Báo cáo tại hội nghị cho thấy, căn cứ vào các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và thành phố Hà Nội, quận Tây Hồ đặt mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ thương mại; từng bước xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường…
Quận Tây Hồ xác định rõ mục tiêu phát triển văn hóa, du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh. Trong đó, sẽ ưu tiên phát triển du lịch văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, di sản văn hóa trên địa bàn quận; liên kết vùng sông Hồng để phát triển kinh tế, các sản phẩm chủ lực của địa phương; phát triển có chất lượng các sản phẩm, như: Quất Tứ Liên, đào Nhật Tân, xôi Phú Thượng, chè sen Quảng An...
Quận cũng xây dựng các giải pháp tổng thể bảo đảm việc quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế của hồ Tây và các vùng phụ cận một cách hiệu quả, góp phần xây dựng quận Tây Hồ trở thành trung tâm dịch vụ du lịch, văn hóa của Thủ đô.
Trong đó, quận sẽ tập trung quản lý, khai thác các lĩnh vực như: Trật tự đô thị, quản lý mặt nước hồ Tây, quản lý hạ tầng kỹ thuật chung quanh và trên hồ Tây... Tăng cường quảng bá, giới thiệu về cảnh quan môi trường thiên nhiên, các di tích lịch sử văn hóa chung quanh hồ Tây và trên địa bàn quận.
Đồng thời quận xây dựng Đề án quy hoạch, quản lý, bảo tồn, khai thác phát huy giá trị của hồ Tây và vùng phụ cận. Trong đó, sẽ đánh giá thực trạng công tác quản lý, bảo tồn và khai thác làm cơ sở tháo gỡ các khó khăn, bất cập hiện nay trong phát triển không gian phố đi bộ Trịnh Công Sơn, dịch vụ du lịch, làng nghề truyền thống, các di tích, danh lam thắng cảnh...