Triển khai đồng bộ giải pháp về công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội

Ngày 13/2, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn ngành về Công tác thu và phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị trực tuyến toàn ngành về Công tác thu và phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp năm 2023.
Hội nghị trực tuyến toàn ngành về Công tác thu và phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp năm 2023.

Theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2022, toàn ngành đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã đạt và vượt các chỉ tiêu được Chính phủ giao.

Địa phương chủ động

Tại hội nghị, Trưởng Ban Quản lý thu sổ, thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Dương Văn Hào đánh giá, từ thực tiễn công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2022, nhiều bài học kinh nghiệm quan trọng được rút ra. Trên cơ sở phân tích, dự báo các yếu tố tác động, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xây dựng các kịch bản điều hành phù hợp, nắm chắc tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giao kế hoạch thu, phát triển người tham gia năm 2023 cho Bảo hiểm xã hội 63 tỉnh, thành phố. Theo đó, Bảo hiểm xã hội các địa phương cũng đã sớm triển khai nhiều giải pháp ngay từ đầu năm để bảo đảm hiệu quả, tiến độ thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2023.

Đến hết năm 2022, số người tham gia bảo hiểm xã hội là 17,5 triệu người; chiếm khoảng 38,08% so lực lượng lao động trong độ tuổi (Chỉ tiêu tại Nghị quyết 01/2022/NQ-CP của Chính phủ là 37-38%); tăng 953 nghìn người (5,76%) so năm 2021. Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt 16,038 triệu người; số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên cả nước là 1,462 triệu người, tăng 12 nghìn người (0,83%) so năm 2021.

Thông tin tại hội nghị, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội Phan Văn Mến cho biết: tình hình thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn Thủ đô đã ghi nhận những tín hiệu tích cực trong tháng 1/2023.

Hiện, các doanh nghiệp sản xuất, gỗ, xây dựng, bất động sản... trên địa bàn đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, vì vậy, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã chủ động chuyển hướng, tập trung thu, phát triển người tham gia tại các nhóm doanh nghiệp khác có tiềm năng tích cực hơn.

Về việc phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, Giám đốc Phan Văn Mến cho biết sẽ mở rộng hệ thống tổ chức dịch vụ thu hơn, chú trọng ở các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, các phòng khám... qua đó tăng số điểm thu để tạo thuận lợi cho người dân tham gia. Đồng thời, Bảo hiểm xã hội Hà Nội cũng yêu cầu Bảo hiểm xã hội các quận, huyện rà soát nhóm học sinh, sinh viên chưa tham gia bảo hiểm y tế, phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các trường học thực hiện nghiêm quy định về bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên...

Chia sẻ về kinh nghiệm của Bảo hiểm xã hội Bình Dương, Giám đốc Lê Minh Lý cho biết, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tham mưu để Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, giao chỉ tiêu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho các huyện, thành phố trên địa bàn; thường xuyên phối hợp với các sở, ngành, nhất là với cơ quan công an để bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác thu, giảm số tiền chậm đóng.

“Chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp cơ quan công an để mời các đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế lên làm việc và yêu cầu thực hiện nghiêm trách nhiệm của đơn vị sử dụng lao động... Cách làm này đã hiệu quả tích cực”, bà Lê Minh Lý cho biết.

Đồng bộ giải pháp, khẩn trương quyết liệt

Để bảo đảm triển khai hiệu quả công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2023, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương hoàn thiện dự thảo các văn bản hướng dẫn, sớm tham mưu để lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam ký ban hành, tạo sự đồng bộ, thống nhất triển khai ở các địa phương. Đồng thời, công tác tập huấn đào tạo nghiệp vụ về thu, phát triển cũng phải được tăng cường và triển khai thực hiện ngay từ đầu năm để bảo đảm nâng cao chất lượng cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày một cao.

Với tinh thần khẩn trương, tận dụng thời gian bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ ngay từ đầu năm 2023 để phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra, trên cơ sở dự báo, đánh giá các tác động đến công tác thu và phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Công văn số 301/BHXH-TST ngày 7/2/2022 tạm giao kế hoạch thu, phát triển người tham gia năm 2023 đối với Bảo hiểm xã hội 63 tỉnh, thành phố, trong đó có một số chỉ tiêu cụ thể như: Bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng 892 nghìn người, bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng 314 nghìn người, bảo hiểm y tế tăng 1,978 triệu người so năm 2022.

Với Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, Phó Tổng Giám đốc chỉ đạo cần tiếp tục tăng cường phát huy vai trò của Ban chỉ đạo thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại địa phương; đồng thời tăng cường phối hợp thực hiện với các sở, ngành trong các yêu cầu nhiệm vụ hết sức rõ ràng, mục tiêu cụ thể.

Nhắc lại những điểm nổi bật về công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2022, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh đến vai trò của công tác dự báo tình hình, theo sát thực tiễn, trên cơ sở đó, đã xây dựng được các kịch bản ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Các chỉ số thu, người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2022 đều tăng trong bối cảnh khó khăn, cho thấy các giải pháp và đặc biệt là sự quyết tâm nỗ lực, cố gắng của toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phát huy hiệu quả, lưới an sinh ngày càng được mở rộng, từng bước tiệm cận mục tiêu toàn dân.

“Mỗi một địa phương cần rút ra các bài học kinh nghiệm của riêng mình để tiếp tục phát huy, đồng thời chủ động nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của các địa phương khác để nâng cao hơn nữa hiệu quả thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2023”, Tổng Giám đốc yêu cầu.

Đồng thời, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chỉ đạo tiếp tục triển khai mạnh các giải pháp để ngăn ngừa số tiền chậm đóng mới, giảm số cũ, tăng cường thanh tra, kiểm tra, chuyển cơ quan công an xử lý các đơn vị cố tình trốn đóng, chậm đóng... Đặc biệt, tăng cường truyền thông tới các đơn vị sử dụng lao động, người lao động để họ nhận thức rõ về bản chất nhân văn của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và chủ động chấp hành quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...

Đến hết tháng 1/2023, số người tham gia bảo hiểm xã hội là 17,273 triệu người; đạt tỷ lệ bao phủ là 37,4% lực lượng lao động trong độ tuổi (theo Tổng cục Thống kê, lực lượng trong độ tuổi năm 2023 tạm tính là 46,12 triệu người); tăng 648 nghìn người so cùng kỳ năm trước. Số người tham gia bảo hiểm y tế là 88,915 triệu người người, đạt 95,55% kế hoạch giao; đạt tỷ lệ bao phủ là 89,9% dân số (dân số năm 2023 tạm tính là 98.955.314 người bằng dân số tháng 12/2022), tăng 4,7 triệu người (5,6%) so cùng kỳ năm trước.