Đông đảo người dân đang mong chờ các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, đưa ra phương án xử lý TISCO-II một cách hài hòa, hiệu quả, với tinh thần giảm đến mức thấp nhất thiệt hại, đưa dự án khởi động trở lại sớm ngày nào tốt ngày đó, nhằm chấm dứt tình trạng lãng phí vốn, tài sản của Nhà nước và doanh nghiệp.
Ngổn ngang, dang dở…
Năm 2007, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) khởi công dự án TISCO-II với tổng mức đầu tư hơn 3.843 tỷ đồng, gói thầu chính là dây chuyền luyện kim trị giá hơn 160 triệu USD, công suất 500 nghìn tấn phôi/năm, do Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) làm Tổng thầu EPC, hoàn thành sau 30 tháng thi công. Tuy nhiên, do thời điểm triển khai trùng đợt khủng hoảng kinh tế thế giới, mọi chi phí nguyên vật liệu, thiết bị, tỷ giá, tài chính,… đều tăng “phi mã”, nếu duy trì giá trị hợp đồng cũ sẽ không khả thi. MCC đã dừng thi công và đề nghị điều chỉnh hợp đồng. Năm 2013, dự án được điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư lên hơn 8.100 tỷ đồng, kế hoạch hoàn thành năm 2014.
Tuy nhiên, việc tăng tổng mức đầu tư gấp hơn 2 lần đã gây ảnh hưởng đến hiệu quả dự án, cùng việc khó khăn trong thu xếp vốn, nên từ năm 2013 trở lại đây, dự án hoàn toàn “án binh bất động” dù phần lớn các hạng mục xây dựng, thiết bị đều đã được đưa về công trường. Hơn 10 năm ròng rã, TISCO-II đã vắt kiệt năng lực “con chim đầu đàn” một thời của ngành luyện kim Việt Nam. Kết quả sản xuất, kinh doanh và đời sống 4.000 người lao động TISCO có thời điểm “lao dốc không phanh”, rơi vào cảnh mất cân đối tài chính, mấp mé bờ vực phá sản. Nguyên nhân bởi phần lớn lợi nhuận của công ty đang phải đắp đổi, trả nợ “gánh nặng” TISCO-II, với lãi vay lên tới hơn 22 tỷ đồng/tháng.
Nếu không có giải pháp mạnh mẽ để xử lý dứt điểm vướng mắc dai dẳng trong nhiều năm qua, khoản nợ các ngân hàng khoảng 5.500 tỷ đồng từ TISCO-II chính là dấu chấm hết cho TISCO.
Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel) Nghiêm Xuân Đa
Tuy nhiên, bằng mọi nỗ lực, kể cả trong thời điểm đại dịch Covid-19, ban lãnh đạo TISCO vẫn cố gắng gồng gánh đưa doanh nghiệp vượt khó, hoạt động ổn định, hiệu quả và có lãi trở lại. Nhưng cũng bởi TISCO-II chưa đi vào hoạt động, nên công ty không tự chủ được nguồn phôi thép phục vụ sản xuất khoảng 400 nghìn tấn/năm, phải mua ngoài với giá cao hơn, cộng thêm chi phí gia nhiệt phôi trong quá trình cán, mỗi năm mất khoảng 200-280 tỷ đồng. Điều này khiến TISCO bị giảm lợi thế cạnh tranh, bỏ lỡ “cơ hội vàng” ở thời kỳ đỉnh cao của ngành thép (năm 2021, giá thép lên tới 17,2 triệu đồng/tấn).
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tổng giá trị đầu tư TISCO-II đã thực hiện hơn 7.350 tỷ đồng; trong đó, lãi vay được vốn hóa hơn 3.800 tỷ đồng. So với thời điểm đầu năm 2019, TISCO-II có tổng giá trị gần 5.100 tỷ đồng, sau gần sáu năm chi phí đã “đội” thêm hơn 2.250 tỷ đồng. Các chuyên gia kinh tế và dư luận xã hội đều bức xúc khi TISCO-II giống như một “xác sống”, nhưng hằng năm vẫn tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng lãi vay của TISCO. Chưa kể, theo tính toán, nếu tiếp tục kéo dài tình trạng đắp chiếu, mỗi năm TISCO-II còn “đốt” thêm hàng triệu USD do các hạng mục, trang thiết bị công trình bị xuống cấp, hư hỏng theo thời gian, không thể khắc phục,…
Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel) Nghiêm Xuân Đa lo lắng: “Nếu không có giải pháp mạnh mẽ để xử lý dứt điểm vướng mắc dai dẳng trong nhiều năm qua, khoản nợ các ngân hàng khoảng 5.500 tỷ đồng từ TISCO-II chính là dấu chấm hết cho TISCO. Bởi càng kéo dài, việc xử lý càng khó khăn, gây lãng phí lớn, khiến TISCO chìm xuống đáy, dẫn tới phá sản. Khi đó, nguy cơ VnSteel không chỉ mất toàn bộ vốn đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng tại TISCO, mà còn khó tránh khỏi trách nhiệm trong khoản vay bảo lãnh ngân hàng hơn 1.800 tỷ đồng cho TISCO, gây ra những hệ lụy xấu không thể lường hết. Do đó, mong mỏi lớn nhất hiện nay là hồi sinh TISCO-II để ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh-xã hội cho người lao động”.
Trong buổi khảo sát thực địa và làm việc tại TISCO vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh đánh giá, TISCO-II có đặc thù bất lợi so với các dự án khác do vẫn trong cảnh dở dang, các thiết bị vật tư xuống cấp, hư hỏng, công nghệ luyện kim lạc hậu nhiều so với hiện tại. Tuy nhiên, được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Chính phủ hai nước trong đàm phán, giải quyết dứt điểm những vướng mắc, đến nay các bên liên quan đã có bước tiến dài trong thương lượng, thống nhất phương án tháo gỡ các điểm vướng mắc mấu chốt.
Hiện việc xử lý TISCO-II đang được trình lên các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phương án tối ưu nhất, công khai, minh bạch và đúng quy định pháp luật; bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước, quyền lợi của người lao động; góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác, giao thương tích cực giữa hai nước.
Hướng đi nào đột phá?
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực luyện kim, phần lớn các thiết bị, linh kiện của TISCO-II nhập về công trường dù đã nhiều năm, nhưng được bảo quản khá tốt, vẫn đáp ứng được yêu cầu lắp đặt. Những hạng mục ngoài trời, theo thời gian bị hỏng hóc, hoàn toàn có thể chỉnh trang hoặc thay thế mới tùy thực tế.
Tuy nhiên, mấu chốt quan trọng nhất của vấn đề là cần xem xét sớm chấm dứt hợp đồng EPC với MCC. Đây là điều kiện tiên quyết và là “bàn đạp” triển khai những bước tiếp theo cho việc hồi sinh TISCO-II. Bởi nếu tiếp tục thực hiện với MCC, chắc chắn sẽ làm tăng tổng mức đầu tư, không đạt hiệu quả về kinh tế; công nghệ cũ không còn phù hợp các yêu cầu cao về kỹ thuật, môi trường theo quy định hiện hành. Nếu được khởi động trở lại, để TISCO-II đạt hiệu quả tài chính tối ưu, các cơ quan liên quan cần trình phương án lên cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép TISCO áp dụng cơ chế tài chính đặc thù, bởi với khoản nợ theo sổ sách lên tới hơn 5.500 tỷ đồng, khó có dự án nào hoạt động còn khả thi.
Trong đó, cần chấp thuận cho TISCO cơ cấu lại nợ, miễn toàn bộ lãi vay chưa trả, khoanh nợ gốc đã vay đến thời điểm được cấp có thẩm quyền phê duyệt và cho kéo dài thời gian trả nợ sau khi dự án hoàn thành, đi vào sản xuất. Khi được chấp thuận phương án nêu trên, TISCO sẽ tiếp cận các thiết bị, tài sản nhiều năm qua MCC chưa bàn giao, có cơ sở để tính toán cụ thể, nhằm triển khai phương án khôi phục TISCO-II trên cơ sở tận dụng những gì đang có, không gây lãng phí đối với các thiết bị, công trình đã đầu tư dở dang; điều chỉnh và cải tiến công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả của dự án.
Song, cũng phải tính đến việc ban hành một cơ chế xử lý riêng đối với giá trị thiết bị do MCC cung cấp sai khác, đã hư hỏng hoặc không còn phù hợp trình độ công nghệ hiện tại; giải quyết dứt điểm những vướng mắc liên quan đến quyết toán với các nhà thầu phụ thi công phần C trong hợp đồng EPC, cũng như trong Kết luận số 167/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ để tránh phát sinh rủi ro pháp lý về sau.
Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ, đứng đầu là Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã thể hiện quyết tâm tháo gỡ vướng mắc tại TISCO-II. Thủ tướng đã thị sát và đốc thúc tìm cách xử lý dứt điểm, đồng thời bày tỏ sự sốt ruột khi chứng kiến TISCO-II “đắp chiếu” nhiều năm.
Trên tinh thần đó, mới đây Thủ tướng đã ký Công điện số 112/CĐ-TTg, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cần quán triệt, triển khai nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí. Chủ động xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, các công việc thuộc thẩm quyền; bố trí, huy động nguồn lực triển khai nhanh các dự án, hoàn thành đưa vào khai thác hiệu quả đúng mục tiêu để chống lãng phí, thất thoát. Kiên quyết xử lý, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, chậm trễ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao, để các dự án, công trình chậm tiến độ kéo dài,…
Trên phương diện là một ngành công nghiệp nền tảng, ngành thép giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong nền kinh tế, được Nhà nước rất quan tâm hỗ trợ phát triển. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các ngành công nghiệp khác, trong đó có công nghiệp quốc phòng, giúp nước ta chủ động hơn trong sản xuất các mặt hàng quốc phòng đặc biệt, thay vì phải dựa vào nhập khẩu như hiện nay.
Do đó, việc tìm ra giải pháp đột phá để đưa TISCO-II khởi động trở lại có ý nghĩa to lớn đối với việc phát triển nền công nghiệp hiện đại. Đây vừa là nhiệm vụ trọng tâm trong tiến trình đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, tự chủ, tự lực tự cường, vừa là định hướng xuyên suốt, mang tính chiến lược, lâu dài trong đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.