Hưng Yên đầu tư mạnh cho đào tạo nghề

Tỉnh Hưng Yên đang trong quá trình phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đến nay, tỉnh đã tiếp nhận hơn 2.200 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 325 nghìn tỷ đồng và hơn bảy tỷ USD. Do vậy, tỉnh luôn quan tâm, đầu tư vào lĩnh vực đào tạo nghề, nhất là những lĩnh vực đòi hỏi tay nghề cao để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Giờ thực hành của sinh viên Trường cao đẳng Cơ điện và Thủy lợi Hưng Yên.
Giờ thực hành của sinh viên Trường cao đẳng Cơ điện và Thủy lợi Hưng Yên.

Chia sẻ về công tác đào tạo nghề, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và giới thiệu việc làm Trường cao đẳng Cơ điện và Thủy lợi Đào Thị Chung cho biết: Hiện nay, tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” đang ngày càng phổ biến. Nhiều sinh viên ra trường không có việc làm, hoặc làm không đúng ngành nghề, trong khi các công ty, doanh nghiệp lại cần lao động lành nghề. Đây chính là yếu tố thu hút học sinh đăng ký vào các trường nghề tăng nhanh trong những năm qua. Mỗi năm, trường tuyển sinh hơn 1.000 chỉ tiêu hệ trung cấp và cao đẳng. Qua khảo sát, có gần 100% số sinh viên tốt nghiệp ra trường tìm được việc làm tại các đơn vị, cơ sở sản xuất và doanh nghiệp, trong đó đa số sinh viên tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hưng Yên, tỉnh hiện có 26 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo các cấp trình độ: cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, ngắn hạn, với khoảng 60 ngành, nghề. Cơ cấu ngành, nghề đa dạng bao gồm các lĩnh vực: Công nghiệp, nông nghiệp, thương mại và dịch vụ. Trong các ngành, nghề đang đào tạo, có 23 lượt ngành, nghề được lựa chọn là trọng điểm tại sáu trường cao đẳng (một nghề trọng điểm cấp độ quốc tế; hai nghề trọng điểm cấp độ Asean; 20 lượt ngành, nghề trọng điểm cấp độ quốc gia), như: Điện công nghiệp; điện tử công nghiệp; may thời trang; công nghệ ô-tô; chăn nuôi-thú y… Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu thực tế; chủ động dự báo, cập nhật dữ liệu về lao động qua đào tạo nghề theo từng lĩnh vực, trình độ, làm căn cứ xây dựng kế hoạch tuyển sinh học nghề phù hợp xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động, quá trình phát triển kinh tế-xã hội; nhờ đó, số người học nghề hằng năm tăng nhanh, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề. Năm 2023, tỉnh Hưng Yên tuyển sinh được 62.750 người, hơn 92% số học viên qua đào tạo có việc làm.

Nhằm đáp ứng yêu cầu về lao động qua đào tạo phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế, Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn. Trên cơ sở đó, Hội đồng nhân dân tỉnh đã kiến nghị, đề xuất các cơ quan chức năng: Xây dựng kế hoạch triển khai kịp thời Kế hoạch số 213-KH/TU ngày 1/8/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên về thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó, chú trọng các giải pháp nhằm hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra. Năm 2024, trình Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên ban hành Nghị quyết về phát triển giáo dục nghề nghiệp tỉnh Hưng Yên để cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu về giáo dục nghề nghiệp của Trung ương, của Tỉnh ủy. Chỉ đạo rà soát, nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh trong thu hút người lao động tham gia học nghề để trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành. Theo đó, từ nay đến năm 2026 nghiên cứu ban hành chính sách đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nâng cấp, thành lập Trường đại học Hưng Yên; chính sách hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đối với người dân có hộ khẩu thường trú tại tỉnh có nguyện vọng học nghề tại các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các nhóm lao động đặc thù như: thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công dân, lao động ở khu vực nông thôn, người khuyết tật, lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng yếu thế trong xã hội; chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, nhà đầu tư thành lập và tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Tỉnh tiếp tục cơ cấu lại và hoàn thiện mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; áp dụng đồng bộ và hiệu quả giải pháp thu hút đầu tư, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển sản xuất, mở rộng kinh doanh trên địa bàn, từ đó góp phần giải quyết việc làm, tạo thêm việc làm cho người lao động; tập trung nguồn kinh phí đầu tư để hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục nghề nghiệp theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa, hiện đại hóa; xem xét nâng tỷ lệ chi cho giáo dục nghề nghiệp trong tổng chi từ ngân sách địa phương; bố trí đủ kinh phí thực hiện hiệu quả Đề án bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội để vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2023-2026; dành nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho Trung tâm Dịch vụ việc làm; ưu tiên đầu tư đồng bộ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có ngành, nghề trọng điểm, kỹ thuật cao; ngành, nghề đào tạo mới, kỹ năng tương lai; ngành nghề đào tạo đặc thù.

Cùng với đó, tỉnh thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm; tăng cường liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín, nhất là đối với các ngành nghề gắn với định hướng phát triển kinh tế của tỉnh, các ngành, lĩnh vực phù hợp xu thế hội nhập; chỉ đạo tăng cường kiểm tra việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm của ủy ban nhân dân cấp huyện. Trước mắt, tỉnh yêu cầu ủy ban nhân dân cấp huyện phải bố trí kinh phí hằng năm cho thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm đúng chỉ đạo tại Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 26/4/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên ■