Hưng Yên kết nối ngân hàng-doanh nghiệp

Ngày 20/6, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Hưng Yên tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp nhằm nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
0:00 / 0:00
0:00
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Hưng Yên tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Hưng Yên tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp.

Theo Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Hưng Yên, đến 31/5/2024, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đạt hơn 103 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3% so với 31/12/2023.

Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 44.737 tỷ đồng, chiếm 43,3% tổng dư nợ; dư nợ cho vay kinh doanh hàng xuất khẩu đạt 1.309 tỷ đồng; dư nợ cho vay phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 19.990 tỷ đồng; dư nợ cho vay phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đạt 2.941 tỷ đồng; dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách - Xã hội chi nhánh Hưng Yên đạt 4.317 tỷ đồng.

Các tổ chức tín dụng, Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn Hưng Yên tỉnh đã tích cực triển khai chính sách sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định với tổng giá trị nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lũy kế đạt 693 tỷ đồng của 94 khách hàng đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Các tổ chức tín dụng, Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn Hưng Yên tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay, giảm 1-2%/năm lãi suất cho vay: Lãi suất cho vay ưu đãi đối với khách hàng sản xuất, kinh doanh đáp ứng đủ điều kiện ngắn hạn từ 3,2%-4,0%/năm; trung dài hạn 6,2%/năm. Lãi suất cho vay thông thường đối với khách hàng sản xuất , kinh doanh đáp ứng đủ điều kiện ngắn hạn từ 5%-6%/năm; trung dài hạn 6,5%-7,5%/năm...

Tuy nhiên, hoạt động cho vay vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc thường gặp trong quá trình triển khai tiếp cận vốn của doanh nghiệp hầu hết đến từ chính sách nhận tài sản bảo bảo; một số địa phương, việc cấp đăng ký kinh doanh cho các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp vẫn còn khó khăn; nhiều báo cáo tài chính của doanh nghiệp còn chưa đồng nhất về mặt số liệu giữa báo cáo thuế và báo cáo đã được kiểm toán, ảnh hưởng đến việc đánh giá tính minh bạch và hiệu quả của dự án, phương án sản xuất kinh doanh của ngân hàng.

Từ những khó khăn, vướng mắc trên, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đề xuất, kiến nghị: Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên khi phê duyệt dự án đầu tư không nên phê duyệt quá chi tiết dự án, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khi triển khai dự án đầu tư, linh hoạt chớp cơ hội thị trường cũng như điều chỉnh công việc dự án cho phù hợp, giúp cho các doanh nghiệp thuận lợi trong vay vốn ngân hàng đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên có chính sách ưu đãi chi phí thuê đất của các chủ đầu tư, qua đó hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp thuận lợi tiếp cận với cơ sở vật chất hạ tầng để phát triển hoạt động kinh doanh. Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị xã tạo điều kiện thuận lợi để hộ kinh doanh nhanh chóng được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên tiếp tục rút ngắn tiến độ thủ tục giao đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất cho người dân, doanh nghiệp. Văn phòng Đăng ký đất đai rút ngắn hơn nữa thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký/xóa giao dịch bảo đảm, đính chính sai sót trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cho phép đăng ký thế chấp đối với nhà ở nông thôn chưa được ghi nhận trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cơ quan Thuế hỗ trợ giúp ngân hàng xác nhận báo cáo tài chính của doanh nghiệp đã gửi cơ quan thuế để phục vụ công tác thẩm định xét duyệt cho vay theo đúng quy định....