Mặc dù ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng không cao trong toàn bộ nền kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh nhưng vẫn mang lại những kết quả tốt, thu nhập người nông dân ngày càng tăng nhờ ứng dụng có hiệu quả các nghiên cứu, kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất và kinh doanh nông nghiệp. Thành phố chuyển dịch sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao từ rất sớm, và xem mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng chủ đạo, tất yếu của ngành nông nghiệp.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh, để thực hiện mục tiêu trên, ngành nông nghiệp thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, phục vụ phát triển đô thị theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, giá trị gia tăng, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao và thân thiện với môi trường. Đây được xem là hướng đi phù hợp với điều kiện quỹ đất dành cho nông nghiệp ngày càng thu hẹp, cũng là hướng đi tất yếu để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững, nhất là khi ngành nông nghiệp thành phố đang xây dựng chuỗi sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực mang lại thu nhập cao cho nông dân.
Một nghiên cứu của Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ và cộng sự Tiến sĩ Đậu Thị Mai Liên, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố có bốn thế mạnh, tiềm năng và lợi thế so sánh trong lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể là gần nguồn nguyên liệu dồi dào phong phú, do có vị trí địa lý tiếp giáp với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là vùng sản xuất nông nghiệp hàng đầu của Việt Nam; là trung tâm kinh tế, tài chính, logistics khoa học-công nghệ, vừa là một thị trường tiêu thụ nông sản lớn, trung tâm kết nối của toàn vùng với thị trường quốc tế; có nền tảng sản xuất chế biến, chế tạo tương đối mạnh; có trình độ khoa học-công nghệ tương đối cao.
Dựa trên những lợi thế này, nhóm nghiên cứu đề xuất, thành phố cần có chiến lược toàn diện và cụ thể để thúc đẩy phát triển công đoạn “tiêu thụ” và “chế biến” trong chuỗi giá trị của sản phẩm nông nghiệp. Chính sách chiến lược và chương trình hành động phải phát huy được tiềm năng, lợi thế sẵn có; đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng khoa học-công nghệ cao vào toàn bộ chuỗi giá trị. Đó là, thành phố nên từng bước chuyển đổi nâng cấp chợ đầu mối Bình Điền thành trung tâm logistics đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm, đủ năng lực để thực hiện chức năng là sàn giao dịch nông sản với khối lượng giao dịch lớn.
Bên cạnh đó, thành phố cần thúc đẩy ngành chế biến nông sản theo hướng công nghiệp hóa, ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, đổi mới sáng tạo...
Theo Tiến sĩ Vũ Thị Quyền, Trưởng ngành Công nghệ sinh học, Khoa Công nghệ ứng dụng, Trường đại học Văn Lang, có thể nói ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp là bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản nhờ ứng dụng những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất. Đây là định hướng phát triển nhằm tăng lợi thế cạnh tranh cho ngành nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.
Về cơ bản, mặc dù đi sau nhưng Việt Nam đã khẳng định khả năng tiếp cận nhanh chóng các ứng dụng của công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Sẵn có tiềm lực về điều kiện tự nhiên và nguồn nhân lực cùng các chính sách tín dụng, nghiên cứu khoa học, kết nối giao thương với nước ngoài, ngành nông nghiệp của Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng ngày càng có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân và trong nền nông nghiệp thế giới. Phát triển nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao là xu hướng phát triển tất yếu trong hiện tại và tương lai. Phương thức này không những bảo đảm an ninh lương thực mà còn ảnh hưởng tích cực đến môi trường sinh thái và môi trường kinh tế-xã hội.
Các chuyên gia cho rằng, tuy nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh chỉ chiếm khoảng 1% GRDP nhưng lại đóng vai trò hết sức quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội của thành phố. Cho nên, trong bối cảnh đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, thành phố cần lập quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bố trí vị trí, diện tích xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao, cần quản lý sử dụng tối ưu đất nông nghiệp trong tương lai.
Trong đó, tiếp tục tập trung chuyển đổi đất trồng lúa, cây trồng hiệu quả thấp sang phát triển các loại cây trồng, vật nuôi theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đẩy nhanh tiến độ hướng dẫn việc xây dựng công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp đô thị và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cũng như khuyến khích người dân ký hợp đồng cho thuê hoặc góp đất với các hợp tác xã, doanh nghiệp.
Ngoài ra, thành phố cần tạo điều kiện để phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất mới có hiệu quả như: các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ trong và ngoài nước. Ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh chuyển đổi từ sản xuất theo hộ gia đình riêng lẻ sang mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn; có cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…