Trước thềm Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), dự kiến diễn ra tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) từ ngày 30/11 đến 12/12 tới, nhiều hội nghị quốc tế đã được tổ chức với nỗ lực đẩy nhanh hành động trong vấn đề đang được thế giới đặt ưu tiên hàng đầu này.
Cần cách xử lý toàn cầu cho các thách thức
Tương lai ngành năng lượng toàn cầu sẽ là trọng tâm các cuộc thảo luận tại COP28, trong đó có mục tiêu tăng gấp ba lần đầu tư vào năng lượng tái tạo và hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển trong giảm phát thải và phát triển năng lượng sạch. Hội nghị tại Tây Ban Nha vừa qua nhằm thúc đẩy một liên minh quốc tế có nhiệm vụ hỗ trợ việc thực hiện mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 1,5 oC theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại hội nghị này, Giám đốc IEA Birol cho rằng, các nước vẫn có thể đạt được mục tiêu này, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức. Một trong những thách thức đó là sự phân mảnh địa chính trị trên bản đồ thế giới, gây cản trở lớn đối với một số biện pháp chung mà các nước kỳ vọng có thể triển khai. Người đứng đầu IEA viện dẫn mức độ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ nói chung và công nghệ năng lượng sạch nói riêng đang diễn ra mạnh mẽ, song chưa đáp ứng đủ nhu cầu hiện nay. Một trong những nguyên nhân chính là thiếu sự hợp tác quốc tế trong vấn đề này.
Ðồng quan điểm nói trên, Bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái Tây Ban Nha, bà Teresa Ribera cho rằng, hợp tác đa phương là phương thức để ứng phó trước những thách thức hiện nay. Bà Ribera nhấn mạnh: "Vấn đề toàn cầu cần cách xử lý toàn cầu". Bộ trưởng Ribera kêu gọi đẩy nhanh tốc độ triển khai quá trình chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh.
IEA cảnh báo tác động tiêu cực của tình trạng mở rộng đầu tư cho nhiên liệu hóa thạch trong khi phát thải vẫn duy trì ở mức cao trong giai đoạn kinh tế thế giới phục hồi hậu Covid-19 và cuộc khủng hoảng năng lượng. Chỉ ra thực trạng tiếp tục phát triển nhiên liệu hóa thạch không phù hợp với mục tiêu phi carbon hóa toàn cầu vào giữa thế kỷ này và mục tiêu kiềm chế mức nhiệt tăng, IEA kêu gọi các nước giàu cũng như các nước đang phát triển đều phải cải thiện rõ rệt các mục tiêu trung hòa khí thải, đồng thời nêu rõ yếu tố chính giúp các mục tiêu khí hậu vẫn có thể đạt được là tăng sử dụng năng lượng sạch.
Theo IEA, các nước giàu phải đặt mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2045, sớm hơn 5 năm so với mục tiêu hiện nay. Thế giới cần đầu tư 4.500 tỷ USD/năm cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch từ đầu thập niên tới, tăng từ mức 1.800 tỷ USD dự kiến cần có trong năm 2023. Ðến năm 2030, thế giới cần tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo, gấp đôi cơ sở hạ tầng năng lượng hiệu quả, tăng doanh số bán các thiết bị bơm nhiệt và doanh số xe điện. Thế giới cũng cần cắt giảm 75% khí thải mê-tan trong lĩnh vực năng lượng, với mức chi phí chỉ khoảng 75 tỷ USD (tương đương 2% thu nhập ròng của ngành dầu mỏ và khí đốt năm 2022).
Thông điệp từ các thể chế tài chính
Ðầu tư khí hậu dành cho thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển là vấn đề được thế giới, trong đó có các thể chế tài chính lớn như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đặc biệt quan tâm. IMF hối thúc khu vực tư nhân đóng góp phần chính để đáp ứng các nhu cầu lớn về đầu tư khí hậu cho các nước đang phát triển.
Trong Báo cáo Ổn định tài chính toàn cầu mới nhất, IMF cho rằng, để đạt được các mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050, cần đầu tư đáng kể cho các hoạt động giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tại thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, vốn đang phát thải khoảng hai phần ba lượng khí gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu hiện nay. Ðến năm 2030, những nền kinh tế này cần khoảng 2.000 tỷ USD mỗi năm để đạt được mục tiêu tham vọng này. Con số này tăng năm lần so với mức 400 triệu USD đầu tư khí hậu đã được hoạch định cho bảy năm tới. Trên cơ sở dự báo tăng trưởng đầu tư công sẽ bị hạn chế, IMF cho rằng lĩnh vực tư nhân sẽ phải là nguồn cung cấp khoảng 80% mức đầu tư. Báo cáo của IMF nêu rõ, cần có kết hợp chính sách trong nhiều lĩnh vực để tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn và mở đường cho khu vực tư nhân đầu tư cho tài chính khí hậu ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.
Trong khi đó, WB cũng đã đề xuất các bước nhằm nâng khả năng cho vay đối với các quốc gia đang phát triển thêm 100 tỷ USD trong một thập kỷ tới. Ðộng thái này nằm trong tiến trình cải cách của WB nhằm mở rộng sứ mệnh hỗ trợ các nước thành viên tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu. Chủ tịch WB Ajay Banga cam kết định hình lại sứ mệnh của tổ chức này nhằm giải quyết tốt hơn những thách thức do biến đổi khí hậu đặt ra.
Phát biểu tại một sự kiện của Hội đồng Quan hệ đối ngoại có trụ sở ở New York (Mỹ), ông Banga cho rằng, WB cần thay đổi nhiệm vụ kép hiện tại là xóa đói, giảm nghèo và thúc đẩy thịnh vượng chung để bao gồm cả nhiệm vụ xử lý những tác động do biến đổi khí hậu gây ra. Chủ tịch WB giải thích: "Tôi nghĩ rằng mục tiêu kép cần thay đổi để không chỉ xóa đói, giảm nghèo, mà còn bảo đảm an toàn cho Trái đất để con người có thể sinh sống được, vì tính chất đan xen của các cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang đối mặt". Theo Chủ tịch WB, ông đang nỗ lực xác định lại những lĩnh vực ưu tiên mà WB đang cung cấp khoản vay cho các nước đang phát triển, trong đó, ông đặc biệt quan tâm đến năm lĩnh vực, gồm phát triển nguồn nhân lực, sự thịnh vượng, biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng và kỹ thuật số.
Ông Banga từng kêu gọi WB hợp tác chặt chẽ hơn với lĩnh vực tư nhân để có thể đáp ứng được những khoản vay khổng lồ liên quan nhiệm vụ thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Chủ tịch Banga cho rằng, WB cần thận trọng lựa chọn những quốc gia có mức phát thải cao để từ đó khuyến khích khu vực tư nhân của những nước này đầu tư vào phát triển năng lượng tái tạo, nhằm giúp hạn chế lượng khí thải carbon để có thể đạt được hiệu quả lớn nhất trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Mở rộng các quan hệ đối tác công tư nhằm tạo đòn bẩy tăng vốn, đầu tư nhiều hơn cho các chương trình hành động khí hậu là một trong những vấn đề quan trọng giúp thế giới đạt mục tiêu về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu. Những kế hoạch của các thể chế tài chính lớn nhằm mở rộng cam kết và hỗ trợ hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu được kỳ vọng sẽ tạo được những bước tiến mới trong cuộc chiến đầy cam go mà thế giới đang đối mặt.