Hưng Yên tiếp tục đẩy mạnh nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công

Trong những năm qua, công tác tổ chức thực hiện nâng cao Chỉ số PAPI đã được cả hệ thống chính trị của tỉnh Hưng Yên triển khai đồng bộ, với nhiều giải pháp mang tính đột phá, hướng tới phục vụ nhân dân đã góp phần tăng cường lòng tin và sự hài lòng của người dân đối với cơ quan hành chính các cấp.
0:00 / 0:00
0:00
 Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Hưng Yên hoạt động phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh Hưng Yên trong phát triển kinh tế, xã hội, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Hưng Yên hoạt động phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh Hưng Yên trong phát triển kinh tế, xã hội, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hưng Yên Nguyễn Thị Thiều Hương cho biết: Hằng năm, trên cơ sở kết quả Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của tỉnh những năm trước, UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, phân tích kết quả thực hiện theo các trục nội dung của chỉ số, từ đó xác định rõ những mặt đã làm được, những mặt còn hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong triển khai nhiệm vụ được giao; tổ chức các hội nghị chuyên để tìm giải pháp cải thiện chỉ số; ban hành và triển khai Kế hoạch nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Hưng Yên, các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân hiểu về Chỉ số PAPI; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại. Từ đó, tạo sự thay đổi nhận thức về hành chính công, tạo được mối quan hệ mật thiết giữa chính quyền và người dân, dần đưa Hưng Yên vào nhóm tỉnh, thành phố có điểm số cao nhất cả nước.

Năm 2023, tỉnh Hưng Yên xếp thứ 12/63 tỉnh/thành phố. Trong đó, có những chỉ số xếp thứ hạng cao: Thủ tục hành chính công đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; tham gia của người dân ở cơ sở đứng thứ 7; trách nhiệm giải trình với người dân đứng thứ 12; công khai minh bạch đứng thứ 13; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đứng thứ 15.... Những kết quả trên đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp; cải thiện rõ rệt mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh.

Việc cải thiện chỉ số PAPI đã tác động tích cực đến hoạt động phục vụ người dân, doanh nghiệp, tạo ra một môi trường quản lý công bền vững, minh bạch hơn và phục vụ người dân tốt hơn, giúp tăng cường lòng tin và sự hài lòng của người dân đối với cơ quan hành chính các cấp

Điển hình, việc đẩy mạnh việc công bố thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiện thời của địa phương trên các phương tiện truyền thông đã góp phần làm cho tỷ lệ người trả lời được biết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiện thời của địa phương năm 2023 tăng 7,7% so với năm 2022, mang lại sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Hưng Yên tiếp tục đẩy mạnh nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công ảnh 1

Bảo hiểm xã hội tỉnh Hưng Yên phục vụ nhân dân tại Trung tâm hành chính công tỉnh Hưng Yên.

Tuy Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh của tỉnh Hưng Yên luôn xếp trong nhóm các tỉnh, thành phố có điểm cao, nhưng vấn đề môi trường trên địa bàn tỉnh Hưng Yên vẫn còn nhiều bất cập, tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất công nghiệp, làng nghề, lượng rác thải ùn ứ tại các điểm tập kết và trong khu dân cư; nhất là nguồn nước trên hệ thống các sông, hồ bị ô nhiễm ảnh hưởng đến việc phục vụ tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân sống dọc theo tuyến sông; tình trạng đổ, đốt rác gây ô nhiễm môi trường chưa được ngăn chặn triệt để; việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình chưa đạt so với yêu cầu.

Tỷ lệ người dân sử dụng cổng thông tin và dịch vụ công điện tử trên địa bàn còn rất thấp do cổng thông tin điện tử có giao diện chưa thân thiện với người dùng khiến cho người dân khó tiếp cận và sử dụng.

Bên cạnh đó, còn có tâm lý và thói quen của tổ chức, công dân khi làm việc với cơ quan nhà nước, lo ngại về sự không thuận tiện và mất an toàn thông tin khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến nên tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 còn còn chưa cao.

Để tiếp tục duy trì, giữ vững, cải thiện thứ hạng Chỉ số PAPI trong những năm tiếp theo, các cấp, các ngành của tỉnh Hưng Yên đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công: Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức về cải cách hành chính và các nội dung của PAPI, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước.

Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trách nhiệm giải trình, đối thoại với người dân; tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tham gia đối thoại tại cấp cơ sở và tham gia đóng góp ý kiến về các vấn đề bức xúc của người dân. Chú trọng các nội dung về công khai danh sách hộ nghèo, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, khung giá đền bù, về thu, chi ngân sách địa phương và các nội dung về chế độ chính sách cho người dân. Kịp thời giải quyết các kiến nghị của người dân bảo đảm đúng quy định pháp luật, tránh khiếu nại vượt cấp, kéo dài.

Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; các quy định của Luật Tiếp cận thông tin; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân ... Tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại cộng đồng dân cư, bảo đảm người dân hiểu biết và thực hiện được các quy định pháp luật liên quan đời sống; nâng cao ý thức về quyền lợi, nghĩa vụ trong việc tham gia vào đời sống chính trị tại cơ sở, cùng tham gia vào phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan hành chính nhà nước.

Tăng cường việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, Hệ thống phần mềm một cửa điện tử cấp huyện, cấp xã và dịch vụ bưu chính công ích. Chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ, trao đổi văn bản trên môi trường mạng.

Tổ chức thực hiện tốt việc kiểm soát nguồn ô nhiễm; quản lý các nguồn xả thải trên địa bàn theo phân cấp; theo dõi, giám sát, cảnh báo, quản lý chất lượng và chất thải môi trường trên địa bàn theo thẩm quyền được giao; xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Nâng cấp trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị bảo đảm giao diện trực quan, sinh động để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm thông tin; chuyên mục về chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt và các thông tin khác theo quy định được đăng tải kịp thời và cập nhật đầy đủ.