Khơi dậy sức mạnh văn hóa

Nhiều cách hay phát triển nghề dệt thổ cẩm

Trước sự hội nhập và giao thoa với những yếu tố hiện đại, nhiều loại hình văn hóa dân gian đang gặp những khó khăn thách thức trong đó có nghề dệt, kéo theo lực lượng nghệ nhân dệt có nhiều suy giảm. Trước đây người Ba Na, Gia Rai dùng sợi từ cây bông để dệt. Ngày nay, người dân sử dụng sợi chỉ, sợi len công nghiệp...
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân dệt giỏi ở xã Đak Pơ Pho huyện Kông Chro.
Nghệ nhân dệt giỏi ở xã Đak Pơ Pho huyện Kông Chro.

Nơi xa còn nhiều nghệ nhân…

Khảo sát tất cả các huyện có người Ba Na cư trú như ở huyện Đak Đoa, Mang Yang, Đak Pơ, An Khê, Kông Chro, Kbang và các huyện có người Gia Rai cư trú như Chư Păh, Chư Pưh, Chư Sê, Ayun Pa, Krông Pa của tỉnh Gia Lai cho thấy, càng ở những vùng sâu, vùng xa, xa đô thị, xa trung tâm thì nghệ nhân còn nhiều, trình độ tay nghề cao như ở làng Pơ Nang, xã Tú An, thị xã An Khê hiện có hơn 50 chị em với nhiều thế hệ, già nhất là bà Đinh Thị Lý (80 tuổi), trẻ nhất là em Đinh Thị Voenh (21 tuổi). Những người như bà Đinh Thị Lý, bà Đinh Thị Bích, chị Đinh Thị Hương biết dệt khi 10-13 tuổi. Họ có khả năng truyền dạy cho các chị em mới học nghề hoặc đã biết nghề những cách dệt để đỡ mất nhiều thời gian, công sức nhưng vẫn có được tấm vải đẹp, mịn, hoa văn đa dạng, nổi bật, mầu sắc hài hòa, đẹp mắt. Ở làng Leng Tô, thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ có các chị Đinh Thị Honh, Đinh Thị Pon, Đinh Thị Gơi, Đinh Thị A Ngech dệt đẹp, sản phẩm bán được nhiều gồm túi, địu con, váy áo nữ, áo nam. Ở tổ dân phố 5, thị trấn Phú Túc, Krông Pa có các chị Ksor H’Nhum, Ksor Jú, Ksor H’Nham dệt trang phục đẹp, tấm khăn, bước đầu đã giới thiệu và bán được cho khách nước ngoài, Việt kiều qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook…

Các làng ở gần trung tâm, gần đô thị lực lượng nghệ nhân ngày càng ít đi như làng Ốp, làng Choét, làng Kép, thành phố Pleiku chỉ còn từ 3-10 người biết dệt, làng Phung 1, làng Bren, làng Ia Nueng, xã Biển Hồ còn khoảng hơn 30 chị biết dệt và theo nghề.

Nhiều cách hay phát triển nghề dệt thổ cẩm ảnh 1

Nghệ nhân dệt làng Phung, xã Biển Hồ, thành phố Pleiku chụp ảnh với du khách.

Cần môi trường, không gian văn hóa

Theo nhà văn Thu Loan, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Gia Lai - người từng dành hơn 30 năm nghiên cứu văn hóa dân gian Gia Lai thì muốn bảo tồn và phát huy nghề dệt cùng lực lượng nghệ nhân, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức chính trị xã hội và quần chúng nhân dân. Phải có sự quan tâm, lãnh đạo của cấp ủy, của chính quyền: Xây dựng đời sống văn hóa và môi trường văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Gắn kết chặt chẽ những hoạt động xây dựng đời sống văn hóa với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội phù hợp từng khu vực, từng vùng, từng dân tộc, tôn giáo.

Ông Nguyễn Văn Hạnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho rằng: Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh cần nghiên cứu, ban hành những nghị quyết cụ thể về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của địa phương gắn với phát triển kinh tế-xã hội theo từng giai đoạn cụ thể. Cùng với đó, tăng cường nguồn lực đầu tư cho hoạt động văn hóa trên địa bàn. Đồng thời, chú trọng dành kinh phí cho việc nghiên cứu khoa học và lập các dự án nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đang có nguy cơ bị mai một, thất truyền; khôi phục, nâng tầm các lễ hội truyền thống, các nghề thủ công truyền thống, nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của người Gia Rai, Ba Na...

Và những phương thức đồng hành với hiện đại

Để phát triển lực lượng nghệ nhân dệt Ba Na, Gia Rai, ngành văn hóa cần thống kê lực lượng người biết dệt vải giỏi trên địa bàn toàn tỉnh, xác định những địa phương có nhiều nghệ nhân giỏi để có chính sách xây dựng: Hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ dệt, làng nghề dệt thổ cẩm, nông hội dệt thổ cẩm của dân tộc Ba Na, Gia Rai. Cần đầu tư tập trung vào những mô hình đã và đang hoạt động hiệu quả, xây dựng thành điểm đến tham quan trải nghiệm du lịch cho du khách. Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ kinh phí cụ thể hằng năm để chị em hoạt động thường xuyên, hiệu quả hơn.

Những nghệ nhân dệt giỏi, có tay nghề, trình độ cao nên xét danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” cho họ. Mở các lớp bồi dưỡng tập huấn và cấp chứng chỉ nghề cho chị em để giúp họ có cơ sở nâng cao chế độ bồi dưỡng khi được mời tham gia truyền dạy nghề tại các trường đào tạo nghề thủ công trên địa bàn tỉnh hoặc ngoài tỉnh. Dành những phần thưởng có giá trị để trao thưởng cho những sản phẩm dệt tốt, có chất lượng qua các cuộc thi dệt thổ cẩm...

Hằng năm nên mở lớp bồi dưỡng, tập huấn thêm cho bà con nghệ nhân tại các địa phương, hướng dẫn các phương pháp, kỹ năng giữ gìn di sản và quảng bá di sản của dân tộc mình trên các kênh thông tin, kỹ năng bán hàng, thông tin những mô hình hay cách làm hiệu quả của các xã, huyện, tỉnh/thành phố trong tỉnh, trong nước về nghề dệt và sản phẩm dệt... để nghệ nhân trở thành những chủ nhân thật sự biết chủ động khai thác di sản thành sản phẩm hàng hóa, từng bước sinh kế bền vững.

Cần tạo điều kiện cho nghệ nhân và các loại hình di sản văn hóa được hội nhập quốc tế và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại như tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ với các nước: Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Vương quốc Campuchia; tổ chức các đoàn ngoại giao sang thăm, chúc Tết cổ truyền của Lào, Campuchia; các tỉnh Attapư, Champasak (Lào), tỉnh Rattanakiri, Stung Treng (Campuchia)… hoặc tổ chức các chuyến sinh hoạt văn hóa dân gian tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam hay giao lưu chương trình nghệ thuật biểu diễn hoán đổi với các tỉnh trong toàn quốc...

Song muốn lực lượng nghệ nhân phát triển thì điều quan trọng nhất là làm sao nghề dệt phát triển lâu bền, nghệ nhân có thể sống được bằng nghề. Như vậy, cần phải tạo ra nhu cầu cần trang phục truyền thống và những sản phẩm của nghề dệt thổ cẩm trong đời sống hằng ngày. Muốn vậy, sản phẩm của nghề dệt phải gắn với việc thương mại hóa và gắn với việc sử dụng trong cộng đồng. Trước mắt cần khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số giữ trang phục truyền thống để sử dụng trong các hoạt động lễ hội, lễ Tết, đi lễ. Bên cạnh đó, gắn hoạt động dệt và sản phẩm dệt với các hoạt động du lịch của địa phương. Coi trang phục như một sản phẩm hàng hóa có thể mua bán, trao đổi, trang trí, làm sản phẩm quà tặng đặc trưng của Gia Lai (áo/váy nữ, áo nam), phát triển thì những đồ dùng làm từ vải thổ cẩm gồm: (túi, mũ, ví, khăn...) thiết kế váy dạ hội, váy cưới, váy/áo đi chơi, trang phục công sở, áo dài, áo khoác, áo ghi-lê, áo sơ-mi, trang phục biểu diễn... trang trí hoa văn dân tộc để sử dụng trong đời sống sinh hoạt hằng ngày hoặc bán cho khách nước ngoài, bán trên các trang mạng xã hội đem lại hiệu quả kinh tế rõ nét đồng thời góp phần tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm dệt thổ cẩm - di sản văn hóa của Gia Lai đến du khách gần, xa.

Nên tích cực quảng bá giới thiệu nghề dệt và các sản phẩm dệt trên nhiều kênh thông tin truyền thông, chú trọng các kênh thông tin hiện đại như truyền hình, các trang mạng xã hội YouTube, Zalo, Faceboook, website...