Trong khoảng hai thập kỷ trở lại đây, sự mở rộng thực hành sáng tạo, nghệ thuật cùng xu thế phát triển của nền kinh tế sáng tạo và các lĩnh vực công nghiệp văn hóa sáng tạo trong khu vực cũng như thế giới; liên ngành và khai phóng - những giá trị được xác lập từ thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương dần trở thành một trong những định hướng then chốt thúc đẩy các hoạt động giáo dục nghệ thuật theo xu hướng hiện đại và hội nhập quốc tế.
Trong bối cảnh này, việc làm rõ truyền thống và triết lý của các thực hành sáng tạo, giáo dục nghệ thuật liên ngành và khai phóng trong nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam cũng như khả năng ứng dụng cho hoạt động thực hành và đào tạo nghệ thuật hiện nay trở thành một trong những nhu cầu cấp thiết.
Hội thảo trao đổi về đào tào và thực hành nghệ thuật tại Việt Nam hiện nay. |
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS, TS Nguyễn Văn Hiệu, Hiệu trưởng Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật nhấn mạnh: Trong suốt thời gian tồn tại, Trường Mỹ thuật Đông Dương đã đặt nền móng cho một mô hình giáo dục nghệ thuật theo hướng hiện đại với hai triết lý cơ bản là liên ngành và khai phóng. Đây là cơ sở cốt lõi để kiến tạo nền giáo dục nghệ thuật, nơi có sự hòa quyện tinh thần nghệ thuật phương Đông và ảnh hưởng của nghệ thuật hiện đại phương Tây, đồng thời sản sinh ra những thế hệ nghệ sĩ tài năng, nhà sư phạm nghệ thuật, những người góp phần định hình nghệ thuật hiện đại Việt Nam và lan tỏa các giá trị văn hóa và thẩm mỹ vượt thời gian. Hội thảo không chỉ hướng tới mục tiêu tìm hiểu, tôn vinh những giá trị và đóng góp to lớn của Trường Mỹ thuật Đông Dương trong tiến trình phát triển, lịch sử sáng tạo và giáo dục nghệ thuật ở Việt Nam, mà còn thảo luận, tìm tòi các giá trị có thể kế thừa, phát triển và mở rộng trong bối cảnh hiện đại…
Hiệu trưởng Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật Nguyễn Văn Hiệu phát biểu. |
Hội thảo cũng là cơ hội để nhìn nhận toàn diện về di sản giáo dục nghệ thuật từ Trường Mỹ thuật Đông Dương, từ đó đề xuất định hướng mới mẻ để phát triển giáo dục nghệ thuật tại Việt Nam phù hợp sự thay đổi nhanh chóng của thời đại.
Hội thảo tập trung thảo luận chung quanh sáu nhóm chủ đề: Mỹ thuật Đông Dương và những vấn đề giáo dục nghệ thuật; Nghệ thuật và di sản nghệ thuật trong đời sống xã hội hiện nay; Từ sáng tạo đến thương mại, tiêu dùng văn hóa và thị trường nghệ thuật; Kiến trúc và nghệ thuật ứng dụng ở Việt Nam: Từ Trường Mỹ thuật Đông Dương nhìn về hôm nay; Thực hành nghệ thuật đương đại nhìn từ tiếp cận liên ngành; Giáo dục đào tạo về công nghiệp văn hóa và sáng tạo.
Tại hội thảo, các tham luận đã mang đến thông tin chi tiết về những chủ đề liên quan, cung cấp cái nhìn cận cảnh về những thay đổi trong tư duy đào tạo và hành nghề. Các nhà khoa học, nghệ sĩ, người thực hành nghệ thuật đương đại đã chia sẻ quan điểm, tranh luận học thuật mang tính xây dựng về các vấn đề trong bối cảnh sinh động, đa dạng với nhiều loại hình nghệ thuật sáng tạo.