Thổ cẩm “bay” cùng thời trang

Bao đời nay, trên vùng đất đại ngàn Tây Nguyên, tinh hoa nghề dệt thổ cẩm cứ tự nhiên trao truyền, những tấm thổ cẩm đan dệt sắc màu núi rừng vẫn lặng lẽ trong không gian buôn làng. Hôm nay, những họa tiết hoa văn sinh động của thổ cẩm vùng đất bazan được kiến tạo giá trị mới, “bay” cùng catwalk và thời trang hiện đại.
0:00 / 0:00
0:00
Trình diễn thời trang lụa và thổ cẩm bên Hồ Xuân Hương (Đà Lạt).
Trình diễn thời trang lụa và thổ cẩm bên Hồ Xuân Hương (Đà Lạt).

Trước đây, thời trang thổ cẩm có lẽ là khái niệm khá xa lạ với nhiều người bởi thổ cẩm chưa vượt thoát không gian buôn làng. Thổ cẩm sống trong “miền mơ tưởng” khi ánh lửa thiêng đại ngàn cháy khát, trong lễ hội và lẽ đương nhiên là y phục truyền thống của cư dân miền rừng xanh, núi đỏ.

Đầu năm 2024, nhà thiết kế K’Jona, người con của buôn làng Cơ Ho, đã góp phần thay đổi định kiến về thời trang thổ cẩm. Bằng tình yêu văn hóa dân tộc, nung nấu ý tưởng sáng tạo, K’Jona trình làng bộ sưu tập Bơkau Lang Labiang (hoa Lang Biang), qua sự “tiếp biến” văn hóa để kiến tạo giá trị mới cho thổ cẩm Nam Tây Nguyên.

Lần đầu trên “Cung đường nghệ thuật” ở xứ ngàn hoa Đà Lạt (Lâm Đồng), khán giả và giới mộ điệu thời trang có dịp thưởng thức Dalat Street Fashion Show (trình diễn thời trang đường phố) qua bộ sưu tập Bơkau Lang Labiang, với những tác phẩm thời trang dạo phố, dạ hội, công sở và thời trang trẻ em. K’Jona cho biết, Bơkau Lang Labiang là sự kết hợp chất liệu vải thổ cẩm và hoa văn truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên. Qua đó, anh mong muốn truyền tải nét đẹp mộc mạc của những chàng trai, cô gái miền sơn cước, quảng bá sản phẩm thổ cẩm, giúp mọi người hiểu hơn về vùng đất, con người và văn hóa truyền thống trên cao nguyên Lang Biang huyền thoại.

Thật ra, Bơkau Lang Labiang không phải là một loài hoa trong tự nhiên. Đó có thể là một điệu thức, một thanh âm đại ngàn, một hình bóng sơn nữ, hay tình yêu nồng nàn của người nghĩ ra tên gọi với cao nguyên Lơm Biêng (Lâm Viên, Lang Biang). Nhưng qua sáng tạo của K’Jona, những bộ trang phục công sở, dạ hội, dạo phố... có thêm “ngôn ngữ” thổ cẩm trở nên đặc biệt, bắt nhịp xu hướng thời trang hiện đại, đồng thời ẩn chứa tinh thần văn hóa dân tộc. “Với Bơkau Lang Labiang, tôi đã kết hợp hài hòa, tinh tế giữa thời trang hiện đại và hoa văn phong phú của thổ cẩm người Cơ Ho, Mạ, Chu Ru, Mnông... để bộ sưu tập gần hơn với thực tiễn, mang tính ứng dụng cao, phù hợp thị hiếu thời trang đương đại”, K’Jona chia sẻ.

Từng gia nhập “làng” thiết kế thời trang có tiếng tại Malaysia, năm 2019, K’Jona quyết định trở về để hiện thực hóa giấc mơ, biến những tấm thổ cẩm thô mộc Tây Nguyên thành những bộ trang phục mang tính thời đại, để tinh hoa thổ cẩm vượt đại ngàn hòa vào bức tranh đa sắc của các dân tộc trên thế giới. Năm 2022, K’Jona gây bất ngờ và ghi dấu ấn với bộ sưu tập “Thiên đường Tây Nguyên”, tại chương trình thuộc khuôn khổ Festival Hoa Đà Lạt. Hơn 20 thiết kế lấy cảm hứng từ hoa văn thổ cẩm của dân tộc Cơ Ho, Mạ, kết hợp với vải may áo dài truyền thống, K’Jona đã tạo ra một cách thức biểu đạt mới cho những tác phẩm áo dài đầy quyến rũ. “Rất vui, sau sự kiện ấy, toàn bộ thiết kế của tôi được khách hàng trong và ngoài nước đặt mua. Tôi nghĩ, thổ cẩm đã có giá trị mới, thỏa mãn thị hiếu đương đại”, K’Jona chia sẻ.

Dõi theo những bước chân catwalk của những bông hoa Lang Biang, tại chương trình Dalat Street Fashion Show, Ka Pou Diễm, cô phóng viên phòng dân tộc Đài Phát thanh và Truyền hình Lâm Đồng, bông hoa rừng mê sáng tạo thời trang thổ cẩm, xúc động: “Tinh hoa thổ cẩm thật sự đã “bay” cùng sàn diễn thời trang. Mỗi khoảnh khắc hôm nay là một bữa tiệc thị giác. Quả thật, thời trang thổ cẩm là sự kết nối những giá trị truyền thống và hiện đại, được các nhà sáng tạo thiết kế sinh động, phù hợp khuynh hướng thời trang”.

Chưa từng tổ chức show, nhưng lâu nay, những mẫu thiết kế thời trang thổ cẩm của Ka Pou Diễm đã tự nhiên cuốn hút giới trẻ ở nhiều buôn làng Nam Tây Nguyên, nhất là trang phục cưới hỏi, dự tiệc truyền thống. Cô gái mang hai dòng máu Mạ và Cơ Ho này để lại ấn tượng bằng những bộ trang phục thổ cẩm mang hơi hướng thời trang hiện đại. “Là người con buôn làng, qua những lần tác nghiệp liên quan thời trang, mình nảy ý tưởng phối kết thổ cẩm và thời trang. Sau đó lên thiết kế và sáng tạo. Hiện, sản phẩm của mình đã khá phổ biến ở Nam Tây Nguyên”, Ka Pou Diễm bộc bạch.

Thổ cẩm “bay” cùng thời trang ảnh 1

Ngược thời gian, năm 2018, bên bờ hồ Xuân Hương thơ mộng Đà Lạt, lần đầu thổ cẩm của đồng bào Mạ, Cơ Ho được lên sàn diễn thời trang chuyên nghiệp trong bộ sưu tập của nhà thiết kế Minh Hạnh, đã để lại ấn tượng mạnh. “Khi được khám phá sâu hơn về văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, tôi bị thuyết phục trước tiên là tinh hoa trên các hoa văn và mầu sắc thổ cẩm. Tôi thấu cảm sự tinh tế và linh hoạt của người phụ nữ qua cảm xúc được “dệt” trên những tấm thổ cẩm”, nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ.

Sau đó một năm, thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số trên dải Trường Sơn-Tây Nguyên bất ngờ xuất hiện trên sàn catwalk ở thủ đô Moscow (Nga), qua bộ sưu tập của nhà thiết kế Minh Hạnh đã gây ấn tượng mạnh mẽ với giới mộ điệu thời trang quốc tế. Bộ sưu tập gồm hơn 70 mẫu thiết kế, dựa trên chất liệu thổ cẩm và tơ lụa Việt Nam được sáng tạo khéo léo, tinh tế, phối kết giữa đặc tính văn hóa thổ cẩm và chất liệu tơ lụa mang tính hiện đại.

Trong không gian lộng lẫy của khu Bảo tồn-Bảo tàng Tsarisino ở thủ đô Moscow, những tà áo dài, váy lụa, thời trang thổ cẩm Việt Nam thướt tha qua sự trình diễn của những người mẫu Nga và Việt Nam trên nền nhạc của đàn bầu, đàn tỳ bà càng trở nên hấp dẫn, cuốn hút. “Nhiều người e ngại khi gọi thổ cẩm là thời trang. Nhưng chúng tôi đã “giải mã” bằng những bộ sưu tập, bằng mầu sắc của núi rừng Tây Nguyên. Xưa, thổ cẩm ẩn khuất trong sâu thẳm đại ngàn. Nay, thổ cẩm đã hiện diện trên sàn diễn thời trang trong nước và quốc tế”, nhà thiết kế Minh Hạnh cho biết.

Tiếp nối những thành công, năm 2022 và 2023, nhà thiết kế Minh Hạnh tiếp tục phối hợp tổ chức nhiều sự kiện thời trang thổ cẩm tại các tỉnh Tây Nguyên, như “Lụa và thổ cẩm Tây Nguyên”, “Thời trang thổ cẩm và âm nhạc Tây Nguyên” tại Lâm Đồng; “Hẹn nhau giữa đại ngàn Tây Nguyên”, “Điểm hẹn tại thiên đường xanh Măng Đen” tại Kon Tum; “Ban Mê ơi” tại Đắk Lắk... Các bộ sưu tập độc đáo, quyến rũ do nhà thiết kế Minh Hạnh và những nhà thiết kế tên tuổi trong làng thời trang trong nước và quốc tế thiết kế đã cuốn hút người xem, mở ra “chân trời mới” cho thổ cẩm Tây Nguyên.

Để có chất liệu cho những ý tưởng sáng tạo, thiết kế các bộ sưu tập thời trang thổ cẩm, nhà thiết kế Minh Hạnh cùng một số nhà nghiên cứu văn hóa, nhà dân tộc học và giới sản xuất tơ lụa đã tìm về những buôn làng ở Tây Nguyên, đưa những sợi tơ đũi cho phụ nữ Mạ, Cơ Ho, Xơ Đăng... dệt. Ngắm nhìn, mặc thử những sản phẩm và ý tưởng về những bộ sưu tập thời trang lụa thổ cẩm ra đời. Những người con của núi rừng Tây Nguyên K’Jona, Ka Pou Diễm cũng thế, họ đã lang thang khắp buôn làng, vùng đất có nghề dệt thổ cẩm phát triển ở vùng đất đại ngàn để tìm tòi, nghiên cứu sắc mầu, hoa văn thổ cẩm nhằm tăng sự đa dạng trong thiết kế.

Hôm tôi đến buôn Đam Pao, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng, bà Ka Niêr đã hơn 90 mùa rẫy, vừa dệt vừa khấp khởi nói: “Thổ cẩm của buôn làng mình đã đi xa rồi, vui lắm”. Gần cả đời người gắn với sợi chỉ dệt, đến giờ bà Ka Niêr mới nở nụ cười mãn nguyện, khi thổ cẩm của dân tộc mình theo những bộ sưu tập thời trang đến với bè bạn quốc tế. Thổ cẩm không thể thiếu trong đời sống các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, gắn bó với họ suốt cả vòng đời. Trên sắc núi, màu rừng của tấm thổ cẩm đã thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa tư tưởng, thẩm mỹ, tâm hồn của con người với thế giới tự nhiên.

Lấy cảm hứng và ý tưởng sáng tạo từ văn hóa bản địa, các nhà thiết kế đã chắp cánh vẻ đẹp của thổ cẩm Tây Nguyên qua sản phẩm thời trang mang tính ứng dụng, để thổ cẩm “bay” cùng catwalk, để những câu ndrĩ nring vẫn hằng ngày cất lên bên khung dệt.