Diện mạo mới ở nông thôn
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên Lê Trung Cần cho biết: nhân dân tham gia tích cực vào các nội dung xây dựng nông thôn mới; đóng góp ngày công, hiến đất, ủng hộ kinh phí làm đường giao thông... không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước. Năm 2020, tỉnh Hưng Yên hoàn thành xây dựng nông thôn mới; đến năm 2024, tỉnh Hưng Yên có 102 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, đạt tỷ lệ 73,4%, có 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt tỷ lệ 26%. Huyện Văn Giang và Phù Cừ đang phấn đấu năm 2024 được công nhận huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên khóa XIX về Chương trình thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, cấp ủy đảng và chính quyền các cấp ở tỉnh Hưng Yên đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Năm 2023: Toàn tỉnh Hưng Yên đã huy động được hơn 11 nghìn tỷ đồng để tiếp tục đầu tư nâng cao nhiều tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Các tổ chức chính trị, xã hội đã vận động nhân dân đóng góp ủng hộ được hơn 55 nghìn ngày công lao động, hiến hơn 76 nghìn m² đất để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Các địa phương đã thực hiện cải tạo, sửa chữa, nâng cấp và làm mới được khoảng 190 km đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. Đoàn thanh niên gắn biển, duy trì gần 200 tuyến đường thanh niên tự quản sáng - xanh - sạch - đẹp; duy trì 83 đội hình Thanh niên tình nguyện tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng văn minh đô thị, làm đẹp cảnh quan khu vực dân cư. Toàn tỉnh Hưng Yên có trên 2.000 tuyến/đoạn/đường hoa với tổng chiều dài gần 600 km; các hộ gia đình tiếp tục chỉnh trang nhà cửa, cải tạo vườn, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp.
Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng phát triển sôi nổi trong cộng đồng dân cư; thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; tư tưởng đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân có chuyển biến tích cực; các điển hình, mô hình tiêu biểu trong thực hiện phong trào xuất hiện ngày càng nhiều. Ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa ngày càng tự giác, tự nguyện; nhiều lối sống, nếp sống văn hóa truyền thống, tập quán tốt đẹp được giữ gìn và phát huy.
Tỉnh Hưng Yên hiện có 1.560 câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật và đội văn nghệ quần chúng. Hàng năm, có hơn 300 hoạt động văn hóa, nghệ thuật, gia đình cấp tỉnh, gần 400 hoạt động văn hóa văn nghệ, gia đình cấp huyện, hơn 3.000 hoạt động văn hóa văn nghệ cấp xã, hơn 15.000 hoạt động văn hóa văn nghệ ở thôn, tổ dân phố được tổ chức thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Toàn tỉnh có 34% dân số tham gia vào các hoạt động tập luyện thể thao thường xuyên. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa tiếp tục được duy trì và nâng cao chất lượng.
Nông thôn Hưng Yên ngày càng phong quang, sạch, đẹp. |
Đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp cơ sở giáo dục luôn được quan tâm, các nhà trường đều có sân chơi, bãi tập và các hoạt động rèn luyện thể lực, kỹ năng, sức bền cho học sinh. Toàn tỉnh có 397 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 76,94%; có 100% các huyện, thị xã, thành phố đã đạt chuẩn về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đạt chuẩn mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS đạt chuẩn mức độ 2, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học phổ thông trung học, bổ túc trung học phổ thông và học nghề đạt 99,14%. Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo trên 60%. Có nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về giáo dục, như: xã Cửu Cao, xã Hưng Long huyện Văn Giang; xã Chỉ đạo, huyện Văn Lâm; xã Nghĩa Hiệp, xã Liêu Xá huyện Yên Mỹ…
Sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi, giá trị tăng cao và hiệu quả
Thực hiện Nghị quyết số 09 – NQ/TU, các cấp ủy đảng và chính quyền các cấp ở tỉnh Hưng Yên đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động và đã ban hành 52 đề án, dự án, kế hoạch, cơ chế, chính sách, nhiệm vụ hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản... theo chuỗi giá trị.
Ngành trồng trọt chuyển sang sản xuất theo hướng chất lượng cao; đến nay, đã có hơn 3.100 ha cây rau, củ, quả sản xuất theo quy trình VietGap và sản xuất hữu cơ; đã chuyển hàng nghìn ha đất trồng cây hiệu quả thấp sang trồng cây lâu năm, cây hàng năm kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản có giá trị cao; nâng tổng số diện tích đã chuyển đổi lên 19 nghìn ha, đưa diện tích nhiều loại cây trồng có giá trị thu nhập cao tăng nhanh, nhất là: cây nhãn đạt khoảng 5000 ha, vải hơn 1.100 ha, cây có múi hơn 4.600 ha; diện tích lúa hàng hóa chất lượng cao đạt 70,1%. Nhiều mô hình sản xuất rau, quả, cây dược liệu... cho thu nhập cao gấp 3-5 lần so với sản xuất lúa; giá trị sản xuất trên một ha canh tác năm 2023 đạt 238 triệu đồng.
Lễ hội dân gian Phố Hiến, thành phố Hưng Yên |
Ngành chăn nuôi, thủy sản từng bước chuyển sang chăn nuôi an toàn sinh học, tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thủy sản chiến tỷ lệ ngày càng cao, hơn 52% trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Trong đó, nuôi thủy sản chuyển dần từ nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình sang hình thức nuôi theo tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp. Phát triển công nghệ “nuôi cá sông trong ao nước tĩnh”, “nuôi lồng bè trên sông” và “nuôi thủy sản trong ao bán nổi” với các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao.
Tỉnh Hưng Yên đẩy mạnh và khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Tỉnh Hưng Yên đã xây dựng được khoảng 180 mô hình cánh đồng sản xuất tập trung, quy mô lớn với tổng diện tích hơn 3.790 ha... Hàng năm tỉnh Hưng Yên bố trí hàng chục tỷ đồng để trình diễn, khảo nghiệm, chọn tạo nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và dịch bệnh đưa vào sản xuất như: giống lúa Nếp thơm Hưng Yên; giống vải trứng và vải lai chín sớm Hưng Yên; công nghệ nuôi cấy mô giống hoa các loại; giống gà Đông Tảo, gà Đông Tảo lai; giống bò lai Laisind; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thụ tinh nhân tạo giống bò, giống gà Đông Tảo; ứng dụng công nghệ tưới phun nhỏ giọt tự động, tưới tiết kiệm nước, sản xuất nhà lưới, nhà màng,...; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về mạ khay, máy cấy phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp.
Về tổ chức sản xuất, tỉnh Hưng Yên có 390 hợp tác xã nông nghiệp và 556 tổ hợp tác nông nghiệp đang hoạt động. Các hợp tác xã và tổ hợp tác có vai trò quan trọng thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm; thực hiện Đề án “Duy trì và phát triển hệ thống thông tin điện tử HY.check.net.vn” truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông lâm sản và thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm. Đến nay, tỉnh Hưng Yên có 252 sản phẩm OCOP, trong đó có 206 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 46 sản phẩm đạt hạng 4 sao. Hệ thống truy xuất nguồn gốc đã đăng tải thông tin của 379 cơ sở, với 900 sản phẩm nông lâm thủy sản; giúp xây dựng cơ sở dữ liệu của các đơn vị tham gia, nhằm cung cấp các thông tin chính xác nhanh nhất, tạo niềm tin với người tiêu dùng.
Các hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia tích cực hoạt động giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa, tăng cường cung cấp thông tin thị trường và xúc tiến thương mại để kết nối cung cầu, gắn sản xuất với lưu thông, tiêu thụ hàng hóa; mở rộng hình thức quảng bá nông sản thông qua các trang mạng xã hội như facebook, zalo, google ads…
Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi, giá trị tăng cao và hiệu quả ở tỉnh Hưng Yên đã góp phần nâng giá trị thu được trên 1 ha canh tác đạt 238 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 68 triệu đồng/người,tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 0,86%. Nhiều xã có tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2023 thấp, như: Tân Lập, Trung Hưng, Thanh Long, Lý Thường Kiệt huyện Yên Mỹ; Chỉ Đạo, Lương Tài huyện Văn Lâm, An Viên, Thụy Lôi huyện Tiên Lữ... Diện mạo nông thôn ngày càng phong quang, sạch, đẹp; đời sống tinh thần, vật chất của người dân được cải thiện, nâng cao.