Quốc hội sẽ giám sát tối cao 2 chuyên đề trong năm 2023

NDO -

Theo Nghị quyết về Chương trình giám sát năm 2023 Quốc hội vừa thông qua, tại Kỳ họp thứ năm và sáu năm 2023, Quốc hội sẽ lần lượt tiến hành giám sát tối cao 1 chuyên đề liên quan các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và y tế cơ sở, y tế dự phòng, cùng 1 chuyên đề về việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. (Ảnh: NGUYÊN KHOA)
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. (Ảnh: NGUYÊN KHOA)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ ba, chiều 6/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, với 440/449 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (bằng 88,18% tổng số đại biểu).

Quốc hội sẽ giám sát tối cao 2 chuyên đề trong năm 2023 -0
Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. (Ảnh: LINH KHOA)

Giám sát 4 chuyên đề quan trọng

Theo Nghị quyết này, tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo giám sát tối cao chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Trong khi đó, tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét báo cáo giám sát tối cao chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Trước đó, trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, chiều ngày 23/5 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội cùng với dự thảo Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. Hầu hết các đại biểu Quốc hội đều tán thành với nội dung Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, đồng thời đã lựa chọn các chuyên đề giám sát.

Theo đó, bốn chuyên đề được đưa ra để lựa chọn giám sát gồm: Chuyên đề 1: “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”. Chuyên đề 2: “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”. Chuyên đề 3: “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”. Chuyên đề 4: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”.

Quốc hội sẽ giám sát tối cao 2 chuyên đề trong năm 2023 -0
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự thảo Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. (Ảnh: NGUYÊN KHOA)

Căn cứ kết quả lựa chọn, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, Quốc hội đã quyết định sẽ giám sát tối cao Chuyên đề 1 (chiếm 61,94% tổng số phiếu các đại biểu lựa chọn) và Chuyên đề 2 (chiếm 59,46%). Chuyên đề 3 và 4 sẽ giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.

Đối với Chuyên đề 1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, hiệu quả của việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 là vấn đề được cử tri, nhân dân đặc biệt quan tâm, theo dõi và được đa số các vị đại biểu Quốc hội lựa chọn (61,94%).

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, kết quả kiểm toán, thanh tra về nội dung trên sẽ là nguồn tư liệu quan trọng để Quốc hội có cơ sở tiến hành giám sát tối cao một cách toàn diện hơn.

Hơn nữa, thực tế công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua cũng bộc lộ nhiều vấn đề liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng, do đó, việc giám sát kết hợp như chuyên đề sẽ có cái nhìn tổng quan, đầy đủ hơn, góp phần định hướng giải pháp xây dựng và hoàn thiện hơn hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Đối với Chuyên đề 2 về việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, các chương trình mục tiêu quốc gia này đều được ban hành từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (tính đến năm 2023 cũng được nửa nhiệm kỳ).

Tuy nhiên, tiến độ triển khai thực hiện thời gian qua còn chậm so với kế hoạch đề ra, gây ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình cũng như triển khai các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới và hải đảo.

Do đó, theo Tổng Thư ký Quốc hội, việc lựa chọn chuyên đề này để Quốc hội tiến hành giám sát tối cao là rất cần thiết, nhằm mục đích nhận diện đầy đủ những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để tháo gỡ kịp thời, giúp cho việc thúc đẩy triển khai chương trình đạt hiệu quả như mục tiêu đề ra, đồng thời, cũng phù hợp với quyết định của đa số đại biểu Quốc hội (59,46%).

Tiếp tục đổi mới, giám sát đúng và trúng

Quốc hội sẽ giám sát tối cao 2 chuyên đề trong năm 2023 -0Quang cảnh phiên thảo luận của Quốc hội chiều 6/6. (Ảnh: NGUYÊN LINH)

Theo Nghị quyết, năm 2023, Quốc hội cũng sẽ giám sát nhiều nội dung quan trọng khác, trong đó sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; báo cáo tài chính nhà nước năm 2021; báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022…

Tại kỳ họp cuối năm, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá giữa kỳ kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 5 năm 2021-2025 về phát triển kinh tế-xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024; kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 và dự kiến kế hoạch năm 2024.

Cùng với đó là các báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; công tác phòng, chống tham nhũng và tiêu cực; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đáng chú ý, tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, bảo đảm gắn kết giữa hoạt động giám sát với hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục đổi mới, giám sát đúng và trúng, chỉ rõ địa điểm, quy rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 nêu rõ, trong quá trình giám sát, cần tăng cường đi sâu làm rõ vấn đề, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; sử dụng thông tin từ cơ quan kiểm toán nhà nước, thanh tra trong quá trình tiến hành giám sát.

Nghị quyết về giám sát, chất vấn cần gọn, rõ, có các tiêu chí định lượng, mốc thời gian, trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và giao nhiệm vụ cho các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ theo dõi, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kiến nghị sau giám sát.

Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV