Cùng đi có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.
Khảo sát khu vực Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Thủ tướng trực tiếp kiểm tra các hạng mục của nhà máy đang được thi công dang dở, trong đó có nhiều hạng mục đang bị xuống cấp nghiêm trọng; thiết bị hoen rỉ; nhiều khu đất cỏ dại mọc um tùm.
Dự án này có tổng vốn đầu tư dự kiến 3.843 tỷ đồng, được khởi công từ năm 2007 đến nay, đã bị kéo dài 14 năm do tồn tại nhiều vướng mắc chưa được giải quyết. Điều này dẫn tới hậu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị giảm sút từ năm 2018.
Sáng cùng ngày, Thủ tướng đã đến thị sát Nhà máy Cán thép Thái Trung của Công ty cổ phần Cán thép Thái Trung.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát Nhà máy Cán thép Thái Trung. Ảnh: Trần Hải |
Công ty được thành lập ngày 29/8/2008 với sự tham gia góp vốn của ba cổ đông sáng lập là Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng; Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hà Nam.
Nhà máy Cán thép Thái Trung ở Khu công nghiệp Gang thép Thái Nguyên, được khởi công xây dựng năm 2009 và chính thức đi vào hoạt động trong quý I/2013. Nhà máy có công suất 500.000 tấn/năm, được đầu tư xây dựng trên diện tích 5,3 ha, với tổng mức đầu tư là 1.270 tỷ đồng, sử dụng dây chuyền công nghệ hiện đại và đồng bộ của Italia.
Ngay sau buổi khảo sát, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan, Tisco về tìm giải pháp cho Dự án Tisco 2.
Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt để xử lý các công việc tồn đọng, nhất là dự án thua lỗ, yếu kém, kéo dài. Đến nay, đã xử lý được 5/12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương; trong số 7 dự án còn lại, 2 dự án đã có phương án xử lý, còn 5 dự án đang tiếp tục tìm phương án, trong đó Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên được đánh giá thuộc diện phức tạp, khó xử lý nhất. Dự án nói trên khởi công từ năm 2007, có tổng mức đầu tư ban đầu 3.800 tỷ đồng, nhưng kéo dài tới nay chưa hoàn thành và còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo, Thủ tướng nêu rõ tinh thần giải quyết các vấn đề đặt ra trên cơ sở đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, bám sát các quy định của pháp luật, chỉ đạo của Bộ Chính trị, kết luận thanh tra, các công việc mà các cơ quan đã triển khai.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị đánh giá tình hình, thực trạng, cập nhật số liệu chính xác về dự án, rút kinh nghiệm từ các dự án đã được xử lý trước đây, đề xuất hướng giải quyết cụ thể, làm rõ nguồn lực và cơ chế cần thiết nếu tiếp tục triển khai dự án, ai có thẩm quyền quyết định.
Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng nhất là khẩn trương tìm được phương án xử lý khả thi nhất cho dự án để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, sau khi cân nhắc, thảo luận, phân tích kỹ lưỡng trên cơ sở thực tiễn, khoa học, pháp lý, bảo đảm tiết kiệm nhất, hiệu quả cao nhất cho Nhà nước và doanh nghiệp.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty Thép Việt Nam, Tisco tập trung thực hiện nhiệm vụ này. Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, xây dựng và phát triển một nền công nghiệp hiện đại, trong đó có các ngành công nghiệp nền tảng như luyện kim.
* Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương, dâng hoa tại Khu di tích lịch sử quốc gia địa điểm các thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái hy sinh tại Lưu Xá, phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên - một trong những chứng tích hào hùng của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Thủ tướng và đoàn đại biểu tỏ lòng thành kính, tri ân sự hy sinh của 60 Thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái tại ga Lưu Xá đêm 24/12/1972 trong khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ, vận chuyển hàng hóa chi viện cho miền nam chống đế quốc Mỹ. Năm 2008, Khu di tích được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh.