Nâng cao dinh dưỡng, thể lực từ học đường: Cần được quan tâm xứng đáng

NDO -

Thực tế, chiều cao người Việt thấp hơn chuẩn quốc tế và tăng rất ít so với yêu cầu đặt ra trong thời gian vừa qua. Tập trung nâng cao dinh dưỡng và thể chất cho trẻ em từ các cấp học đầu đời sẽ rất có lợi cho sự phát triển thể lực, tầm vóc của các em - lứa tuổitrong “giai đoạn vàng” về phát triển thể chất.

Ảnh minh họa: Thủy Nguyên.
Ảnh minh họa: Thủy Nguyên.

Chú trọng “giai đoạn vàng” để nâng cao thể lực cho học sinh

Nâng cao chất lượng dinh dưỡng, cũng như phát triển thể lực thông qua rèn luyện ở trong nhà trường sẽ quyết định cho sự phát triển của cả một thế hệ trẻ trong tương lai của đất nước. Nếu học sinh có thể lực tốt, được chú trọng dinh dưỡng trong thời gian này, sẽ tạo điều kiện để các em tiếp nhận các tri thức ở nhà trường tốt hơn. 

Theo TS Trần Hiếu, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Thể dục Thể thao, vấn đề rèn luyện sức khỏe, luyện tập thể dục thể thao đặc biệt quan trọng với lứa tuổi học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường. Đây được coi là “giai đoạn vàng” trong phát triển, với đặc điểm của lứa tuổi, giới tính và thể chất, giai đoạn này phát triển mạnh về hệ vận động, chiều cao... Tập trung nâng cao thể chất từ các cấp học đầu đời, sẽ rất có lợi cho sự phát triển thể lực, tầm vóc của trẻ.

Đây là thông tin được ông Hiếu chia sẻ tại tọa đàm “Nâng cao thể lực, tầm vóc cho thế hệ tương lai” do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức.

Theo nghiên cứu, các vận động nhẹ nhàng như đi lại... không đủ để các hệ cơ xương của trẻ phát triển đạt thông số cần thiết. Trẻ cần chơi thể thao hơn ba lần một tuần mới hình thành thói quen và đạt hiệu quả tốt. Do nhu cầu về vận động và dinh dưỡng của trẻ em đòi hỏi cao như vậy, cần giáo dục cho các em về nhận thức, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc rèn luyện thể thao hằng ngày, để nâng cao ý thức tự tập luyện thường xuyên.

Tiếp theo, cần phải định hướng và tạo ra môi trường lành mạnh, có các phương tiện và loại hình tập luyện đa dạng phù hợp đặc điểm lứa tuổi, giới tính thu hút học sinh tích cực tham gia. Có như vậy, các em mới có cơ thể phát triển khoẻ mạnh và đáp ứng được yêu cầu xã hội, đặc biệt là trong tình hình mới, khi con người cần có sức khoẻ trên nền tảng trí tuệ thông minh.

Chú trọng cải thiện tầm vóc, thể lực người Việt

Cải thiện tầm vóc, thể lực người Việt Nam luôn là một trong những ưu tiên chính sách tiêu được Đảng và Nhà nước quan tâm ưu tiên trong những năm qua.

Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 (gọi tắt là Đề án 641). Hội nghị Trung ương 6, khóa XII đã ban hành các nghị quyết về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân cũng như công tác dân số trong tình hình mới, nhấn mạnh việc tập trung nâng cao thể lực, tầm vóc cho người Việt Nam.

Gần đây nhất, năm 2019, Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018 - 2025” (gọi tắt là Đề án 41)…

* Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia cho thấy, những nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển tầm vóc và thể lực con người có: dinh dưỡng chiếm 31%, thể dục, thể thao chiếm 20%.

TS Đàm Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Thông tin Thể dục thể thao (Tổng cục Thể dục Thể thao) cho hay, về dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) sau 12 năm mới thay đổi một lần tháp dinh dưỡng, chủ yếu tập trung vào học sinh bán trú và mầm non. Các trường học cho học sinh ăn theo tháp dinh dưỡng, nhưng thiếu hướng dẫn các con về tập luyện thể dục thể thao, hay đúng hơn là rất ít. 81 quốc gia và vùng lãnh thổ dạy giáo dục thể chất nguyên ngày, hoặc nguyên buổi. Còn nước ta chỉ dừng lại ở 45 phút. Sự kỳ vọng dùng thể dục, thể thao tác động đến phát triển thể chất, thể lực sẽ không ổn nếu vẫn duy trì cách làm cũ. Nếu tăng 2-4 giờ học một tuần với cấu trúc 45 phút/ tiết học, thì không có tác động nào đáng kể.

Thực tế, chiều cao người Việt thấp hơn chuẩn quốc tế và tăng rất ít so với yêu cầu đặt ra.

TS. Đàm Quốc Chính cho biết thêm, trong khu vực Đông Nam Á, chiều cao của chúng ta chỉ hơn Lào và Myanmar, thua Indonesia, Philippines, Singapore, Thái Lan… Đây là một thực trạng đáng báo động. Chiều cao người Việt thấp hơn chuẩn quốc tế và tăng rất ít so với yêu cầu đặt ra, đây là hệ quả của việc mất cân bằng dinh dưỡng.

Riêng đối với lứa tuổi học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, việc giáo dục thể chất cho các em phải đúng cách, đúng thời điểm. Thí dụ, thời điểm vàng thì sẽ tác động vào sụn, xương, cơ…

Bên cạnh đó, tập luyện thể lực phải đúng cách. Phong trào thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ trong nhà trường, thí điểm tại tám tỉnh thành phố đã được khôi phục lại. Phong trào phòng, chống đuối nước cũng được lồng ghép thêm vào Đề án 641.

TS Đàm Quốc Chính cũng nhấn mạnh, nếu giữ mãi tư duy “Do không đủ ăn dẫn đến thấp còi” là hoàn toàn sai. Vì hiện nay, quan trọng là nhận thức và chỉ dẫn khoa học về sử dụng dinh dưỡng, vệ sinh học đường, tập luyện thể dục thể thao đúng cách, đúng thời điểm sẽ giúp gia tăng về thể lực tầm vóc cho học sinh, ngoài những yếu tố về di truyền.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhận định, Đề án 41 đặt mục tiêu rõ ràng: đến năm 2025, ít nhất 90% cơ sở giáo dục tổ chức bữa ăn bán trú cung cấp bữa ăn tại trường học đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng theo quy định. 100% cơ sở giáo dục thực hiện đầy đủ các các quy định về hoạt động thể lực thông qua các hoạt động chính khóa và ngoại khóa.

Sau hơn một năm triển khai Đề án 41, nhận thức, trách nhiệm của các cấp quản lý giáo dục trong việc xây dựng và chỉ đạo thực thi chính sách; hiểu biết và thực hành của giáo viên, học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh về dinh dưỡng hợp lý, tăng cường hoạt động thể lực đã được nâng lên.

Tuy nhiên, để triển khai Đề án này thành công hơn, không chỉ cần sự quyết tâm của một số bộ, ngành, mà cần sự đồng hành của nhà trường, gia đình và toàn xã hội, giúp hình thành một thế hệ người Việt khỏe mạnh, nâng cao tầm vóc.

* Từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam chỉ tăng thêm được 3cm, thấp hơn chuẩn quốc tế khoảng 10cm và thấp hơn chiều cao trung bình cùng nhóm tuổi của đa số các nước trong khu vực châu Á.

Nếu so với các nước trong khu vực Đông - Nam Á, chiều cao của người Việt chỉ hơn Lào và Campuchia