Nâng cao nhận thức về dinh dưỡng học đường
Ngày 30/11, sự kiện “Ngày hội Dinh dưỡng” dành cho học sinh đã diễn ra tại Trường trung học cơ sở Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Chương trình có nhiều trải nghiệm thú vị dành cho các bạn trẻ. Đó là triển lãm ảnh, gian trưng bày thông tin và các hoạt động tìm hiểu về thực phẩm an toàn và dinh dưỡng lành mạnh, đổi rác lấy cây xanh, tái chế rác thải nhựa thành chậu đựng cây,…
Học sinh tham gia “Ngày hội Dinh dưỡng” tại Trường trung học cơ sở Nam Trung Yên. (Ảnh NGÂN ANH) |
Em Gia Khánh, học sinh Trường trung học cơ sở Nam Trung Yên, chia sẻ cảm giác hào hứng và vui vẻ khi tham gia sự kiện. “Em và các bạn đã tự gom giấy vụn để đổi cây sen đá, rồi tự trang trí vỏ chai nhựa để trồng cây xanh. Đi một vòng để tham gia các trò chơi, đố vui, em đã học được không ít thông tin về thực phẩm an toàn, cách ăn uống hợp lý để bảo đảm dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày”, Khánh nói.
Cũng như Khánh, nhiều học sinh tại Trường trung học cơ sở Nam Trung Yên đã có dịp tìm hiểu những kiến thức lồng ghép về thực phẩm an toàn và dinh dưỡng học đường tại Ngày hội này.
Đây là một trong những hoạt động trong khuôn khổ dự án “Chương trình thí điểm thực phẩm bổ dưỡng và bền vững học đường” (gọi tắt là dự án “Thực phẩm bổ dưỡng học đường”) giai đoạn 2022-2024 tại Hà Nội tại hai trường trung học cơ sở Nam Trung Yên và Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Hoạt động này đánh dấu những nỗ lực đáng ghi nhận của dự án trong việc xây dựng môi trường thực phẩm an toàn, lành mạnh và bền vững tại trường học. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức về dinh dưỡng học đường cho học sinh, giáo viên, phụ huynh và nhân viên nhà bếp, hướng tới cải thiện thói quen ăn uống lành mạnh, bổ dưỡng của học sinh.
Chương trình do tổ chức Rikolto International và Trung tâm Phát triển sáng kiến cộng đồng và Môi trường (C&E) phối hợp thực hiện, với sự tài trợ của Tổng vụ Hợp tác phát triển và Viện trợ nhân đạo Bỉ (DGD).
Cải thiện chất lượng bữa ăn học đường
Các em học sinh Trường trung học cơ sở Yên Hòa với chương trình “Salad Healthy - Tết vô tư đi”, tháng 1/2024. (Ảnh: Dự án cung cấp) |
Tại Việt Nam, Rikolto đã đưa dự án “Thực phẩm bổ dưỡng học đường” (Good Food at School - GF@S) vào chương trình “Thực phẩm an lành cho thành phố” (Good Food for Cities - GF4C) trong giai đoạn 2022-2026.
GF4C là một trong những chương trình quan trọng của Rikolto nhằm cung cấp thực phẩm lành mạnh, bền vững và bổ dưỡng cho người dân đô thị trong khi giảm tác động tiêu cực tới môi trường, biến đổi khí hậu và mang lại lợi ích cho các nông hộ nhỏ - tác nhân trọng tâm trong hệ thống thực phẩm bền vững này.
Chương trình này cũng chú trọng tới thực phẩm bổ dưỡng học đường nhằm hỗ trợ các trường học và cộng đồng triển khai các hoạt động phù hợp để bảo đảm chế độ ăn vệ sinh, an toàn và lành mạnh từ nguồn thực phẩm được sản xuất một cách bền vững, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và giàu dinh dưỡng.
Bà Dương Thu Hằng, điều phối dự án “Thực phẩm bổ dưỡng học đường” của Rikolto, cho hay, dự án này đã được tổ chức này lên ý tưởng thực phẩm học đường và triển khai tại 11 quốc gia trên thế giới. Thực tế ở Việt Nam cho thấy, các bạn nhỏ thường được khuyến khích và cũng thích ăn nhiều thịt. Gia đình và bản thân các em chưa để ý nhiều tới thành phần rau củ trong thực phẩm cho bữa ăn hằng ngày của các em. Đồng thời, cũng có thể quan sát thấy, các hoạt động thể lực dành cho lứa tuổi học sinh chưa được như mong muốn. Do vậy, dự án bước đầu đã được triển khai tại hai trường ở Hà Nội.
Tại Việt Nam, một trong những kết quả chính của dự án “Thực phẩm bổ dưỡng học đường” là hơn 3.500 học sinh, giáo viên, cán bộ nhà trường và phụ huynh tại hai trường trung học cơ sở ở Hà Nội đã tăng cường thực hành về thực phẩm lành mạnh và bền vững thông qua dự án này.
Bà Hằng chia sẻ, qua gần 3 năm triển khai dự án, các thầy cô giáo và các em học sinh đã có nhiều ý tưởng sáng tạo để truyền tải các thông điệp về thực phẩm an toàn và dinh dưỡng an lành. Hy vọng, dự án sẽ góp phần thúc đẩy một môi trường thực phẩm bổ dưỡng và cung cấp những thông tin về dinh dưỡng đầy đủ mà không kém phần thú vị với các em học sinh.
Giám đốc C&E Bùi Thị Thanh Thủy cho biết, trước bối cảnh Việt Nam đối mặt với thách thức kép về dinh dưỡng - bao gồm tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi, thiếu vi chất dinh dưỡng và gia tăng thừa cân, béo phì ở trẻ em, dự án “Thực phẩm bổ dưỡng học đường” đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Trong giai đoạn 2022-2024, dự án đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
Trước hết là cải thiện các cơ chế triển khai và giám sát thực phẩm vệ sinh, an toàn và bổ dưỡng của các trường thí điểm.
Dự án đã thành lập một ban điều phối và hai nhóm nòng cốt từ năm 2022 và duy trì đến nay. Ban điều phối đưa ra phương hướng cho các hoạt động của dự án dựa trên chuyên môn và kinh nghiệm của các thành viên. Nhóm nòng cốt gồm các nhân viên y tế, tổng phụ trách, công ty cung cấp bữa ăn học đường, nhân viên bếp, phụ huynh học sinh và giáo viên.
Dự án đã xây dựng thực đơn 10 ngày cân bằng dinh dưỡng cho bữa ăn bán trú với sự hỗ trợ của PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung (Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia).
Qua nhiều giai đoạn, chuyên gia dinh dưỡng đã điều điều chỉnh để cân bằng các chất dinh dưỡng cần thiết cho lứa tuổi trung học cơ sở. Đồng thời, cải thiện cách nấu cho các em ăn ngon miệng, giảm bớt việc bỏ thừa rau, đáp ứng tiêu chí hợp lý với nguồn kinh phí và việc thực hiện tại bếp ăn của trường
Dự án cũng ra mắt bộ tài liệu tham khảo 5 cuốn sách cho học sinh về dinh dưỡng và thực phẩm lành mạnh, bền vững và bổ dưỡng tại học đường. Với nội dung phong phú và dễ hiểu, hình ảnh đẹp hấp dẫn, bộ tài liệu tập trung vào những nội dung như: Khám phá dinh dưỡng và sức khỏe của em, Nào cùng vào bếp, Giải mã thực phẩm chế biến, Bí mật đằng sau thực phẩm, Trở thành anh hùng thực phẩm. Cùng với đó là bộ tài liệu cho giáo viên để làm công cụ giảng dạy.
Nội dung giáo dục dinh dưỡng cũng được đưa vào bài giảng cho học sinh. Chỉ trong sáu tháng từ cuối năm 2023 và đến giữa năm 2024, 42 tiết học đã được tổ chức cho hơn 1.000 học sinh tham gia. Cùng với đó, 6 câu lạc bộ thực phẩm cho học sinh tại các lớp học đã ra đời. Đồng thời, dự án tổ chức các cuộc thi, chương trình với quy mô toàn trường theo các chủ đề về thực phẩm và dinh dưỡng
Bà Thủy cũng nhấn mạnh, điểm thuận lợi là các hoạt động trong dự án được thực hiện phù hợp với định hướng của Chính phủ về sức khỏe học đường. Các cá nhân và đơn vị tham gia dự án mong muốn được mở rộng và triển khai các hoạt động tương tự về thực phẩm và dinh dưỡng tại các trường, đặc biệt là phần giảng dạy dinh dưỡng, hình thành thói quen ăn uống lành mạnh và thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho học sinh.
Tuy nhiên, do kinh phí bữa ăn của học sinh trung học cơ sở công lập chỉ ở mức 35.000 đồng/bữa, nên việc xây dựng bữa ăn cân bằng dinh dưỡng, an toàn lành mạnh, đáp ứng nhu cầu của học sinh rất khó khăn. Dự án cùng chuyên gia dinh dưỡng và hai trường đã phải dành nhiều thời gian, công sức để có được một thực đơn ngon miệng, bảo đảm dinh dưỡng, năng lượng cho học sinh cũng như đáp ứng khả năng cung cấp của cơ sở nấu ăn.
Từ thực tế trên, các bên đã đồng ý mở rộng thí điểm giai đoạn 2 từ năm 2025-2026. Sẽ có thêm hai trường trung học cơ sở Mai Dịch và Nghĩa Tân tham gia dự án, nguồn thông tin sẽ được chia sẻ tới 11 trường trung học cơ sở ở quận Cầu Giấy. Dự kiến, giai đoạn 2 sẽ thực hiện vào tháng 3 năm sau.