Theo đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Thường vụ Thành ủy Hải Phòng thống nhất, xác định cung cấp nước sạch nông thôn là một trong 29 nhiệm vụ lớn, trọng tâm cần thực hiện từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội 16 Đảng bộ thành phố.
Với quan điểm đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, thành phố sẽ tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng cấp nước không bảo đảm vệ sinh, không để phát sinh điểm nóng, bức xúc về nước sạch, với mục tiêu 100% số người dân khu vực ngoại thành được cấp nước sạch ổn định, đạt quy chuẩn.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng Đỗ Gia Khánh, hiện trên địa bàn nông thôn Hải Phòng có 112 nhà máy nước đang cấp nước sạch sinh hoạt. Trong đó, 10 nhà máy nước đô thị cấp bổ sung nước sạch cho nông thôn, 94 nhà máy nước có một phần vốn ngân sách và tám nhà máy nước sử dụng vốn ngoài ngân sách.
Tuy nhiên, trong số đó chỉ có 31 nhà máy nước hoạt động tốt, chất lượng nước ổn định; 26 nhà máy nước có chất lượng nước bảo đảm, nhưng khó bảo đảm nhu cầu nước sạch gia tăng về lâu dài và không thể đầu tư mở rộng vì không nằm trong quy hoạch; 55 nhà máy nước có quy mô rất nhỏ đã xuống cấp, công nghệ xử lý cũ và nhất là sử dụng nguồn nước thô không bảo đảm chất lượng, ô nhiễm…
Hiện, Hải Phòng có 94,4% số dân nông thôn sử dụng nước từ các nhà máy nước; trong đó, số dân sử dụng nước từ 31 nhà máy hoạt động tốt là 74,4%; 20% người dân nông thôn đang sử dụng nước từ các nhà máy nước hoạt động trung bình và kém; 5,6% người dân sử dụng nước từ các nguồn cấp nước nhỏ lẻ khác chưa được kiểm soát về chất lượng.
Giữa năm 2023, hơn 2.000 hộ dân ở xã Đông Phương (huyện Kiến Thụy) tập trung đông người, phản đối việc Nhà máy nước Đông Phương do Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng và Dịch vụ thương mại Đại Thái làm chủ đầu tư, cung cấp nước sinh hoạt không bảo đảm chất lượng.
Trước sự việc này, lãnh đạo huyện Kiến Thụy đã tổ chức đối thoại với người dân và chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc liên quan đến nước sạch, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn... Đây là một trong số 15 nhà máy nước để xảy ra tình trạng người dân bức xúc, phản ứng vì chất lượng nước cấp không bảo đảm chất lượng. Các nhà máy nước này đều nằm trong số 55 nhà máy nước có quy mô rất nhỏ...
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ cho biết, thành phố đã rà soát toàn bộ hiện trạng, đánh giá hoạt động, công tác quản lý, xác định trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trong việc cung cấp nước sạch cho khu vực nông thôn. Qua đó, thành phố xác định nhiều nhà máy nước sử dụng nguồn nước nguyên liệu có nguy cơ ô nhiễm cao do việc lựa chọn vị trí đặt nhà máy không phù hợp; xây dựng không đúng thiết kế, không có dự báo, đánh giá chất lượng nguồn nước, công suất xử lý không đáp ứng, thỏa thuận dịch vụ cung cấp nước chưa đầy đủ, cụ thể, chặt chẽ; nhất là trong xử lý khi một bên vi phạm, khi nước cấp không bảo đảm chất lượng…
Với quan điểm kiên quyết xử lý, khắc phục ngay những hạn chế về chất lượng nước sinh hoạt nông thôn, thành phố yêu cầu các địa phương, đơn vị triển khai ngay việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, ký kết hoặc điều chỉnh các hợp đồng, thỏa thuận đã ký kết liên quan đến hoạt động sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch nông thôn; thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; chấm dứt hoạt động và thay thế các nhà máy nước không bảo đảm chất lượng trong quý I năm 2024.
Trường hợp các chủ đầu tư nhà máy nước “mi-ni” có chất lượng nước kém, không đạt được đồng thuận thì chính quyền các xã căn cứ quy định thực hiện việc chấm dứt thỏa thuận đã ký kết và lựa chọn đơn vị cấp nước thay thế.
Với quyết tâm cao, Hải Phòng phấn đấu đến năm 2025, bảo đảm 100% số hộ dân ở nông thôn được cung ứng nước sạch đủ tiêu chuẩn trong sinh hoạt. Trong đó, đối với khu vực ven đô thị sẽ mở rộng vùng phục vụ cấp nước của các nhà máy nước đô thị cấp cho khu vực nông thôn liền kề, hoặc có hệ thống cấp nước đô thị đi qua.
Đối với các khu vực xa hơn sẽ duy trì các công trình cấp nước sạch tập trung đã nâng cấp quy mô lớn, đang hoạt động bền vững hiện có, chất lượng nước tương đương chất lượng nước của các nhà máy nước đô thị. Các nhà máy này phải bảo đảm cung cấp đủ nước sạch cho nhân dân trên địa bàn.
Đồng thời, thành phố ưu tiên thu hút đầu tư nâng cấp, mở rộng phạm vi cấp nước đối với các công trình cấp nước đang hoạt động phù hợp với quy hoạch; bảo đảm hoạt động bền vững, có chất lượng nguồn khai thác nước thô tốt, bảo đảm đủ điều kiện mở rộng phạm vi cấp nước cho các xã lân cận. Thành phố khuyến khích, hỗ trợ các đơn vị cấp nước đã nâng cấp thực hiện liên kết tận dụng hạ tầng hệ thống phân phối đã đầu tư, mua nước qua đồng hồ tổng để tiếp tục phân phối đến hộ dùng nước.
Thành phố Hải Phòng cũng giao trách nhiệm cho các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung tháo gỡ vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất đai, xử lý tài sản của các nhà máy nước nhỏ... để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, thay thế bằng các nhà máy nước có quy mô và chất lượng bảo đảm.