Phát huy giá trị di tích Cổ Loa

Có lẽ hiếm người Việt Nam nào lại không biết tới câu chuyện bi hùng về thành Cổ Loa và những huyền sử chung quanh di tích này. Nhưng quá khứ huy hoàng năm xưa giờ chỉ còn trên những trang sách, khi mà nhu cầu dân sinh thực tế và quá trình đô thị hóa đang “ăn mòn” dần những dấu tích thành cổ. Nhiều câu hỏi được đặt ra, nhưng tựu trung lại vẫn là đi tìm giải pháp bảo tồn, phát huy tốt một di sản quan trọng nhưng phải bảo đảm cuộc sống chính đáng của người dân địa phương…
Một hố khai quật tại thành Cổ Loa.
Một hố khai quật tại thành Cổ Loa.

Những thống kê đáng lo ngại

Trong cuốn ký sự chiến tranh “Đổi tên giặc lái Mỹ thành nhân viên quân sự Hoa Kỳ” (NXB Chính trị quốc gia Sự thật) của nhà báo lão thành Phạm Thanh, ông đã đưa lại những bài ông từng viết và đăng tải trong những thời điểm chiến tranh ác liệt. Trong đó, bài “Bên chân thành Cổ Loa”, có kể việc người dân địa phương trân trọng, giữ gìn thành Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) ra sao. Ngày ấy, nhân dân xã Cổ Loa tránh làm những việc gây ra sự sụt nứt bờ thành. Ông Nguyễn Văn Tung, Bí thư Đảng ủy xã Cổ Loa lúc đó cho biết, nhân dân Cổ Loa dù ăn còn chưa no, lương thực còn thiếu, nhưng không một ai dám trồng sắn lên vòng thành vì sợ thành bị xói mòn. Hay năm nào đó, có một đơn vị bộ đội muốn xây dựng trận địa gần chân thành, nhưng Thủ tướng Chính phủ ra lệnh chuyển đơn vị đó đi nơi khác.

Đó là một thí dụ sinh động cho việc giữ gìn thành Cổ Loa. Còn hôm nay, khu vực thành Ngoại và thành Trung tiếp tục phải hứng chịu sự xâm lấn nghiêm trọng. Theo khảo sát trực quan của phóng viên Thời Nay, nhiều chỗ không còn mang dáng dấp tường thành mà chỉ như một gò đất thấp, thậm chí có nơi bị san lấp hoàn toàn. Năm 2022, Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa và UBND xã Cổ Loa đã phối hợp quản lý và tuyên truyền, đồng thời kiểm tra việc vi phạm đối với di tích thành Cổ Loa. Việc kiểm tra được tiến hành ba lần mỗi tháng vào các ngày cuối tuần. Qua đó, các đội kiểm tra đã phát hiện tới 24 trường hợp xây dựng trong phạm vi bảo tồn, bảo vệ di tích. Cụ thể là 11 trường hợp vi phạm trên mặt thành, 5 trường hợp dưới chân thành, 3 trường hợp tại hào và 5 trường hợp vi phạm trong phạm vi bảo vệ di tích. Các trường hợp vi phạm chủ yếu là xây dựng nhà ở, đổ phế thải và dựng cột bê-tông, làm hàng rào lưới NB40 hoặc rào tôn trên thành Trung, thành Ngoại. Các trường hợp vi phạm tập trung chủ yếu ở các thôn như Vang, Chợ, Chùa, Mít, Nhồi Dưới, Hương và thôn Gà, khu vực đầm Cả…

Phải hiểu được giá trị lịch sử và văn hóa to lớn của thành Cổ Loa, người ta mới thấm thía, càng xót xa cho những mất mát trên đối với di sản. Là một trong những nhà nghiên cứu tâm huyết với di tích này, TS Trịnh Hoàng Hiệp, chuyên gia Viện Khảo cổ học Việt Nam, chia sẻ: “Sau nhiều năm nghiên cứu của các nhà khảo cổ học trong và ngoài nước, có thể khẳng định thành Cổ Loa là tòa thành đất sớm nhất, quy mô to lớn nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á, do An Dương Vương cho đắp vào thế kỷ III-II trước Công nguyên”. Giá trị nhất của khu di tích là di tồn văn hóa của kinh đô cổ nhất khu vực Đông Nam Á, có truyền thống xây dựng triệt để lợi dụng điều kiện tự nhiên có sẵn ở khu vực để đắp thành, đào hào. Thành Cổ Loa thể hiện sự sáng tạo độc đáo của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước, chống giặc ngoại xâm.

Giữ sao cho đúng, phát huy lợi ích lâu dài

Là một di sản nằm lẫn trong khu dân cư, thậm chí rất nhiều khu vực sát tường thành đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ dân trước khi Luật Di sản 2001 có hiệu lực. “Hơn chục năm lăn lộn ở Cổ Loa, tôi nghĩ phải thấu hiểu và không thể trách người dân, bởi họ cũng cần và có quyền dùng đất để sinh hoạt lẫn mưu sinh. Bởi vậy, bài toán bảo tồn thành Cổ Loa luôn là rất khó. Thiết nghĩ như hiện nay, có thể lựa chọn một khu tiêu biểu nhất của di tích Cổ Loa, nơi tiêu biểu và đặc trưng duy nhất của thành Cổ Loa với đủ các yếu tố như: ba vòng thành, hào, ụ hỏa hồi, giếng Ngọc, đền thờ Vua An Dương Vương… để quy hoạch, bảo tồn, phục hồi và nghiên cứu”, TS Hiệp phân tích.

Ngoài ra, việc tiếp tục khai quật cũng hết sức quan trọng bởi Cổ Loa còn nhiều tầng lớp giá trị lịch sử chưa được giải đáp và cần nghiên cứu sâu hơn về thời kỳ Vua An Dương Vương, những dấu tích văn hóa Đông Sơn và sau này là thời Lê Trung Hưng. Thí dụ như cần tiến hành khai quật hào, lũy phía tây nam thành Ngoại, lũy phía tây nam thành Trung, lũy và ụ hỏa hồi phía tây nam thành Nội. Đặc biệt, không thể không kể tới “khoảng mờ” về bằng chứng khảo cổ học liên quan thời kỳ Ngô Quyền xưng Vương và định đô ở Cổ Loa từ năm 939 tới 944. Ngoại trừ vài mảnh gốm khai quật được ở địa điểm Mả Tre, di tồn văn hóa thời kỳ này vẫn cần được nghiên cứu thêm, nên song hành cùng dự án xây dựng đền thờ Ngô Quyền.

Giữ gìn di sản đúng cách đã khó, việc phát huy giá trị của thành Cổ Loa còn khó gấp nhiều lần. Hiện nay, việc bảo tồn và phát huy di sản được tập trung chủ yếu tại khu vực thành Nội. Tuy nhiên, có thể thấy lượng du khách đến thăm thành Cổ Loa không nhiều và khả năng giữ chân du khách cũng rất hạn chế. Cụ thể, thời lượng du khách tới thăm thành Cổ Loa chủ yếu trong ngày, thậm chí chỉ vài tiếng đồng hồ bởi nội dung tham quan không thật sự hấp dẫn, chủ yếu xoay quanh khu vực giếng Ngọc, đền thờ An Dương Vương và khu thành Nội. Các dịch vụ kinh doanh ở trong di tích cũng không đủ sức giữ chân họ khi chỉ là những gian hàng lưu niệm, ăn uống, giải khát… Do đó, mặc dù rất gần với trung tâm thành phố, nhưng lượng khách tới thăm Cổ Loa chỉ bằng một phần nhỏ so những địa điểm xa hơn. “Các đoàn khách tới thăm cũng chủ yếu là từ một số đơn vị nhà nước, quân đội hay các em học sinh, không mấy khi có đoàn khách du lịch trong và ngoài nước. Đó là một sự lãng phí lớn đối với di sản đặc biệt giàu giá trị văn hóa, lịch sử như thành Cổ Loa”, ông Bùi Mạnh Tuấn, 45 tuổi, một người dân địa phương bày tỏ.

Bởi vậy, nhiều nhà khảo cổ học cũng đã có đề xuất dự án xây dựng công viên di sản và đền thờ Ngô Quyền. Nếu như việc xây dựng đền thờ Ngô Quyền có ý nghĩa tâm linh quan trọng với người dân thì công viên di sản chính là giải pháp phát huy hiệu quả nhất giá trị thành Cổ Loa, góp phần giúp người dân hưởng lợi từ di sản. Theo đó, những khu vực khai quật quan trọng sẽ được làm nhà mái che, kèm thêm thông tin giới thiệu giá trị lịch sử. Du khách đến thăm thành Cổ Loa nên được tham quan cả ba vòng thành bằng xe điện chứ không phải đi bộ như hiện nay.

Bên cạnh nguồn vốn nhà nước, có thể kêu gọi được nguồn vốn xã hội hóa cho ra đời của công viên di sản. Nếu hoạt động tốt, đó có lẽ là giải pháp hiệu quả bảo đảm kinh phí cho công tác tôn tạo, bảo tồn di sản vốn đã vô cùng tốn kém. Nó cũng giúp người dân hiểu được giá trị thành Cổ Loa đem lại cho họ. Đổi lại, người dân chắc chắn sẽ tự giác nâng cao ý thức bảo vệ di sản lịch sử ngày ngày đem lại nguồn thu nhập ổn định cho họ.

Nội dung tham quan trong công viên di sản tại Cổ Loa cũng cần được phát triển cao hơn, cụ thể như người dân địa phương có thể giới thiệu các sản vật đặc trưng tại chợ quê trong khuôn viên di tích như đặc sản bún Mạch Tràng, mít Cổ Loa hay như hoạt động phục dựng nỏ thần, cho du khách tập bắn nỏ như hiện nay cũng cần được phát triển… Đội ngũ hướng dẫn viên du lịch cũng cần đông hơn và được đào tạo chuyên môn, ưu tiên những người dân địa phương vì họ là người hiểu rõ nhất quê hương mình.