Đại biểu dự gặp mặt tri ân các đại biểu cựu chiến binh, cựu công an nhân dân, cựu thanh niên xung phong, cùng các gia đình chính sách, người có công đã trực tiếp tham gia giải phóng Thủ đô trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp do thành phố Hà Nội tổ chức. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Đại biểu dự gặp mặt tri ân các đại biểu cựu chiến binh, cựu công an nhân dân, cựu thanh niên xung phong, cùng các gia đình chính sách, người có công đã trực tiếp tham gia giải phóng Thủ đô trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp do thành phố Hà Nội tổ chức. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Hồi ức đẹp của những người về tiếp quản Thủ đô tuổi đôi mươi

NDO - Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô năm nay là sự kiện đầy ý nghĩa với những người lính từng tham gia tiếp quản Thủ đô năm xưa. Ngày đó, những chiến sĩ tuổi đôi mươi góp phần tạo nên khúc ca khải hoàn trở về tiếp quản Hà Nội. Cảm xúc hào hùng, đẹp đẽ ấy thật khó quên trong ký ức của họ, dẫu cho bảy thập kỷ đã trôi qua.

NHỚ LỜI BÁC TRONG NGÀY TIẾN VỀ THỦ ĐÔ

Cựu chiến binh Lê Văn Tính (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân) năm nay đã ngoài 90 tuổi. 70 năm trước, ông Tính là chiến sĩ liên lạc của Đại đội trưởng Nguyễn Đình Phòng, Đại đội 238, Trung đoàn Thủ đô (102), Đại đoàn Quân tiên phong(nay là Sư đoàn 308).

Sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ông Tính được theo Đại đội trưởng về Đền Hùng gặp Bác Hồ giao nhiệm vụ “Tiếp quản Thủ đô” cho Sư đoàn 308. Buổi gặp mặt đó đã để lại ấn tượng sâu sắc mà cả cuộc đời ông không bao giờ quên.

Hồi ức đẹp của những người về tiếp quản Thủ đô tuổi đôi mươi ảnh 1

Cựu chiến binh Lê Văn Tính tại gặp mặt tri ân các đại biểu cựu chiến binh, cựu công an nhân dân, cựu thanh niên xung phong, cùng các gia đình chính sách, người có công đã trực tiếp tham gia giải phóng Thủ đô trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp của thành phố Hà Nội. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Ông Tính kể: “Lần đầu gặp Bác, lòng tôi xúc động, thấy Bác mạnh khỏe, hồng hào, trời se lạnh mà chỉ mặc bộ quần áo nâu bạc màu. Bác ngồi xuống bậc hè nhà đền thân mật hỏi: ‘Các chú có biết đây là nơi nào không?’. Có vài lời thưa: ‘Thưa Bác đây là Đền Hùng’. Bác thân mật ý nói: ‘Đúng… Các Vua Hùng có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước… Tám, chín năm nay do quân dân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi về Hà Nội. Vì thế các chú được Trung ương Đảng và Chính phủ giao cho nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là được nhận một vinh dự lớn’. Bác ân cần dặn: ‘… Khi vào tiếp quản Thủ đô các chú phải hết sức đề phòng âm mưu phá hoại của địch, đấu tranh giữ được nguyên vẹn điện, nước, bệnh viện, trường học, nhà cửa, đường xá… để ta dùng. Các chú phải luôn giữ kỷ luật nghiêm minh, giữ gìn phẩm chất cách mạng… Trong chiến tranh xông pha lửa đạn không chết vì viên đạn đồng, trong hòa bình nếu không giữ được phẩm chất cách mạng có thể ngã vì viên đạn bọc đường… các chú phải luôn đoàn kết cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ, trong tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ chủ trương đường lối của Đảng, chính sách quy định của Nhà nước, phản bác những luận điệu sai trái phản động của kẻ thù”.

Lúc 15 giờ ngày 10/10/1954, còi Nhà hát Thành phố nổi lên một hồi dài, Quốc ca hùng tráng vang lên, cờ Tổ quốc phấp phới bay trên đỉnh cột cờ Hà Nội. Sư đoàn trưởng Vương Thừa Vũ đọc thư Hồ Chủ tịch gửi đồng bào Thủ đô. Lời thư thân mật, tha thiết, trong không khí thiêng liêng.

Kết thúc buổi nói chuyện, Bác hỏi: “Vào thành phố mới giải phóng, Bác mong các chú nghiêm chỉnh gương mẫu chấp hành hoàn thành nhiệm vụ có được không?”. Anh em đứng dậy hứa với Bác hoàn thành nhiệm vụ và chúc Bác mạnh khỏe sống lâu. Bác cười đôn hậu: “Được, muốn Bác vui khỏe sống lâu các chú hãy hoàn thành lời Bác căn dặn”. Bộ đội vỗ tay hân hoan tiễn Bác.

Và với ông Tính và đồng đội ở Đại đoàn Quân tiên phong, ngày 10/10/1954 lịch sử đã đến. 5 giờ sáng, rời làng Phùng, các chiến sĩ đội ngũ chỉnh tề theo đường 32 tiến về Hà Nội. Qua Cầu Diễn, hiện ra trước mặt họ là Hà Nội một rừng cờ hoa, biểu ngữ, khẩu hiệu, các kiểu chữ rất cầu kỳ, nhiều nhất là “Hồ Chí Minh muôn năm”. Nhân dân đông đảo đứng hai bên đường vẫy cờ hoa đón chào hàng quân chỉnh tề diễu qua, những ánh mắt ướt lệ, những cánh tay chơi vơi giơ ra như muốn ôm chặt lấy người thân xa lâu ngày gặp lại…

Ông Tính kể: “Thật khó nén nỗi xúc động dâng trào mắt nhòa lệ…, nhất là những đồng chí đã chiến đấu 60 ngày đêm trong đội quân “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” giữ Hà Nội, ra đi từ ngày đầu kháng chiến nay trở về”. Đoàn quân đi qua các đường phố đến Hồ Gươm, về cửa chợ Đồng Xuân, phố phường đang có lệnh giới nghiêm nhưng nhà nào cũng mở cửa, mọi người đứng trong nhà nhìn bộ đội đi qua với nét mặt thân thiện, gần gũi như mong đợi từ lâu…

Buổi chiều, các chiến sĩ tập trung ở sân Cột Cờ, đội ngũ chỉnh tề cùng các đơn vị bạn và nhân dân, có cả Tổ quốc tế giám sát thi hành Hiệp định Geneva dự lễ thượng cờ. Lúc 15 giờ ngày 10/10/1954, còi Nhà hát Thành phố nổi lên một hồi dài, Quốc ca hùng tráng vang lên, cờ Tổ quốc phấp phới bay trên đỉnh cột cờ Hà Nội. Sư đoàn trưởng Vương Thừa Vũ đọc thư Hồ Chủ tịch gửi đồng bào Thủ đô. Lời thư thân mật, tha thiết, trong không khí thiêng liêng, lòng ông Tính cũng như bao đồng đội khác xúc động rưng rưng nước mắt, lời đọc vừa dứt tiếng hô Hồ Chí Minh muôn năm vang lên… biểu thị tấm lòng kính yêu lãnh tụ của nhân dân Thủ đô.

Kể chuyện quá trình quân quản trong một thời gian ngắn, ông Tính nhớ lại: “Phố phường buôn bán ngày càng nhộn nhịp, sinh hoạt trở lại bình thường. Những ngày đầu, các đơn vị bộ đội chia tổ 3 người vào từng nhà thăm hỏi, nói chuyện, giải đáp những vướng mắc cho nhân dân, được mọi nhà tiếp đón vui vẻ. Ban đêm, chúng tôi tổ chức biểu diễn ca múa nhạc ở các nơi công cộng, vườn hoa, được nhân dân hưởng ứng rất nhiệt tình. Thực hiện lời căn dặn của Bác, chúng tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ Bác giao, đơn vị được khen thưởng, riêng tôi và một số đồng chí trong Sư đoàn được Bác tặng Huy hiệu của Người - một phần thưởng vô cùng quý giá".

Nhớ lại không khí của ngày tháng mười hào hùng đó, người lính Cụ Hồ Lê Văn Tính chia sẻ: “Thật vinh dự tự hào cho chúng tôi - những chiến sĩ được tham gia tiếp quản giải phóng Thủ đô. Và Hà Nội đã nay trở thành Thủ đô tươi đẹp, thành phố vì hòa bình vươn lên tầm cao văn minh hiện đại”.

TÌNH CẢM NỒNG ẤM CỦA NGƯỜI DÂN

Cựu chiến binh Trần Quốc Hanh (cán bộ tuyên huấn của Trung đoàn 57, Đại đoàn 354) là một trong những gương mặt trở về tiếp quản Thủ đô vào tháng mười năm 1954. Khi ấy, ông còn rất trẻ, mới 20 tuổi.

Ông Hanh kể lại, 70 năm trước, ông là lính Trung đoàn 57, Đại đoàn 304. Trung đoàn của ông từ Điện Biên trở về với Hà Nội. Bản thân ông sinh ra ở thị xã Hà Đông, cũng từ mảnh đất đó mà gia nhập bộ đội, tham gia phục vụ mặt trận Hà Nội ngay từ những ngày đầu kháng chiến. Cuối giai đoạn kháng chiến chống pháp, đơn vị của ông Hanh từ Điện Biên quay về giải phóng Sơn Tây, rồi được lệnh chuẩn bị tiếp quản Hà Nội.

Hồi ức đẹp của những người về tiếp quản Thủ đô tuổi đôi mươi ảnh 2

Cựu chiến binh Trần Quốc Hanh. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Trong ký ức của ông Trần Quốc Hanh, những kỷ niệm về Ngày Giải phóng Thủ đô 70 năm trước vẫn in sâu trong tâm trí: “Chúng tôi tiến vào Thủ đô tiếp quản trước một ngày. Sáng 9/10/1954, chúng tôi đã vào Thủ đô. Đoàn quân của chúng tôi đi qua Hà Đông tiến vào Ngã Tư Sở, hướng lên phía Bưởi, Nhật Tân. Ở khu vực Hà Đông, người dân ở đó xếp hàng đông, sôi nổi vui mừng đón chào bộ đội. Nhưng khi đoàn quân đi đến làng Phùng Khoang, qua cánh đồng ở Ngã Tư Sở, không khí lại khá vắng lặng".

Nghe tiếng dân, gặp người dân, cảm giác trong tôi lúc đó thật xúc động khôn tả. Hóa ra dân chờ mình thật. Họ chỉ hô có hai câu thôi: ‘Hoan hô các anh. Các anh đã về thật rồi’ mà nghe thật ấm lòng.

Cựu chiến binh Trần Quốc Hanh

Ông Hanh phân tích thêm, ngày đó, phía Pháp muốn chúng ta vào tiếp quản một thành phố chết, không có dân hoặc rất vắng dân, không có chợ búa hay phương tiện giao thông công cộng. Vì vậy, khi hành quân tới khu vực Ngã Tư Sở trở ra, thấy không khí vắng vẻ, tâm trạng ông cảm thấy chút hụt hẫng, sợ rằng địch đã thực hiện được âm mưu đó. Nhưng khi tới Mễ Trì, bộ đội đi qua cánh đồng thì thấy tiếng reo hò ở các làng xóm vang dậy. Bộ đội đi đến đâu, người dân chạy ra đón tới đó. Các ông, bà, anh, chị còn mặc nguyên cả quần áo lao động, trời lúc đó còn hơi đổ mưa.

“Nghe tiếng dân, gặp người dân, cảm giác trong tôi lúc đó thật xúc động khôn tả. Hóa ra dân chờ mình thật. Họ chỉ hô có hai câu thôi: ‘Hoan hô các anh. Các anh đã về thật rồi’ mà nghe thật ấm lòng. Bộ đội mình cầm cờ đi trước, hiền hòa như thế, người dân tự ào ra đón chào, điều đó xúc động vô cùng, người dân Hà Nội vẫn chờ mình thật”, ông Hanh nói.

SỐNG MÃI NHỮNG KÝ ỨC HÀO HÙNG

Cũng là một trong những nhân chứng sống của ngày tiếp quản Thủ đô, cựu cán bộ công an Lê Nguyên Diệu (phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai) năm nay đã 91 tuổi. Ông là một trong những người có mặt ở Hà Nội trong ngày 10/10/1954,

Sinh ra ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội, ông Diệu vào Nha Công an Trung ương làm giao thông liên lạc khi mới 15 tuổi. Vào năm 1954, ông được điều sang Cục Cảnh vệ (Bộ Công an). Bởi thế, trong Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10//1954, khi mới 21 tuổi, ông trở về Hà Nội với một nhiệm vụ đặc biệt.

Hồi ức đẹp của những người về tiếp quản Thủ đô tuổi đôi mươi ảnh 3

Cựu cán bộ công an Lê Nguyên Diệu. (Đồ họa: PHƯƠNG NAM)

Vào ngày đó, cánh quân của ông Diệu tiến vào Hà Nội. Ông ngồi trên một chiếc ô-tô mui trần làm nhiệm vụ. Nhớ lại không khí đó, ông Diệu vẫn nguyên vẹn niềm xúc động dâng trào. Bà con Hà Nội vây kín đoàn xe của ông, dán những khẩu hiệu như: “Hoan hô Cụ Hồ Chí Minh”, “Hoan hô bộ đội về giải phóng Thủ đô” và say sưa hát múa. “Tôi quá xúc động và vui sướng đến cực độ”, ông Diệu nói.

Thời khắc về tiếp quản Thủ đô cũng là lúc ông Diệu có cảm giác trở lại quê hương. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội, trước khi rời Thủ đô lên chiến khu, ông nào biết trước ngày về. Cha của ông tham gia cách mạng từ ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, và đã hy sinh vào năm 1947, sau Ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ. Ngồi trên xe, hòa vào cảm xúc của dòng người trong ngày chiến thắng, những khoảng khoắc ngày nhỏ lăn lội vất vả mưu sinh ở Hà Nội hiện trở lại trong tâm trí của ông. Giữa bao người và niềm vui ngập tràn của ngày chiến thắng, cũng là lúc có những giọt nước mắt rơi.

Hồi ức đẹp của những người về tiếp quản Thủ đô tuổi đôi mươi ảnh 4

Cựu cán bộ công an Lê Nguyên Diệu bên tấm thẻ thông hành và chứng minh thư do Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội cấp năm 1954. (Ảnh: PHƯƠNG NAM)

Nhận xét về sự thay đổi của Hà Nội sau 70 năm, ông Diệu nói: “Nếu bản thân tôi không trải qua 70 năm sống ở Thủ đô, sẽ khó tưởng tượng ra sự phát triển của Hà Nội ngày nay. Những ngày đầu sau giải phóng Thủ đô, có những buổi tối tôi làm nhiệm vụ ở khu vực quanh phố Hoàng Diệu thì thấy, từ chập tối, đường phố vắng vẻ, cả đêm không có chiếc xe ô-tô nào chạy qua. Giờ thành phố đông đúc xe cộ, đường sá mở rộng". Ông mong muốn thành phố sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ để đời sống người dân sẽ được ấm no hơn.

back to top