Từ ngày 17/11, du khách có cơ hội tham quan Triển lãm trưng bày "Không gian sắp đặt nước và di sản tháp nước Hàng Đậu". Để bảo đảm vấn đề về sức tải, Ban tổ chức Triển lãm cho biết, mỗi lượt tham quan diễn ra không quá 15 phút, mỗi đoàn trải nghiệm có không quá 15 người. Điều này cũng nhằm giữ sự yên tĩnh cho du khách có thể tận hưởng trọn vẹn không gian nghệ thuật bên trong tháp nước.
Tháp nước Hàng Đậu được xây dựng vào năm 1894, tại phố Hàng Đậu, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Trong thời kỳ Pháp thuộc, cùng với tháp nước Đồn Thủy, tháp nước Hàng Đậu là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho quan chức, binh lính người Pháp và những người dân ở khu vực trung tâm thành phố. Tháp có hình trụ tròn với đường kính 19m, cao 25m; phần mái có hình chóp nón, ở giữa là cột thu lôi. Dung tích của tháp nước là 1.250m³.
Ngay khi bước chân vào bên trong tháp nước, du khách sẽ được chiêm ngưỡng "con đường ánh sáng" với hệ thống đèn led chạy dọc hai bên mép thành gỗ. Dưới nền là mặt sàn được phủ bởi những lớp đá, sỏi nhỏ. Dự án do họa sĩ Nguyễn Đức Phương và kiến trúc sư Cao Thế Phương cùng các cộng sự thực hiện, với mong muốn cải tạo tháp nước Hàng Đậu thành một không gian nghệ thuật, đánh thức di sản để hòa nhịp vào dòng chảy văn hóa của đô thị mới.
Không gian bên trong tháp nước được thiết kế với hai hệ sắp đặt chủ chốt về âm thanh và ánh sáng. Hệ thống âm thanh tái hiện từng tiếng động của nước trong tự nhiên được thu trực tiếp tại hiện trường. Hệ sắp đặt ánh sáng được xây dựng tỉ mỉ, trang trí bằng những đồ vật tái chế từ rác thải đô thị.
Cấu tạo bên trong tháp nước gồm 12 khoang, 4 khoang nhỏ ở chính giữa và 8 khoang lớn bao trùm chung quanh. Phần trưng bày của triển lãm lấy cảm hứng từ lục thủy, tượng trưng cho 6 nguồn nước trong tự nhiên là nước sông, nước trong khe, nước suối, nước mưa, nước ngầm và nước biển. Mỗi khoang sử dụng một tần số âm thanh khác nhau từ chuyển động của giọt nước, tạo nên sự kết nối giữa thế giới tự nhiên với con người.
Chiếc chum đất đặt ở trung tâm các khoang đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra những cung bậc âm thanh sống động. Theo thông tin từ Ban tổ chức, những chiếc chum này được sản xuất vào thế kỷ 19, có tuổi đời tương đương với tháp nước Hàng Đậu. Đa phần, người dân vùng Bắc Bộ sử dụng chúng để hứng nước mưa. Các nhà sáng tạo đã thiết kế nên một hệ thống bơm nước nhỏ giọt, điều chỉnh tốc độ rơi của nước và tận dụng khả năng khuếch đại tiếng tốt từ chum để mang lại những âm thanh đặc sắc.
Dù được xây dựng cách đây gần 130 năm, nhưng kết cấu của tháp nước Hàng Đậu vô cùng chắc chắn. Các đường ống dẫn nước làm bằng thép vẫn còn nguyên vẹn. Trước đây, việc di chuyển giữa các tầng của tháp được thực hiện bằng thang sắt, nhưng đến nay đã không còn. Du khách khi tới đây sẽ chỉ được tham quan tầng 1 của tháp nước.
Nước là nguồn cảm hứng, đồng thời là chất liệu sáng tạo chính yếu của "Không gian sắp đặt nước và di sản tháp nước Hàng Đậu". Nước hiện diện trong nhiều bối cảnh, từ nguyên sơ đến cầu kỳ, phức tạp.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thực hiện dự án, họa sĩ Nguyễn Đức Phương cho biết: "Phải mất 3 năm để đội ngũ sản xuất lên kế hoạch, từng bước tiến hành và cải tạo không gian này. Tháp nước Hàng Đậu là di sản lịch sử quý giá, cũng là niềm tự hào của người dân Hà Nội. Vì thế, cái khó của chúng tôi là làm sao để thi công và triển khai triển lãm mà không làm ảnh hưởng đến cấu trúc chung của cả tòa tháp".
Từ trăn trở ấy, nhóm thiết kế quyết định sử dụng các chất liệu nhẹ, các vật dụng cơ động (như thanh gỗ, dây cước...) và không khoan bất kỳ chiếc đinh vít nào vào tường tháp.
Chìm đắm vào không gian nghệ thuật trong tháp nước Hàng Đậu, không ít du khách bày tỏ sự thích thú bởi lối bài trí mới mẻ, cùng cách kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại.
Các tác phẩm nghệ thuật với những mảng màu đa sắc được xem là điểm nhấn sáng tạo của hệ thống sắp đặt ánh sáng. Chúng được tái chế từ những túi nylon nhiều màu sắc, đặt xen lẫn và hòa quyện vào nhau.
Có người hình dung chúng là những giọt nước lơ lửng trong không gian, có người lại liên tưởng đến những cánh sen xếp chồng lên nhau. Quan sát càng lâu không gian sắp đặt trong lòng di sản, du khách lại càng có nhiều góc nhìn phong phú về các vật thể liên quan đến môi trường nước.
Thông qua triển lãm, đội ngũ sản xuất đề cập đến những ảnh hưởng của rác thải sinh hoạt trong đời sống con người đối với môi trường tự nhiên, đặc biệt là môi trường nước. Từ đó, truyền tải thông điệp về sự gắn kết chặt chẽ về phát triển bền vững giữa xã hội đô thị và vạn vật trong tự nhiên.
Âm thanh hòa quyện cùng ánh sáng, tạo nên một không gian ấn tượng bên trong tháp nước Hàng Đậu. Dự kiến, Triển lãm trưng bày "Không gian sắp đặt nước và di sản tháp nước Hàng Đậu" sẽ kéo dài đến hết ngày 26/11 và mở cửa đón khách vào khoảng 9 giờ đến 17 giờ hằng ngày.