Tối 17/11, tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (phố Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, Hà Nội), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã khai mạc Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2023.
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội là hoạt động thường niên của Hà Nội nhằm thực hiện các sáng kiến gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, thúc đẩy xây dựng Thành phố sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa.
Năm 2023, Lễ hội Thiết kế sáng tạo có chủ đề “Dòng chảy” nhằm nhấn mạnh về vai trò của những di sản trong cuộc sống đương đại, được kế thừa, kết nối, sáng tạo. Trong đó, có những di sản công nghiệp của thành phố vẫn đang ngủ yên và chờ được đánh thức.
Diễn ra trong không gian ngoài trời, chương trình nghệ thuật thu hút đông đảo khán giả. |
Ngoài ra, chủ đề “Dòng chảy” còn có ý nghĩa kết nối những không gian hai bên bờ sông Hồng như: vườn hoa Vạn Xuân và tháp nước Hàng Đậu; ga Long Biên; cầu Long Biên; ga Gia Lâm và Nhà máy xe lửa Gia Lâm - những địa điểm chính diễn ra các hoạt động của Lễ hội.
Lễ hội là một chuỗi hơn 60 hoạt động văn hóa với 4 công trình giới thiệu kiến trúc chuỗi sự kiện cộng đồng, hội chợ sáng tạo…
Đáng chú ý các hoạt động nghệ thuật, hoạt động trình diễn của cộng đồng với chủ đề “Dòng chảy” tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm sẽ là sự kết hợp sự sáng tạo trên nền tảng truyền thống và đương đại, hay “Âm cảnh ga Hà Nội” là một sự sắp đặt âm thanh đặc sắc. Đây cũng là không gian tổ chức Hội chợ thủ công nghệ thuật với sự tham gia của nhiều nhà sáng tạo trẻ.
Các tọa đàm, hội thảo đáng chú ý như: Diễn đàn Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội, Hội thảo quốc tế “Thành phố sáng tạo Hà Nội - Xây dựng thương hiệu và phát triển nguồn lực”, Hội thảo “Công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi và bãi ven sông Hồng” và nhiều hội thảo, tọa đàm quy tụ các chuyên gia lĩnh vực sáng tạo và cộng động sáng tạo tham gia, là nơi cộng đồng sáng tạo, giao lưu, kết nối, trao đổi thông tin và cùng nhau sáng tạo…
Được tổ chức tại nhiều địa điểm khác nhau, nhưng tâm điểm của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 là không gian của Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (phố Ngô Gia Tự, quận Long Biên).
Một điều đáng chú ý là trong suốt thời gian diễn ra Lễ hội, sẽ có những “chuyến tàu di sản” đi từ Ga Hà Nội đến khu vực Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, gồm cả chiều đi và về. Mỗi ngày có bốn lượt tàu chạy, với giá vé 40.000 đồng/người/lượt.
Trong dịp này, nhiều quận, huyện của Hà Nội cũng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Lễ hội.
Các nghệ sĩ đem đến nhiều tiết mục đặc sắc trong đêm khai mạc. |
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh: “Lễ hội không chỉ tôn vinh sự sáng tạo trên chất liệu truyền thống, mà còn là nơi hơn 200 đơn vị, nhà sáng tạo, kiến trúc sư, nghệ nhân, nghệ sĩ được thỏa sức sáng tạo, đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.
Với nhiều hoạt động văn hóa, sáng tạo được tổ chức ở các di sản công nghiệp và ở nhiều quận, huyện thị xã, lễ hội làm nổi bật các giá trị lịch sử-văn hóa của thành phố, hướng tới sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thủ đô”.
Trong đêm khai mạc, đông đảo công chúng đã được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc, với nhiều tiết mục có sự phối hợp hài hòa giữa nghệ thuật trình diễn, âm nhạc truyền thống với các yếu tố đương đại.
Lễ hội sẽ diễn ra từ nay đến hết ngày 26/11.