Hoàn thiện quy hoạch đô thị thông minh

Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ định hướng: Phát triển đô thị Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng đa trung tâm, kết nối vùng, đô thị xanh, đô thị thông minh, phát triển hài hòa giữa nông thôn và đô thị.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc khu đô thị trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh THẾ ANH)
Một góc khu đô thị trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh THẾ ANH)

Một trong những giải pháp được đề cập trong Nghị quyết này là: Nâng cao chất lượng quy hoạch với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo không gian và động lực phát triển mới, ổn định, lâu dài cho thành phố.

Cho đến nay, thế giới vẫn chưa có định nghĩa cụ thể về đô thị thông minh được chấp nhận rộng rãi, cũng như chưa có hình mẫu chung hay cách làm thống nhất trong phát triển đô thị thông minh. Theo quan điểm lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông từng chia sẻ, về bản chất, phát triển đô thị thông minh chính là thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi, quy mô đô thị và lấy người dân làm trung tâm.

Đây là một quá trình liên tục, lâu dài và là vấn đề lớn cần tổ chức nguồn lực để triển khai, và nhất là cần làm và có tư duy phát triển đô thị thông minh ngay từ khi lập quy hoạch, làm từ đầu khi quy hoạch phát triển đô thị. Trong đó, các cơ quan Trung ương tập trung vào ban hành chính sách, tiêu chuẩn kết nối, tiêu chuẩn dữ liệu, còn triển khai hiệu quả là trách nhiệm của các địa phương.

Để hiện thực hóa mong muốn hình thành đô thị thông minh, năm 2017, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 6179/QĐ-UBND về phê duyệt đề án xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025.

Nội dung triển khai tập trung vào bốn cột trụ cơ bản: Xây dựng kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở; thiết lập trung tâm điều hành đô thị thông minh; triển khai trung tâm mô phỏng dự báo kinh tế-xã hội và hình thành trung tâm an toàn thông tin thành phố. Đến nay, tiến trình xây dựng đã dần định hình khi bốn cột trụ của đô thị thông minh do đề án đề ra đã được thiết lập và đưa vào vận hành.

Dù đi đầu cả nước về xây dựng đô thị thông minh, nhưng Thành phố Hồ Chí Minh chưa hoàn thiện quy hoạch ngành, lĩnh vực gắn với quản lý đô thị thông minh để giải quyết các vấn đề cấp thiết của đô thị như: Quản lý giao thông, đô thị, an ninh trật tự, môi trường, giáo dục, y tế... nhằm phục vụ đời sống người dân, an toàn và an sinh xã hội ngày càng tốt hơn. Việc triển khai đô thị thông minh vẫn tập trung vào phát triển và cung cấp các dịch vụ, tiện ích đô thị thông minh, chủ yếu gắn với các dịch vụ của chính quyền điện tử, chính quyền số.

Theo ý kiến nhiều chuyên gia, quy hoạch của thành phố cần có sự kết nối các lĩnh vực nhằm chia sẻ hạ tầng, dữ liệu và các công cụ, tài nguyên khác giữa các ngành. Với quan điểm lấy người dân làm trung tâm, các dịch vụ công của đô thị thông minh phải tích hợp để tạo thuận lợi tối đa cho người dân. Hệ thống một cửa điện tử và việc cung cấp các dữ liệu mở cần thiết cho người dân có thể giúp quyết định sự thành công của một đô thị thông minh.

Điều quan trọng là thành phố phải có phương án huy động nguồn vốn để triển khai các dự án về công nghệ đòi hỏi nguồn tài chính lớn và ổn định. Thành phố cần tạo dựng được sự liên kết giữa chính quyền-doanh nghiệp-người dân trong việc huy động nguồn vốn đầu tư cho phát triển.

Đồng thời, thành phố cần có chiến lược tổng thể, thu hút các nguồn lực, nhất là các tập đoàn nước ngoài lớn có kinh nghiệm và tiềm lực hỗ trợ phối hợp thành phố trong phát triển các nhóm công nghệ thông minh nhằm đẩy mạnh sự phối hợp giữa chính phủ, doanh nghiệp và người dân trong phát triển, đem lại giá trị cuộc sống cho người dân, phát triển kinh tế.