Hợp tác mới về việc làm, an sinh xã hội và quản trị thị trường lao động

Khung Chương trình mới trong khuôn khổ hợp tác giữa Tổ chức Lao động quốc tế và các đối tác tại Việt Nam tới năm 2026 hướng tới việc làm thỏa đáng và bền vững cho tất cả mọi người.
0:00 / 0:00
0:00
Ký kết Khung Chương trình quốc gia về việc làm thỏa đáng giai đoạn 2022-2026 giữa ILO và các đối tác tại Việt Nam.
Ký kết Khung Chương trình quốc gia về việc làm thỏa đáng giai đoạn 2022-2026 giữa ILO và các đối tác tại Việt Nam.

Chiều 28/3, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức lễ ký kết Khung Chương trình quốc gia về việc làm thỏa đáng của Việt Nam giai đoạn 2022-2026.

Khung Chương trình mới đưa ra khuôn khổ hợp tác giữa ILO và các đối tác tại Việt Nam cho tới năm 2026, với mục tiêu hướng tới việc làm thỏa đáng và bền vững cho tất cả mọi người.

Theo đó, các bên cùng ký kết vào Bản ghi nhớ của Khung Chương trình quốc gia về việc làm thỏa đáng khẳng định sự thống nhất với ba ưu tiên quốc gia.

Cụ thể, “Đến năm 2026, người dân Việt Nam, đặc biệt là những người có nguy cơ bị bỏ lại phía sau sẽ:

Đóng góp và thụ hưởng một cách công bằng từ quá trình chuyển đổi kinh tế bền vững, toàn diện và đáp ứng giới dựa trên đổi mới sáng tạo, tinh thần kinh doanh, nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh và việc làm thỏa đáng.

Được thụ hưởng từ các dịch vụ xã hội và hệ thống an sinh xã hội có tính toàn diện, có trách nhiệm giới, nhạy cảm với người khuyết tật, công bằng, chi phí hợp lý và có chất lượng, với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, toàn diện, bền vững và tăng quyền cho người dân để giúp họ phát huy tối đa tiềm năng của mình.

Được thụ hưởng và đóng góp vào một xã hội công bằng, an toàn và toàn diện hơn dựa trên nền tảng quản trị công được cải thiện, các thể chế phản hồi nhanh hơn, tăng cường pháp quyền, tăng cường bảo vệ và tôn trọng quyền con người, bình đẳng giới và loại trừ mọi hình thức bạo lực và phân biệt đối xử,phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Khung Chương trình quốc gia về việc làm thỏa đáng giai đoạn 2022-2026 là chu kỳ hợp tác thứ tư của Việt Nam kể từ khi Việt Nam gia nhập trở lại ILO vào năm 1992. Trước đó là chu kỳ hợp tác cho giai đoạn 2017-2021.
Sự hợp tác đầu tiên giữa ILO và Việt Nam là vào năm 1994 nhằm hỗ trợ xây dựng Bộ luật Lao động trong bối cảnh Việt Nam hình thành khuôn khổ pháp lý mới để quản trị thị trường lao động trong quá trình Đổi mới.


Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: “Trong ba chu kỳ hợp tác vừa qua, Tổ chức Lao động quốc tế đã luôn đồng hành cùng với các đối tác ba bên của Việt Nam triển khai hiệu quả chương trình việc làm thỏa đáng, góp phần thúc đẩy công bằng và tiến bộ xã hội.”

Hợp tác mới về việc làm, an sinh xã hội và quản trị thị trường lao động ảnh 2

Bộ trưởng đề nghị ILO và các đối tác xã hội cần xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai Khung chương trình. Trong thời gian tới, cần ưu tiên tiếp tục hỗ trợ việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, xây dựng và hoàn thiện chính sách xã hội cho giai đoạn 2023-2030, và hỗ trợ quan hệ lao động hài hòa ổn định và tiến bộ tại các doanh nghiệp.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị tăng cường hợp tác hỗ trợ nghiên cứu phê chuẩn một số công ước của ILO, trong đó có Công ước 87 về Tự do hiệp hội và bảo vệ quyền được tổ chức, 1948.

Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng, già hóa dân số và biến đổi khí hậu, Bộ trưởng lưu ý tầm quan trọng của việc hỗ trợ nâng cao năng lực để bảo đảm quá trình chuyển đổi công bằng hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững.

Khung Chương trình quốc gia về việc làm thỏa đáng giai đoạn 2022-2026 khẳng định sứ mệnh của ILO là thúc đẩy cơ hội việc làm bền vững và năng suất cho mọi phụ nữ và nam giới trong điều kiện làm việc tự do, bình đẳng, an toàn và tôn trọng nhân phẩm, phù hợp với bối cảnh của Việt Nam.

Nhấn mạnh vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang chia sẻ: “Khung Chương trình quốc gia về việc làm làm thỏa đáng giai đoạn 2022-2026 phù hợp và đáp ứng nhu cầu của Việt Nam nói chung và Công đoàn Việt Nam nói riêng hướng tới thực hiện mục tiêu về việc làm thỏa đáng cho tất cả mọi người. Công đoàn Việt Nam cam kết sẽ tích cực tham gia trong quá trình thực hiện kế hoạch hoạt động cụ thể để có thể triển khai thành công Chương trình giai đoạn 2022-2026.”

Với vai trò đại diện cho các tổ chức người sử dụng lao động, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho biết: “VCCI kỳ vọng trong giai đoạn 2022-2026, Chương trình được thiết kế và triển khai theo hướng đáp ứng nhu cầu thực tiễn và các ưu tiên của cơ quan đối tác về lao động, việc làm”.

Những ưu tiên này tập trung vào một số nội dung, bao gồm thúc đẩy cải cách thể chế thị trường lao động; tăng cường các hệ sinh thái thúc đẩy phát triển các ngành theo hướng bao trùm, bền vững; và đẩy mạnh việc trang bị kiến thức và kỹ năng cho nguồn nhân lực đáp ứng cho yêu cầu của kỷ nguyên số và thế giới việc làm.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho hay: “Việc ký kết Khung Chương trình quốc gia về Việc làm thỏa đáng thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên của ILO và cam kết của Chính phủ trong việc thúc đẩy các mục tiêu về lao động, việc làm và an sinh xã hội.”

Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc ILO tại Việt Nam Ingrid Christensen chia sẻ: “Các ưu tiên của Việt Nam về tạo việc làm xanh và năng suất, bảo vệ và an sinh xã hội cho người lao động, và duy trì quản trị thị trường lao động và quan hệ lao động hiệu quả được đánh giá cao.”

Bà Christensen cũng đề cập tới những thảo luận ban đầu về việc Việt Nam có thể trở thành quốc gia tiên phong trong sáng kiến của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Chương trình thúc đẩy toàn cầu về việc làm và an sinh xã hội hướng tới chuyển đổi công bằng.

Trước mắt, đề nghị ILO và các đối tác xã hội bắt tay vào xây dựng kế hoạch thực hiện khung hợp tác này, tập trung vào năm số hoạt động ưu tiên. Trong đó, có việc tiếp tục hỗ trợ việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, thông qua các hoạt động nghiên cứu, tư vấn hỗ trợ các dự án sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm trong bối cảnh mới.

“ILO tiếp tục vui mừng và sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với chính phủ Việt Nam và các đối tác xã hội. Với sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên, chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt ở cấp quốc gia và địa phương tại Việt Nam. Chúng tôi tin rằng, việc ký kết ngày hôm nay và Khung Chương trình quốc gia việc làm thỏa đáng giai đoạn 2022-2026 sẽ là bước quan trọng tiếp theo trong hành trình hướng tới mục tiêu chung là thúc đẩy công bằng xã hội và việc làm bền vững cho tất cả mọi người.” - bà Christensen cho hay.

Trước mắt, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị ILO và các đối tác xã hội bắt tay vào xây dựng kế hoạch thực hiện khung hợp tác này, tập trung vào năm hoạt động ưu tiên. Trong đó, có việc tiếp tục hỗ trợ việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, thông qua các hoạt động nghiên cứu, tư vấn hỗ trợ các dự án sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm trong bối cảnh mới.

Từ ngày 1/3/2023, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được đăng tải để lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, doanh nghiệp và người dân. Các nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật lần này gồm 5 nhóm chính sách, được chi tiết hóa thành 18 nội dung lớn.

Nhóm chính sách thứ nhất là xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt.

Nhóm chính sách thứ hai là mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.

Nhóm chính sách thứ ba là mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội (lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội).

Nhóm chính sách thứ tư là bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội.

Nhóm chính sách thứ năm là đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XV vào tháng 10 năm 2023.

Cùng với đó là một dự án luật quan trọng khác - Luật Việc làm. Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) đến nay đã hoàn thiện và được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) tập trung vào 4 nhóm chính sách sau.

Nhóm chính sách 1: Quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập.

Nhóm chính sách 2: Hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động.

Nhóm chính sách 3: Phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Nhóm chính sách 4: Thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.

Trong năm tới, dự án Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV vào tháng 10/202. Sau đó, dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV vào tháng 5/2025.