Hôm nay, Quốc hội thảo luận về kết quả giám sát việc huy động, sử dụng các nguồn lực phòng, chống Covid-19

NDO - Hôm nay, 29/5, Quốc hội dành cả ngày làm việc thứ 8 của Kỳ họp thứ 5 để thảo luận về kết quả giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
0:00 / 0:00
0:00
Một phiên thảo luận ở hội trường tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: DUY LINH)
Một phiên thảo luận ở hội trường tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: DUY LINH)

Mở đầu phiên họp, Quốc hội nghe đại diện Đoàn giám sát của Quốc hội báo cáo kết quả thực hiện giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Đây là một trong hai chuyên đề đã được Quốc hội quyết định giám sát tối cao trong năm 2023.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 4 vừa qua, báo cáo đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến để hoàn thiện trước khi trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.

Báo cáo của Đoàn giám sát nêu rõ, công tác huy động nguồn lực phòng, chống dịch được thực hiện chủ động, góp phần kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, mang lại hiệu quả tích cực trong bối cảnh khó khăn, cấp bách của đại dịch.

Đến 31/12/2022, tổng nguồn lực đã được huy động để trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch là hơn 236 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là trên 189 nghìn tỷ đồng, huy động từ các nguồn viện trợ (chủ yếu là vaccine), tài trợ là trên 47 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán các nguồn lực huy động để phục vụ cho công tác phòng chống dịch về cơ bản đã được thực hiện bảo đảm đúng quy trình, thủ tục, thực hiện theo các chủ trương, chính sách đã ban hành.

Cũng theo báo cáo, hoạt động của y tế cơ sở và y tế dự phòng thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và đã được minh chứng trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19. Đến năm 2022, mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp cả nước, 100% huyện có trung tâm y tế…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn giám sát đánh giá, có nhiều khó khăn trong việc phân bổ, quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán nguồn lực từ ngân sách nhà nước; còn xảy ra sai phạm trong mua sắm ở nhiều mức độ khác nhau, có vụ việc đến mức phải xử lý hình sự…

Ngoài ra, đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng còn chưa thỏa đáng, chưa tương xứng với quan điểm “y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng”.