Hưng Yên tạo điều kiện cho công nghiệp phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững

Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 15/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên khóa XIX về Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh Hưng Yên đã triển khai Đề án cơ cấu lại ngành công nghiệp tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn: cơ khí chế tạo, ưu tiên phát triển các sản phẩm ô tô, máy móc thiết bị phục vụ các ngành kinh tế; điện tử tin học, ưu tiên phát triển các sản phẩm: thiết bị điện tử, điện lạnh, các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp mũi nhọn nhằm nâng cao giá trị sản xuất và tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động sản xuất tại công ty TNHH Takagi Việt Nam, khu công nghiệp Thăng Long II, tỉnh Hưng Yên.
Hoạt động sản xuất tại công ty TNHH Takagi Việt Nam, khu công nghiệp Thăng Long II, tỉnh Hưng Yên.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn cho biết, để tạo thuận lợi cho công nghiệp phát triển Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo quyết liệt nhiệm vụ cải cách hành chính, thi hành công vụ để giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp; lắng nghe, tiếp thu kiến nghị của doanh nghiệp; thường xuyên quan tâm, chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp, phục vụ, kiến tạo cho doanh nghiệp. Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường đối thoại chuyên đề với các doanh nghiệp về các vấn đề đang khó khăn, vướng mắc; thực hiện hiệu quả Kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Hưng Yên, thực hiện hiệu quả các giải pháp nâng cao ý thức, trách nhiệm, tinh thần, thái độ, chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức nhằm cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, các cơ quan chức năng của tỉnh Hưng Yên đã rà soát, đánh giá tình hình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; xây dựng phương án tích hợp nội dung quy hoạch, định hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vào Quy hoạch tỉnh thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thực hiện điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp phù hợp với phát triển kinh tế-xã hội của từng huyện, thị xã, thành phố; ưu tiên phát triển công nghiệp trong các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), quyết liệt chỉ đạo công tác triển khai các dự án đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, CCN, đẩy nhanh tiến độ, tạo mặt bằng thuận lợi cho các dự án sản xuất công nghiệp; kết hợp hài hòa giữa phát triển theo chiều rộng và chiều sâu; chú trọng thu hút các nhà đầu tư có uy tín, dự án sản xuất công nghiệp có tính chất "động lực" để thu hút các dự án vệ tinh theo chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị.

Hưng Yên tạo điều kiện cho công nghiệp phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ảnh 1
Hưng Yên tập trung đầu tư hạ tầng giao thông tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển công nghiệp.

Tỉnh Hưng Yên tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Hệ thống giao thông được đầu tư lớn, đồng bộ, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, các đầu mối giao thông quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng, đáp ứng yêu cầu cấp thiết cho phát triển kinh tế-xã hội, như: Dự án đường bên của tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với Cầu Giẽ-Ninh Bình, đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên; Dự án xây dựng đường Tân Phúc-Võng Phan; đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội… Nhiều công trình lưới điện 110kV, 220kV và lưới điện trung hạ thế đã triển khai đóng điện đúng tiến độ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, chống quá tải cho lưới điện hiện hữu.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã thực hiện tuyển sinh đa dạng ngành, nghề và trình độ, trong đó có các ngành, nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. tỉnh Hưng Yên có trên 1.000 doanh nghiệp liên kết với cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong cả 3 khâu tuyển sinh - đào tạo - tiếp nhận lao động; 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã phối hợp đưa học sinh, sinh viên trình độ cao đẳng, trung cấp thực tập trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp tham gia trực tiếp đánh giá kết quả học tập của người học; tham gia đánh giá kỹ năng nghề cho người lao động qua đào tạo.

Tỉnh Hưng Yên đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương quy hoạch phát triển 17 KCN diện tích hơn 4.395ha; trong đó, 11 KCN được chấp thuận Chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng diện tích hơn 2.873ha; tổng vốn đầu tư đăng ký 14.395 tỷ đồng và 398 triệu USD. Tỉnh Hưng Yên có 26 CCN được thành lập với tổng diện tích 1.256ha, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 12.408 tỷ đồng. Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt thưc hiện công tác giải phóng mặt bằng, các thủ tục triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN. Trong ba năm qua, tỉnh Hưng Yên đã giải phóng mặt bằng và bàn giao gần 3000ha đất cho các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và gần 500ha đất cho các chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp.

Các KCN của tỉnh Hưng Yên có khoảng 532 dự án còn hiệu lực (250 dự án trong nước và 282 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 33.530 tỷ đồng và hơn 5,5 tỷ USD. Các dự án trong các KCN tập trung vào các nhóm ngành nghề, lĩnh vực chủ yếu: cơ khí, luyện kim; sản xuất máy móc, thiết bị; sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy, sản xuất sản phẩm điện, điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, dệt may và da giầy, bao bì... Các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư vào trong các KCN trên địa bàn tỉnh Hưng Yên từ 19 các quốc gia, vùng lãnh thổ: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Ý, Đức, Thụy Sỹ, Canada, Singapore, Hà Lan, Thái Lan,… các dự án đi vào hoạt động đã tạo việc làm cho khoảng 76.000 lao động.

Năm 2023 trong hoàn cảnh kinh tế trong nước và quốc tế còn nhiều khó khăn, nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh Hưng Yên vẫn tăng 6,35%, công nghiệp tiếp tục là ngành đóng góp lớn nhất cho GDP tỉnh Hưng Yên, đưa tỷ trọng công nghiệp, xây dựng chiếm hơn 61,7% cơ cấu kinh tế của tỉnh Hưng Yên, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh gần 6 tỷ USD; đóng góp quan trọng đưa tổng thu ngân sách tỉnh Hưng Yên đạt trên 33 nghìn tỷ đồng.