Thiếu điện kéo dài nhiều năm chưa khắc phục được
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), điện là một vấn đề rất quan trọng cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như sinh hoạt của người dân, song tình trạng thiếu điện đã xảy ra nhiều năm nay, đặc biệt là ở miền bắc, gây bức xúc cho người dân.
“Thí dụ Hà Nội trong mấy ngày nay giữa thời điểm nắng nóng mà phải tiết kiệm điện, cắt điện thì người dân cũng cảm thấy rất bức xúc”, đại biểu Phạm Văn Hòa chia sẻ, đồng thời nêu băn khoăn tại sao tình trạng thiếu điện này kéo dài đã nhiều năm mà chưa khắc phục được?
Phố đi bộ Hồ Gươm thực hiện tiết kiệm điện trước tình trạng thiếu điện hè năm nay. (Ảnh: NHẬT QUANG) |
Theo đại biểu, vấn đề này có phần trách nhiệm quản lý nhà nước thuộc về Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
“Một số doanh nghiệp điện, đặc biệt là các Tổng công ty điện lực cho biết, các dự án điện năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, xây dựng nhà máy nhiệt điện vẫn đang chờ Ủy ban Quản lý vốn phê duyệt, mà Ủy ban lại chậm trễ thì tôi nghĩ rằng ở đây có trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn trong tình hình hiện nay”, đại biểu Phạm Văn Hòa cho hay.
Theo đại biểu tỉnh Đồng Tháp, Quy hoạch điện VIII sắp tới đây Bộ Công Thương tổ chức thực hiện mà không có vốn sẽ dẫn đến tình hình thiếu điện có thể còn căng thẳng hơn trong thời gian tới.
Do đó, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công thương là phải tham mưu cho Chính phủ để chỉ đạo, điều hành hoạt động của của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chia sẻ với phóng viên bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Ngoài ra, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước phải giám sát, thẩm định, thẩm tra lại những dự án mà EVN đề xuất, qua đó nhanh chóng đưa những dự án vào hoạt động để có thêm nguồn điện.
Đặc biệt, đối với các dự án năng lượng tái tạo mà các doanh nghiệp điện gió, điện mặt trời chưa hòa mạng được, EVN cũng phải cần nhanh chóng làm việc cụ thể với các doanh nghiệp này để giải quyết vấn đề, qua đó giảm bớt gánh nặng cho ngành điện lực.
Bên cạnh đó, EVN cũng cần điều hành và chấn chỉnh lại hoạt động của mình để có đủ điện thường xuyên, phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân.
Nói về thực trạng nhiều địa phương bị cắt điện như hiện nay, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, không đủ nguồn điện cung cấp thì buộc EVN phải cắt điện.
Khu vực hạ lưu của thủy điện Sơn La đã cạn trơ đáy do nước phía thượng lưu đang tích để phục vụ cho việc vận hành các tổ máy. (Ảnh: QUỐC TUẤN) |
“Chúng ta thấy một số hồ thủy điện đang ở mực nước chết, không có khả năng phát điện, đây cũng là nguyên nhân khách quan vì không mưa thì làm sao có nước để phát điện”, đại biểu tỉnh Đồng Tháp nói.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng cho biết, vừa rồi Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực đã phải xin lỗi người dân về tình trạng cắt điện và vị này cũng đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp cho việc có điện sắp tới.
“Việc khắc phục được những hạn chế, tiết kiệm điện cho thời gian tới là hết sức cần thiết. Để xem EVN điều hành lưới điện cho người dân, doanh nghiệp sắp tới sẽ ra sao thì chúng ta mới có những đánh giá. Tuy nhiên, phải nói rằng nếu tình hình nắng nóng kéo dài và không có mưa, thủy điện không hoạt động được thì tình trạng thiếu điện sẽ vẫn còn tiếp diễn”, đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết.
Thiếu điện không phải là chuyện mới
Chia sẻ thêm về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết, hiện đang bước vào mùa hè rất nóng nực, điện năng tiêu thụ tăng cao dẫn đến nguồn cung điện bị thiếu hụt.
“Những điều đó đã đặc biệt thu hút sự chú ý quan tâm của người dân, doanh nghiệp và cử tri cả nước. Tuy nhiên, câu chuyện thiếu điện nghiêm trọng trong mùa hè này không phải là chuyện mới”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Theo Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, nhiều năm qua, chúng ta đã phải đối mặt với tình trạng thiếu điện và chủ yếu diễn ra tại khu vực miền bắc. Nguyên nhân thiếu điện EVN đã giải thích rất rõ, đó là nhu cầu sử dụng các thiết bị điện tăng cao trong mùa hè và càng ngày nhu cầu càng tăng.
“Nhu cầu sử dụng điện lớn, nhưng nguồn cung cấp điện lại phụ thuộc vào thời tiết, bởi các nhà máy thuỷ điện có vận hành được hết công suất còn phụ thuộc vào mực nước trong hồ chứa thuỷ điện”, đại biểu đoàn Hải Dương phân tích.
Bên cạnh thuỷ điện, thời gian qua, nguồn cung cho nhiệt điện cũng bị phụ thuộc. Theo báo cáo của EVN, nguồn cung than trong nước cung cấp cho nhiệt điện mới chỉ đáp ứng được khoảng hơn 40%, còn lại phải nhập khẩu, như than, xăng dầu…, song nguồn cung này cũng bị gián đoạn do ảnh hưởng từ khủng khoảng năng lượng toàn cầu.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, nếu muốn khắc phục được tình trạng thiếu điện thì phải có giải pháp đồng bộ. Trong đó, giải pháp được nhiều người nhắc đến bên cạnh thuỷ điện, nhiệt điện là cần hướng đến năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời.
Nhiều bài toán đặt ra để bảo đảm cung ứng điện
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc phát triển các nguồn điện, nhất là năng lượng tái tạo phải có mức độ, chiếm tỷ trọng nhất định trong tổng đầu tư chứ không thể phát triển ồ ạt.
Dẫn lại câu nói của Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên khi trả lời trước Quốc hội về vấn đề này, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho rằng, ban ngày có nắng thì mới sản xuất được điện mặt trời, còn ban đêm không có nắng thì “lấy đâu ra”.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
“Năng lượng tái tạo phát triển nhiều ở vùng không có phụ tải, phải truyền tải đi xa, muốn làm vậy phải có quy hoạch, kế hoạch, chiến lược đầu tư rõ ràng. Còn đầu tư rồi, không đồng bộ với truyền tải thì không được", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu quan điểm.
Nhắc lại việc đã đưa ra cảnh báo thiếu điện từ vài năm trước, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh - đại biểu Quốc hội đoàn tỉnh Quảng Ninh cho rằng, nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phục hồi ở mức khoảng 6-7%, tình trạng thiếu điện sẽ còn diễn ra nhiều hơn chứ không phải chỉ như hiện nay.
Nói về nguyên nhân thiếu điện, ngành điện cho rằng, do nắng nóng dẫn đến tiêu thụ điện tăng vọt, nên phải cắt điện luân phiên để giảm tải. Thế nhưng, một thực tế khác được chỉ ra là trong những năm qua không có dự án nào lớn được đầu tư và nếu có thì cũng chậm triển khai.
Về vấn đề này, theo đại biểu Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Kinh tế đã có báo cáo và chỉ rõ những doanh nghiệp, dự án chậm phát triển nguồn điện do các tập đoàn năng lượng triển khai đầu tư, bao gồm EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp than-khoáng sản Việt Nam.
Đặt trong bối cảnh thực hiện Quy hoạch điện VIII, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhận định sẽ có nhiều bài toán đặt ra để bảo đảm cung ứng điện.
Nêu rõ thực trạng phát triển thủy điện, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, hiện nguồn thủy điện đã khai thác tới 80% công suất và gần như không còn dư địa phát triển.
Trong khi đó, việc phát triển nguồn nhiệt điện than phải được đặt trong mối quan hệ với những cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Vì vậy, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc ứng xử với điện than cũng là câu chuyện phải tính, đồng thời cho biết tới đây, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội sẽ thực hiện chuyên đề giám sát về năng lượng.
Cũng chia sẻ về vấn đề này, đại biểu Đỗ Thị Lan - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cho biết, dù Chính phủ đã có chủ trương phát triển điện tái tạo cùng với nhiệt điện than, khí, nhưng kế hoạch kết nối và sử dụng điện tái tạo còn chậm. Việc vận hành hệ thống nhiệt điện cũng chưa chủ động, chưa có chiến lược bảo đảm nguồn điện.
Từ thực tế này, đại biểu Đỗ Thị Lan nhấn mạnh phải triển khai đồng bộ và hiệu quả Quy hoạch điện VIII vừa được phê duyệt, đồng thời xây dựng chiến lược và kế hoạch cung ứng điện trong cả ngắn hạn và dài hạn.