Cẩn trọng tìm phương án hợp lý bảo tồn thành Cổ Loa

Vấn đề bảo vệ, bảo tồn thành Cổ Loa đang được dư luận và giới chuyên môn quan tâm. Sau bài “Phát huy giá trị di tích Cổ Loa” trong số báo 1393 ra ngày 22/5 vừa qua, phóng viên Thời Nay tiếp tục chia sẻ góp ý, nguyện vọng của một số người dân xã Cổ Loa và chuyên gia kiến trúc, quy hoạch với mong muốn giữ gìn phần còn lại của thành tốt nhất, phù hợp nhất.
0:00 / 0:00
0:00
Báo cáo kết quả khảo cổ ở Đền Thượng. Ảnh: VƯƠNG ANH
Báo cáo kết quả khảo cổ ở Đền Thượng. Ảnh: VƯƠNG ANH

Các trưởng thôn đều tham gia tuyên truyền, kiểm tra

Bà Nguyễn Thu Hà, Trưởng thôn Mít:

Thôn Mít có 268 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu, trong đó xấp xỉ 50% dân số sống bao quanh và trên bề mặt khu Thành Trung. Những trường hợp xây nhà trên bề mặt Thành Trung đều là những gia đình sinh sống từ rất lâu và đã được cấp sổ đỏ. Còn hiện nay, vấn đề đất đai được quản lý rất chặt, người dân cũng hiểu biết hơn nên không phát sinh thêm các trường hợp vi phạm. Các đoạn vòng Thành ngoài khu vực dân cư được chính quyền xã cho trồng trám với mít vừa để giữ Thành khỏi xói mòn, vừa bảo tồn nguồn gien trám.

Ngoài Ban quản lý di tích, xã có thành lập Tiểu ban bảo vệ Di tích gồm cả 15 trưởng thôn thuộc xã Cổ Loa. Hằng tuần, Tiểu ban này đi kiểm tra, rà soát, nếu phát hiện trường hợp vi phạm sẽ báo cáo xã và Thanh tra xây dựng để xử lý kịp thời.

Trước đây, việc tuyên truyền giữ gìn, bảo vệ hiện trạng Thành, chống xâm lấn được Ban lãnh đạo thôn Mít phát trên loa truyền thanh, tuy nhiên hiệu quả không cao. Do đó, hiện nay Ban lãnh đạo thôn ứng dụng thêm cách tuyên truyền trên nhóm zalo để thông tin đến được sâu rộng với người dân hơn.

Buộc phải xâm lấn Thành làm công trình cộng đồng!

Ông Trương Văn Sơn, Trưởng thôn Nhồi Dưới:

Thôn Nhồi Dưới hiện nay có khoảng 20 hộ dân có nhà kiên cố ở trên bề mặt Thành Trung, hầu hết trong số này đều được cấp sổ đỏ. Đây đều là tồn tại từ nhiều năm trước. Còn hiện nay thì tình trạng phát sinh vi phạm đã không còn. Tuy nhiên, hiện tượng xâm lấn Thành để làm các công trình cộng đồng như làm cống thoát nước hay đường dân sinh là có. Chúng tôi biết là sai phạm về vấn đề di tích nhưng do chưa kiên cố hóa được nên buộc phải làm để phục vụ cộng đồng dân sinh.

Hình dạng Thành đã mai một nhiều do làm đường, canh tác

Ông Chu Văn Thảo (70 tuổi), người dân thôn Chùa:

Theo trí nhớ của tôi thì các hộ dân làm nhà trên bề mặt thành đều là những hộ gia đình đã ở đó mấy đời rồi nên đến năm 1993, khi Luật Đất đai có hiệu lực thì họ được cấp sổ đỏ. Bề mặt Thành trước đây thời kỳ chống Mỹ cao lắm, nhưng bây giờ hầu hết chỉ còn 2-3m và có đoạn còn không ra hình dạng Thành do được san làm đường sá để đi lại. Hệ thống hào thông nhau và thông ra sông Hoàng Giang cũng không còn do nhiều người dân khi được cho thầu lại các vị trí đó đã tự ý san đất mặt Thành xuống khu vực hào cho đầy lên để canh tác, nên hình dạng Thành đã mai một đi nhiều.

Nên phục dựng mô hình Cổ Loa bằng công nghệ số

Ông Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, chuyên gia phản biện độc lập về kiến trúc và quy hoạch:

Nếu có dự án nhiều tỷ đồng để bảo tồn và phục dựng lại thành Cổ Loa, thì phải có hồ sơ, nghiên cứu kỹ lưỡng và tuân theo nguyên tắc. Nếu chỉ phỏng dựng thì có thể còn làm sai lệch, làm mất đi ý nghĩa di sản và tốn kém nguồn lực, công sức lớn. Nên chăng, hiện nay nên tập trung nguồn lực phục hồi tôn tạo những phần hiện có của di tích Cổ Loa.

Ngoài ra, thời đại kỹ thuật số tạo điều kiện cho chúng ta xử lý, phục dựng mô hình Cổ Loa bằng công nghệ số cho khách tham quan, có thể tạo mối liên kết giữa di tích lịch sử có thật và huyền thoại trong sử sách. Các nhà khoa học, lịch sử và chuyên gia khảo cổ cần hết sức thận trọng đối với việc phục dựng Thành Cổ Loa.

Còn nhiều bất cập tồn tại cần giải quyết

Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội:

Ngay từ sau năm 1998, Hà Nội đã tập trung, huy động được sự tham gia của các chuyên gia nhiều ngành để ban hành được Quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị thành Cổ Loa. Tuy nhiên, trong vài năm vừa qua chúng ta thật sự chưa thực hiện được như mong muốn bởi một số tồn tại. Trước hết, chúng ta chưa tuyên truyền được rộng rãi cho người dân hiểu được hết giá trị của thành Cổ Loa. Tiếp theo đó, đối với một khu vực bảo tồn lớn như thế, không thể chỉ phụ thuộc vào nguồn ngân sách mà phải huy động nguồn lực từ xã hội. Nhà nước đã có sự quan tâm, kêu gọi nhưng chưa trở thành thực tiễn vì một số lý do, đơn cử như đã có một số doanh nghiệp ngỏ ý muốn tham gia nhưng lại kèm theo một số yêu cầu hoán đổi lợi ích khác, hoặc như một số nguồn lực nước ngoài cũng chưa thể huy động cho hợp lý... Yếu tố thứ ba là chúng ta chưa khai thác được giá trị khác của Cổ Loa như phát huy du lịch, xây dựng các công trình quan trọng như công viên di sản… Bởi vậy theo tôi, cần sớm hoàn thiện, cụ thể hóa quy hoạch chung của Cổ Loa, tiếp theo là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, sau đó là vận động các ngành cùng tham gia, đặc biệt là đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, phát triển du lịch mạnh hơn nữa. Cuối cùng, với giá trị đặc biệt của di tích Cổ Loa, tôi thiết nghĩ Nhà nước cần có sự ưu tiên hơn nữa về công tác giải phóng mặt bằng, giãn dân hơn để bảo tồn ba vòng thành, “lõi” di sản rất quan trọng của Đông Anh nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung.