Hội tụ và lan tỏa sắc màu văn hóa các dân tộc ít người

NDO - Diễn ra từ ngày 3 - 5/11/2023, Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I năm 2023 được tổ chức tại tỉnh Lai Châu đã đem đến cho du khách trong và ngoài nước những trải nghiệm ý nghĩa về sắc màu văn hóa độc đáo của 14 dân tộc có số dân dưới 10.000 người đến từ 11/13 tỉnh trong cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Trình diễn nghề dệt của đồng bào dân tộc Lự tại Lai Châu.
Trình diễn nghề dệt của đồng bào dân tộc Lự tại Lai Châu.

Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, hiện cả nước có 14 dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người gồm: Si La, Lự, Cống, Bố Y, Ngái, Chứt, B’Râu, Rơ Măm, Ơ Đu, Mảng, Lô Lô, Pà Thẻn, Cơ Lao, Pu Péo. Các dân tộc trên cư trú chủ yếu ở các tỉnh: Lai Châu, Cao Bằng, Thái Nguyên, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Kon Tum. Trong những năm qua được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc có số dân dưới 10.000 người ngày được nâng lên.

Hội tụ và lan tỏa sắc màu văn hóa các dân tộc ít người ảnh 1

Nghệ nhân Pù Thị Xé, dân tộc Pà Thẻn, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang trình diễn văn hóa thêu dệt của dân tộc mình.

Các hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội đã phát huy giá trị bản sắc các dân tộc rất ít người, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc. Những nét văn hóa độc đáo nhất của các dân tộc ít người được tái hiện bởi các nghệ nhân và diễn viên quần chúng.

Nghệ nhân Lô Văn Cường, dân tộc Ơ Đu, huyện Tương Dương (Nghệ An) vui mừng tâm sự: “Tôi rất tự hào khi được đến với tỉnh Lai Châu lần này. Tự hào vì mình đã đem đến Ngày hội những nét đặc sắc nhất về văn hóa và con người Ơ Đu, được giao lưu học hỏi những nét đẹp văn hóa các dân tộc khác”.

Hội tụ và lan tỏa sắc màu văn hóa các dân tộc ít người ảnh 2

Phụ nữ Lô Lô đen ở Cao Bằng thể hiện khả năng dệt lanh.

Tham gia Ngày hội, Nghệ nhân Pù Thị Xé, dân tộc Pà Thẻn ở huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) thể hiện tài năng dệt thổ cẩm với đôi bàn tay khéo léo, điêu luyện. Nghề dệt thổ cẩm mang những tri thức bản địa, kỹ năng sống, kiến thức tích lũy từ đời sống qua hàng trăm năm của người vùng cao.

Hội tụ và lan tỏa sắc màu văn hóa các dân tộc ít người ảnh 3

Đồng bào Si La ở Điện Biên thể hiện khả năng may vá và đan lát.

Nghệ nhân Pù Thị Xé chia sẻ, văn hóa thêu dệt rất kì công bởi muốn làm một bộ trang phục dân tộc thì phải mất 5 tháng, nếu thêu tỉ mỉ các hoa văn như đầu người và đầu các con vật thì phải mất thêm từ 2 đến 3 tháng nữa mới xong. Bản thân tôi được ông bà truyền dạy cách dệt vải, thêu hoa văn từ bé nhưng cũng phải đến khi trưởng thành, sắp kết hôn mới biết làm thành đầy đủ bộ trang phục của dân tộc Pà Thẻn.

Hội tụ và lan tỏa sắc màu văn hóa các dân tộc ít người ảnh 4
Phụ nữ dân tộc Bố Y tỉnh Hà Giang thể hiện khả năng thêu thùa.

Đến với Ngày hội, du khách được hòa mình vào không khí sôi động, tham gia trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa, thể thao giàu bản sắc như: liên hoan văn nghệ quần chúng; trình diễn trang phục dân tộc truyền thống; nghề thủ công truyền thống; giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống ở từng địa phương.

Hội tụ và lan tỏa sắc màu văn hóa các dân tộc ít người ảnh 5

Trình diễn nghệ thuật quần chúng của dân tộc Brâu tỉnh Kon Tum.

Bà Johanne, một du khách đến từ Canada cho biết, chúng tôi đã bay đến Việt Nam vì chúng tôi đã nhận được lịch đến tham dự lễ hội ở Lai Châu. Đến đây, chúng tôi được biết về nét văn hóa của nhiều dân tộc thiểu số khác nhau trên đất nước Việt Nam. Mỗi dân tộc lại có trang phục truyền thống riêng, không giống nơi nào cả. Chúng tôi rất vui khi được thấy, được cảm nhận và biết về phong tục, tập quán nhiều dân tộc của Việt Nam cùng một thời điểm, rất là phấn khích, ấn tượng…

Hội tụ và lan tỏa sắc màu văn hóa các dân tộc ít người ảnh 6

Khăn cuốn đầu và quả bông trên mũ cưới của cô dâu người dân tộc Pà Thẻn.

Để tiếp tục hỗ trợ đồng bào các dân tộc đặc biệt ít người vươn lên trong cuộc sống, xoá đói, giảm nghèo, ngày 30/10/2019, Bộ chính trị đã ban hành Kết luận số 65- KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, với đột phá đầu tiên là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước.

Đồng thời, chú trọng phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hoá nhằm cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc đi đôi với xoá bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; củng cố tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

Những điều đó đã tạo thêm sức mạnh, niềm tin cho đồng bào các dân tộc thiểu số rất ít người, để họ nuôi dưỡng khát vọng, ý chí phấn đấu vươn lên trên hành trình chinh phục thiên nhiên, xây dựng cuộc sống cùng đồng bào 54 dân tộc anh em xây dựng quê hương ngày càng thêm giàu đẹp.