1,5 triệu người năm 2022, tăng 250 lần. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng từ gần 6 triệu người năm 2009 lên hơn 14,3 triệu người năm 2022, tăng gần 2,4 lần.

Quyền lợi của người tham gia và thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp luôn được bảo đảm kịp thời.

Kết quả, từ năm 1995 đến hết năm 2022, đã có khoảng hơn 136 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; từ năm 2010 đến hết năm 2022 có gần 8,7 triệu người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Đến cuối năm 2022, tổng số người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng của cả nước đạt khoảng 3,3 triệu người.

Tính đến hết năm 2022, số lao động tham gia bảo hiểm xã hội đạt hơn 17,5 triệu người. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng từ gần 6 triệu người năm 2009 lên hơn 14,3 triệu người năm 2022, tăng gần 2,4 lần.

Với những ý nghĩa thiết thực của chính sách bảo hiểm y tế, những năm qua, số người tham gia loại hình bảo hiểm này ở nước ta cũng ghi nhận sự tăng trưởng nhanh và vượt mục tiêu đề ra.

Số người tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 7,1 triệu người năm 1995 lên hơn 91,1 triệu người năm 2022, tăng 12,8 lần, đạt tỷ lệ bao phủ 92,04% dân số. Tỷ lệ này giúp cho nước ta cơ bản hoàn thành mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.

Cùng với đó, cơ hội tiếp cận các dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của người dân ngày càng mở rộng, số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả cũng tăng cao. Từ năm 2003 đến 2022, gần 2,7 tỷ lượt người được bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã thực sự phát huy hiệu quả tích cực giúp hàng triệu người dân, người lao động ổn định cuộc sống, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp được Quốc hội, Chính phủ ban hành.

Nổi bật như các gói hỗ trợ từ các quỹ này với tổng số tiền hơn 47,2 nghìn tỷ đồng đã được ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam chi trả từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ nhanh gọn, chính xác đến tận tay người hưởng.

Bên cạnh đó, Quỹ Bảo hiểm y tế đã cùng ngân sách nhà nước góp phần không nhỏ trong công tác khắc phục hậu quả và phòng, chống dịch Covid-19. Từ đó, tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của chính sách bảo hiểm y tế trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia.

Có thể khẳng định, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Sự lan tỏa của chính sách giúp người lao động và nhân dân có thêm niềm tin khi tham gia hệ thống an sinh xã hội.