Khai hội Cổ Loa, tưởng nhớ An Dương Vương

Lễ hội Cổ Loa là dịp người dân tưởng nhớ công đức An Dương Vương xây dựng đất nước, đồng thời, cũng là dịp để nhắc nhớ mọi người về những bài học trong bảo vệ độc lập dân tộc.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ hội Cổ Loa diễn ra trong sự phấn khởi của người dân.
Lễ hội Cổ Loa diễn ra trong sự phấn khởi của người dân.

Ngày 15/2, (tức mồng 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn), tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội), Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh đã tổ chức khai hội Cổ Loa xuân Giáp Thìn 2024.

Thay mặt đảng bộ, chính quyền nhân dân huyện Đông Anh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng đã ôn lại những đóng góp của An Dương Vương trong dựng nước Âu Lạc, xây dựng thành Cổ Loa cách đây hơn 2000 năm; đồng thời khẳng định lại những giá trị đặc biệt, riêng có của quần thể di tích thành cổ Cổ Loa.

Trong dịp này, lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh cũng khẳng định, đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Đông Anh đoàn kết, tập trung mọi nguồn lực thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển thành quận trong thời gian tới.

Tương truyền, ngày mồng 6 tháng Giêng là ngày An Dương Vương lên ngôi vua. Nhân dân tám thôn trong vùng đã lấy ngày đó làm ngày tổ chức lễ hội ghi nhớ công đức của đức vua An Dương Vương.

Lễ hội Cổ Loa là một lễ hội lớn trong vùng, gọi là lễ hội Loa thành bát xã.

Lễ hội năm nay đã diễn ra nhiều nghi thức quan trọng như: Màn dâng hương của Bát xã Loa Thành; Thực hành nghi thức tế, lễ; nghênh rước kiệu vua An Dương Vương...

Trong ngày khai hội đã có hàng chục nghìn lượt người đến dự, dâng hương tưởng nhớ An Dương Vương.

Lễ hội Cổ Loa năm nay diễn ra từ nay đến 16 tháng Giêng.

Ngoài phần nghi lễ, lễ hội còn có nhiều hoạt động văn hóa truyền thống như: Đấu vật, bắn nỏ, bóng chuyền, cờ người, diễn tuồng cổ, đu tiên, múa rối nước Đào Thục, hát quan họ trên thuyền rồng...

Lễ hội còn là dịp ôn lại bài học về bảo vệ độc lập dân tộc, không lơ là, mất cảnh giác trong mọi tình huống.