Cần ưu tiên hơn nữa cho dinh dưỡng học đường

Để cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em lứa tuổi học đường cần có sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường từ việc xây dựng bữa ăn đến giáo dục dinh dưỡng...; giúp trẻ hình thành thói quen ăn uống khoa học, lành mạnh, có nếp sống năng động.
0:00 / 0:00
0:00
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo mô hình bữa ăn học đường cần được duy trì và nhân rộng.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo mô hình bữa ăn học đường cần được duy trì và nhân rộng.

Theo PGS, TS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề (Viện Dinh dưỡng), giai đoạn tiền học đường và học đường là giai đoạn quan trọng đối với sự phát triển thể chất, trí lực và tầm vóc của trẻ và nguy cơ bệnh tật khi trưởng thành.

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng 2011-2020, tình trạng dinh dưỡng của trẻ em lứa tuổi tiền học đường và học đường đã được cải thiện, giảm suy dinh dưỡng thấp còi đã góp phần cải thiện chiều cao của thanh niên Việt Nam.

Trong thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng trong cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em, hầu hết các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra:

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn quốc đã giảm từ 29,3% năm 2010 xuống còn 19,6% năm 2020 (mức dưới 20% được xếp vào mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới).

Trong giai đoạn tới Việt Nam vẫn phải tiếp tục đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng khi tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi vẫn còn cao ở khu vực miền núi, cao nguyên… và vấn đề thừa cân, béo phì tăng nhanh ở cả khu vực nông thôn và thành thị.

Sau 10 năm tỷ lệ thừa cân, béo phì của trẻ em 5-19 tuổi đã tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020. Kết quả điều tra trên 5.028 học sinh tại 75 trường học ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Nghệ An, Sóc Trăng năm 2017-2018 cho thấy gánh nặng kép về dinh dưỡng của học sinh đã nghiêng về phía thừa cân, béo phì nhiều hơn suy dinh dưỡng.

Các nghiên cứu về tình trạng dinh dưỡng của trẻ em lứa tuổi học đường ở Việt Nam và các nước trong khu vực cho thấy gánh nặng kép về dinh dưỡng của trẻ em lứa tuổi tiền học đường và học đường đang có xu hướng nghiêng về thừa cân, béo phì ở cả khu vực nông thôn và thành thị.

Trong khi đó ở khu vực miền núi và cao nguyên gánh nặng kép về dinh dưỡng có xu hướng nghiêng về suy dinh dưỡng thấp còi nhiều hơn. Đây là một trong những thách thức về dinh dưỡng và sức khỏe học đường trong giai đoạn tới cần phải tiếp tục xây dựng các giải pháp về dinh dưỡng ở tại nhà trường và gia đình.

Đẩy mạnh các hoạt động dinh dưỡng học đường là nhiệm vụ quan trọng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, gia đình, nhà trường và xã hội góp phần vào sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ cho trẻ em, học sinh, sinh viên.

Trên cơ sở kết quả triển khai các hoạt động dinh dưỡng học đường, các chuyên gia đã đưa ra các đề xuất cho giai đoạn tới.

Theo đó, các bộ, ngành liên quan cần tham mưu Chính phủ ban hành chương trình sức khỏe học đường, trong đó có việc xây dựng tiêu chuẩn bữa ăn học đường; các hướng dẫn về tổ chức, quản lý, giám sát chương trình bữa ăn học đường; các chính sách, quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục và trường học; nhân lực chế biến thức ăn…

Triển khai thí điểm mô hình bữa ăn học đường từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn trên cơ sở đó rút kinh nghiệm và đề xuất chính sách dinh dưỡng học đường phù hợp với từng địa phương.

Bên cạnh đó, cũng cần có chương trình giáo dục dinh dưỡng học đường cho tất cả các cấp học để giúp trẻ nhận thức về tầm quan trọng của dinh dưỡng hợp lý và giáo dục dinh dưỡng đối với sự phát triển thể chất và trí tuệ trẻ em cũng như giúp phòng chống thiếu và thừa dinh dưỡng.

Mặt khác cần xây dựng về tiêu chuẩn thực phẩm bán ở căng-tin trường học; xây dựng và triển khai mạng lưới giám sát quốc gia về tình trạng dinh dưỡng học đường; xây dựng và triển khai chương trình can thiệp phòng chống và kiểm soát thừa cân, béo phì cho trẻ em cho tất cả các cấp học; đưa chỉ tiêu giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì thành chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, chỉ tiêu thi đua của các cơ sở giáo dục và trường học.

Giải pháp phòng chống và kiểm soát thừa cân, béo phì cần được thực hiện đồng bộ các yếu tố: bữa ăn học đường, giáo dục dinh dưỡng, tăng cường giáo dục thể chất trong nhà trường và ở gia đình, quản lý căng-tin trường học, phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong phòng chống và kiểm soát thừa cân, béo phì.

Để giải quyết tốt hơn các vấn đề về dinh dưỡng học đường cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường, từ giúp trẻ thay đổi nhận thức và thực hành dinh dưỡng, ăn đúng ăn đủ theo tháp dinh dưỡng hợp lý, nhận biết thực phẩm lành mạnh và không lành mạnh, thực phẩm an toàn và không an toàn, biết cách đọc nhãn mác thực phẩm…