Tiền Giang ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt như nhà lưới, nhà màng, sử dụng hệ thống tưới tự động, tưới nhỏ giọt, tưới tự động kết hợp với bón phân trên các loại cây ăn trái được nhân rộng trong toàn tỉnh Tiền Giang thời gian qua, bước đầu hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân dùng máy bay phun thuốc cho vườn cây ăn trái tại xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Nông dân dùng máy bay phun thuốc cho vườn cây ăn trái tại xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Ông Châu Ngọc Hải ở xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang chia sẻ, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tại gia đình xuất phát từ việc muốn trồng dưa sạch để ăn với diện tích trồng ban đầu chỉ 800m2. Thấy năng suất cao, ít sâu bệnh, chi phí thấp nên ông Hải quyết định mở rộng diện tích lên 2.500m2 để cung ứng cho thị trường.

Ông Hải cho biết, mô hình này đã tiết kiệm 40% nước tưới so với phương pháp tưới truyền thống, kiểm soát được dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng. Dưa lưới thu hoạch tại mô hình đạt năng suất cao, đều, đẹp, tỷ lệ trái loại 1 (trọng lượng trái trung bình từ 1,2 kg trở lên) đạt hơn 90%.

Ông Hải khẳng định, trồng dưa lưới trong nhà màng mang lại hiệu quả kinh tế cao, chỉ 2 năm rưỡi là thu hồi vốn đầu tư xây dựng nhà màng. “Chi phí sản xuất trực tiếp dưa lưới khoảng 40.000 đồng/m2, bao gồm cây giống, dinh dưỡng, nước tưới, giá thể, công lao động… Lợi nhuận thu được từ 25.000 đến 40.000 đồng/m2 trong vòng 2,5 tháng. Với 4 vụ dưa/năm, mỗi mét vuông đất có thể cho lợi nhuận từ 100.000 đến 160.000 đồng.

Mô hình trồng dưa lưới hay các loại cây trồng trong nhà màng không đòi hỏi diện tích quá lớn, có thể tận dụng những khu đất diện tích nhỏ để canh tác mà vẫn đem lại hiệu quả kinh tế, thu nhập khá”, ông Hải chia sẻ.

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, hợp tác xã rau an toàn Tân Đông, xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang đã cải tiến công nghệ, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến vào trồng trọt để nâng cao chất lượng sản phẩm. Hợp tác xã áp dụng mô hình sản xuất rau trong nhà lưới, giúp nông dân hạn chế được các điều kiện bất lợi về thời tiết, hạn chế được dịch bệnh, côn trùng gây hại, giảm được hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng phân bón…

Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Rau an toàn Tân Đông Trần Văn Bương cho biết, sau thời gian triển khai hiệu quả, đã mở rộng thêm diện tích để đáp ứng nhu cầu của thị trường. “Mới đây, Hợp tác xã đã ký kết hợp đồng xuất khẩu rau sang thị trường Nhật Bản. Vì vậy, sản phẩm cần phải được bảo quản tốt, bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng cao. Được sự hỗ trợ của ngành chức năng, hợp tác xã đã đầu tư xây dựng nhà sơ chế với diện tích 300m2 và trang bị máy móc hiện đại, xây dựng kho lạnh bảo quản hàng hóa, đáp ứng các yêu cầu của đối tác”, ông Bương nói.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, kỹ thuật trồng rau tiên tiến như trồng thủy canh, trồng rau trong nhà lưới-nhà màng, sử dụng màng phủ nông nghiệp, tưới nước tự động, tưới nước tiết kiệm… đang được nông dân Tiền Giang áp dụng rộng rãi.

Theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 860 ha rau màu được trồng trong nhà lưới-nhà màng. Riêng diện tích trồng cây ăn trái áp dụng kỹ thuật cao trong chăm sóc, sử dụng phân hữu cơ, giữ cỏ trong vườn, công nghệ tưới tiết kiệm nước, hệ thống tưới phun mưa tự động, sử dụng các chế phẩm sinh học phòng trừ sâu hại, sản xuất theo GAP lên tới 50.200 ha.

Theo ông Mẫn, những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang sẽ tăng cường tuyên truyền về kết quả các đề tài, mô hình, dự án điển hình về nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn để người dân đẩy mạnh ứng dụng vào sản xuất phù hợp với năng lực tài chính và trình độ kỹ thuật của mình; xây dựng, hoàn thiện và triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, thu hút đầu tư và phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

“Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang còn đẩy mạnh ứng dụng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đối với giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hình thành vùng sản xuất công nghệ cao, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý, dự báo thiên tai dịch bệnh...; đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa trong quá trình nuôi, khai thác và thu hoạch sản phẩm; triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình, dự án ứng dụng công nghệ cao trên các sản phẩm chủ lực, tiềm năng của địa phương”, ông Nguyễn Văn Mẫn nói.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, dự án trồng lúa ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025 đã và đang được triển khai thực hiện, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như: sản xuất giống lúa chất lượng cao, ứng dụng mạ khay-máy cấy trong sản xuất lúa, sản xuất lúa chứng nhận GlobalGAP, tiết kiệm phân bón trong sản xuất lúa, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, sạ thưa, phân bón chậm tan, quản lý sâu bệnh bằng biện pháp sinh học IPM, triển khai mô hình trình diễn “Ứng dụng máy cấy/sạ kết hợp vùi phân bón ứng dụng công nghệ cao”… giúp năng suất bình quân tăng, giảm chi phí sản xuất, hạn chế ô nhiễm môi trường.