Tập trung những sản phẩm chủ lực
Tân Phú Đông là huyện đảo của tỉnh Tiền Giang. Cây dừa, cây sả và thủy sản là những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương. Thời gian qua, địa phương xem việc phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, xây dựng sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu… là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp. Do đó, ngành nông nghiệp huyện Tân Phú Đông đã phối hợp Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang và xã Tân Thới (huyện Tân Phú Đông) triển khai xây dựng mã số vùng trồng đến các hộ trồng dừa trên địa bàn. Đến nay, 402ha/741 hộ được cấp mã số vùng trồng dừa nội địa.
Tôm nuôi theo công nghệ cao ở huyện Tân Phú Đông. |
Song song việc xây dựng mã số vùng trồng, huyện còn tích cực hướng dẫn nông dân tham gia xây dựng vùng trồng dừa hữu cơ. Theo đó, thời gian qua, Công ty cổ phần Công nghiệp thực phẩm Thabico Tiền Giang (huyện Chợ Gạo) đã tiến hành khảo sát, hướng dẫn, tập huấn cho nông dân trồng dừa của xã Tân Thới về quy trình canh tác dừa theo hướng hữu cơ.
Ngành nông nghiệp huyện Tân Phú Đông đã phối hợp Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang và xã Tân Thới (huyện Tân Phú Đông) triển khai xây dựng mã số vùng trồng đến các hộ trồng dừa trên địa bàn. Đến nay, 402ha/741 hộ được cấp mã số vùng trồng dừa nội địa.
Đơn vị đã tiến hành lấy 15 mẫu lá dừa trong diện tích 177ha/245 hộ gửi đến phòng xét nghiệm tại Hà Lan để xác định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn tồn dư trong lá dừa.
Kết quả kiểm tra cho thấy, tất cả các mẫu đều đạt theo yêu cầu dừa hữu cơ. Hiện nay, Công ty cổ phần Công nghiệp thực phẩm Thabico Tiền Giang đang hoàn thiện các thủ tục còn lại để cấp giấy chứng nhận vùng dừa hữu cơ tại ấp Tân Phú, Tân Quý và Tân Hưng của xã Tân Thới.
Mô hình trồng sả ở huyện Tân Phú Đông. |
Cùng với cây dừa, sả cũng là cây trồng chủ lực của huyện Tân Phú Đông. Theo thống kê, hiện toàn huyện có gần 4.000ha sả. Trong đó, xã Phú Thạnh, Phú Đông được xem là vùng trọng điểm của huyện để phát triển cây sả. Trên địa bàn các xã này có 2 hợp tác xã sản xuất cây sả.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện Tân Phú Đông cùng các ngành liên quan đã hỗ trợ, hướng dẫn các thành viên hợp tác xã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, 10ha được chứng nhận VietGAP.
Cùng với cây dừa và sả, nuôi trồng thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Tân Phú Đông. Toàn huyện có diện tích nuôi thủy sản gần 4.500ha; trong đó, diện tích thả nuôi hằng năm đạt khoảng hơn 7.400ha.
Nuôi tôm công nghệ cao ở huyện Tân Phú Đông. |
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông Nguyễn Văn Hải cho biết, từ năm 2022, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao đã phát triển và nhân rộng rất nhanh ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện. Đến cuối năm 2023, diện tích nuôi tôm công nghệ cao là hơn 174ha/67 hộ. Hiện nay, mô hình này tiếp tục được nhân rộng với diện tích hơn 181ha/80 hộ nuôi. Mô hình này đã giúp rút ngắn được thời gian nuôi. Ao nuôi nhỏ nên dễ quản lý các yếu tố môi trường, thức ăn, dịch bệnh; nuôi với mật độ cao... Năng suất dao động từ 30-50 tấn/ha, năng suất gấp nhiều lần so truyền thống.
Đầu tư theo hướng hiện đại, bền vững
Với những kết quả đạt được trong hoạt động sản xuất vừa qua, ngành nông nghiệp huyện Tân Phú Đông đang có sự chuyển hướng tích cực theo hướng hiện đại, bền vững.
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Tân Phú Đông vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất nằm ở khâu liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Cây sả được xem là cây xóa đói giảm nghèo ở huyện Tân Phú Đông. |
Theo đồng chí Nguyễn Văn Hải, để tháo gỡ những khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, đặc biệt là các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh. Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng quy trình VietGAP, hữu cơ, tham gia chương trình OCOP và phải duy trì, mở rộng vùng sản xuất. Một trong những giải pháp quan trọng là tập trung xây dựng mã số vùng trồng nội địa cho các sản phẩm chủ lực của huyện, từng bước nâng cấp mã số vùng trồng nội địa thành mã số vùng trồng xuất khẩu. Đặc biệt, huyện sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, kế hoạch liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Để nâng tầm các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, huyện Tân Phú Đông sẽ tập trung xây dựng thương hiệu thông qua đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP. Đồng thời, địa phương tiếp tục vận động, hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình; quản lý, theo dõi các sản phẩm đã được chứng nhận và hỗ trợ chủ thể thăng hạng khi bảo đảm đủ điều kiện. Đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản, địa phương sẽ duy trì và phát triển vùng nuôi thủy sản theo hình thức nuôi công nghệ cao, áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất thủy sản an toàn thực phẩm, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sống…
Cùng việc chuyển hướng trong sản xuất, hiện nay, huyện Tân Phú Đông đang tập trung đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, trên địa bàn huyện có 7 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang phê duyệt.
Đến nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông đã tham mưu Ủy ban nhân dân huyện Tân Phú Đông phê duyệt kế hoạch liên kết tiêu thụ heo ở xã Tân Thới và dự án liên kết tiêu thụ, chế biến cây sả ở xã Phú Thạnh.
Hiện tại, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp Phòng Tài chính-Kế hoạch thẩm tra dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ các loại nấm ăn ở xã Tân Thới và kế hoạch liên kết trồng, tiêu thụ dừa xiêm ở xã Tân Thạnh. Đối với 3 dự án còn lại, đơn vị tư vấn đang hoàn chỉnh đề cương.