Để giữ gìn và phát huy bản sắc của nghề dệt thổ cẩm, tỉnh Phú Thọ đã và đang triển khai nhiều biện pháp, chính sách khuyến khích và những việc làm cụ thể nhằm khôi phục lại nghề truyền thống này.
Đặc biệt, mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã Quyết định vinh danh nghề dệt thổ cẩm của người Mường ở xã Kim Thượng, xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vui và cũng cũng là thách thức lớn đối với tỉnh Phú Thọ trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc này.
Bảo tồn nghề truyền thống
Chúng tôi tìm về khu Chiềng, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn - cái nôi của nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Mường, tỉnh Phú Thọ, vào những ngày cuối tháng 8. Dưới mái nhà sàn đơn sơ là một lớp truyền dạy nghề dệt giữa các nghệ nhân với các em nhỏ ở các lứa tuổi khác nhau.
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã Quyết định vinh danh nghề dệt thổ cẩm của người Mường ở xã Kim Thượng, xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Các nghệ nhân đang kéo sợi dệt tạo nên những sản phẩm dệt thổ cẩm đặc trưng vốn có từ rất lâu đời ở nơi đây. Bên cạnh là nhiều em nhỏ đang chăm chú dõi theo từng đường dệt như những mũi kim xuyên qua các khung dệt.
Bà Sa Thị Tâm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa dân gian xã Kim Thượng vui mừng cho biết, người dân xóm Chiềng nói riêng và cả huyện Tân Sơn nói chung rất phấn khởi khi nghề truyền thống được công nhận là di sản văn hóa. Không ngờ rằng nghề truyền thống bao đời tưởng mai một nay lại được hồi sinh.
Bà Tâm chia sẻ, nghề dệt thổ cẩm có từ bao giờ không ai biết, chỉ biết rằng nó đã gắn bó mật thiết với đời sống của đồng bào Mường nhiều đời nay. Ngày trước, con gái Mường lên bảy, tám tuổi đã được bà và mẹ dạy cách trồng bông, quay tơ, kéo sợi. Mười ba, mười bốn tuổi đã biết ngồi khung cửi, dệt lên những tấm thổ cẩm lấp lánh, nhiều màu sắc để may chăn đệm chuẩn bị lấy chồng.
Những tấm thổ cẩm không chỉ gắn bó mật thiết với đời sống người dân mà còn tượng trưng cho sự giàu có, sung túc trong mỗi gia đình, là vật không thể thiếu trong dịp lễ trọng, việc hiếu, hỉ, tang ma của người Mường. Người Mường quan niệm thổ cẩm còn là thước đo sự giàu có, ấm no, sung túc của các gia đình.
Nhiều cách hay phát triển nghề dệt thổ cẩm
Để tạo ra những tấm vải thổ cẩm lung linh sắc màu phải trải qua rất nhiều công đoạn. Hằng năm, cứ đến tháng 5 âm lịch, chờ ngày nắng đẹp, người dân bắt đầu thu hoạch bông phơi 2-3 ngày nắng.
Múi bông sau khi phơi khô, dùng cung để tơi mịn, ép thành con để kéo sợi. Tiếp đến là công đoạn hồ sợi, se sợi, mắc sợi và dệt vải... Tất cả các công đoạn đều được làm thủ công từ đôi bàn tay khéo léo của các chị, các mẹ để tạo được những tấm thổ cẩm đầy màu sắc, hoa văn sinh động như: gối, túi xách, khăn...
Vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước, nghề dệt thổ cẩm ở xã Kim Thượng, Minh Đài… huyện Tân Sơn nói riêng, tỉnh Phú Thọ nói chung phát triển rất mạnh.
Gần như nhà nào cũng có một khung cửi và từ người già đến người trẻ hầu như ai cũng biết dệt. Thế nhưng, về sau, nhiều gia đình đã không duy trì được nghề, thế hệ trẻ trong làng cũng không còn mặn mà với khung cửi.
Các nghệ nhân tích cực hướng dẫn các em nhỏ từng đường kim, mũi chỉ. |
Lo sợ nghề truyền thống dân tộc bị mai một, lo sợ nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình không còn người tiếp nối, những năm qua, nhiều người già, các nghệ nhân nghề dệt trong xã đã chủ động truyền dạy lại cho những người phụ nữ trong khu, ai có nhu cầu học các nghệ nhân này sẽ chỉ dạy tận tình nhằm khôi phục phát triển và lưu giữ nghề truyền thống vốn có từ lâu đời nay.
Với sự vào cuộc kịp thời, đến nay số lượng người biết làm nghề thông qua lớp truyền dạy nghề đã tăng lên đáng kể. Nhiều học viên sau khi biết và hiểu về nghề càng thêm gắn bó với nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc mình.
Nghề dệt đang dần hồi sinh
Nguy cơ mai một của nghề dệt truyền thống đang là nỗi niềm trăn trở không chỉ của những người tâm huyết với nghề mà còn là của cả những người đang làm công tác bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc. Do vậy, việc khôi phục, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống là một việc làm cần thiết, không chỉ mang lại thu nhập cho người dân những lúc nông nhàn, mà còn góp phần vào việc gìn giữ bản sắc văn hóa, nét độc đáo riêng của các dân tộc tỉnh Phú Thọ.
Em Hà Thị Ngọc Linh, sinh năm 2008, xã Kim Thượng, chia sẻ, em tham gia học dệt đã được 10 buổi, trong các buổi học em được các bà, các cô truyền dạy nghề dệt từ những điều nhỏ nhặt nhất, qua đó về cơ bản em đã biết sử dụng khung cửi, nắm vững kỹ thuật dệt thổ cẩm truyền thống cũng như các công đoạn sản xuất thổ cẩm, may và tạo hoa văn trên vải.
Các em học sinh hào hứng bên khung cửi. |
Em Linh cho biết, em rất tự hào và nhận thấy trách nhiệm của mình là cần gìn giữ và phát huy giá trị di sản mà cha ông để lại. Em sẽ động viên các bạn cùng trang lứa tham gia học dệt thổ cẩm để nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình ngày càng phát triển.
Bà Sa Thị Tâm bộc bạch: "Mong muốn của người dân Kim Thượng cũng như các xã khác ở Tân Sơn là khôi phục được nghề dệt truyền thống và lưu truyền mãi tại địa phương. Thế hệ này truyền dạy cho cho các thế hệ tiếp theo. Trước mắt, chúng tôi sẽ cố gắng để truyền dạy hết những kiến thức mình có cho các em, các cháu với mong muốn nghề dệt thực sự là một nghề mang lại thu nhập cho gia đình".
Trong thời gian qua, các cấp, ngành từ tỉnh tới các địa phương cũng đã có nhiều giải pháp để gìn giữ nghề dệt truyền thống trước nguy cơ mai một. Như việc bảo tồn, gìn giữ các trang phục truyền thống; hỗ trợ các làng, bản có nghề dệt duy trì và phát triển; công nhận nghề, làng nghề truyền thống...
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Kim Thượng Phùng Trọng Luận cho biết, xã đã tổ chức thành lập tổ truyền dạy bao gồm các nghệ nhân, các chị em phụ nữ đã biết thành thạo nghề dệt để tập trung truyền dạy cho các thế hệ trẻ, đồng thời khôi phục lại những chiếc khung cửi đã bị hư hỏng; tăng cường phối hợp các cấp bộ, ngành, tranh thủ mọi nguồn lực để khôi phục và phát triển làng nghề, vừa tạo việc làm cho bà con, vừa giữ gìn, phát huy nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc…
Năm 2008, nghề dệt xóm Chiềng được khôi phục và được Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ công nhận làng nghề, đây là cơ hội để nghề dệt ở Kim Thượng mở ra nhiều cơ hội việc làm và phát triển du lịch cộng đồng cho người dân nơi đây. Tuy nhiên, trước sự phát triển các sản phẩm dệt may công nghiệp với nhiều mẫu mã bắt mắt, giá thành rẻ dẫn đến việc bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm ở Kim Thượng cũng gặp nhiều khó khăn…
Các sản phẩm thổ cẩm đa dạng về mẫu mã luôn được các nghệ nhân trân trọng. |
Bà Nguyễn Thị Hồng Huệ, Trưởng phòng Dân tộc huyện Tân Sơn, cho biết, để bảo tồn và phát huy giá trị của nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào người Mường trên địa bàn huyện, thời gian qua huyện Tân Sơn đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khuyến khích bà con khôi phục, lưu giữ nghề dệt thổ cẩm. Đặc biệt, vận động các bà, các mẹ biết nghề tích cực truyền lại cho con, cháu.
Cùng với đó, địa phương đã trích kinh phí hỗ trợ sợi dệt, khôi phục khung cửi, tổ chức các lớp tập huấn, thực hành truyền dạy... để cho bà con có đủ điều kiện duy trì và khôi phục nghề dệt truyền thống. Mặt khác, huyện tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm dệt thổ cẩm gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, kết nối với các điểm bán hàng lưu niệm… nhằm khuyến khích, định hướng, phấn đấu phát triển các sản phẩm dệt tại địa phương, từ đó giúp bà con gắn bó hơn với nghề dệt.
Đến nay, huyện Tân Sơn đã phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhiều lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào dân tộc Mường tại 2 xã Kim Thượng và Xuân Đài; xây dựng hồ sơ, hình ảnh làm tư liệu nghiên cứu, khôi phục và bảo tồn nghề dệt.
Qua đó, nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư Nhà nước trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng, xã hội về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống.